Tranh Hàng Trống: Nỗ lực gìn giữ trong sự mai một

11/11/2018 - 15:00

PNO - Tương tự như nhiều dòng tranh dân gian của Việt Nam, sự mai một của tranh Hàng Trống đang gióng lên những hồi chuông báo động thê thiết.

Người nghệ nhân cuối cùng

Trong một buổi workshop vào sáng thứ 7 do Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory tổ chức, gần 50 bạn trẻ vây quanh nghệ nhân Lê Đình Nghiên - nghệ nhân cuối cùng của dòng tranh Hàng Trống - khi ông biểu diễn một vài kỹ thuật vẽ. 

Tranh Hang Trong: No luc gin giu trong su mai mot
Màn biểu diễn của nghệ nhân Lê Đình Nghiên được đông đảo bạn trẻ quan tâm

Phải hơn 10 năm, nghệ nhân Lê Đình Nghiên mới trở lại Sài Gòn, trong một dịp đặc biệt ý nghĩa như thế. 10 năm trước, ông cũng nói về tranh Hàng Trống cho nhiều người nghe, nhưng lần đấy là ở một bảo tàng. Cảm giác không đặc biệt như hôm nay. Ông tâm tình, tuổi này chỉ muốn ở nhà nghỉ ngơi, vẽ tranh vì ông sợ tuổi tác không còn nhiều nữa. Ông muốn vẽ, vẽ thật nhiều tranh, để có thể mang những bức tranh ấy đến nhiều người hơn nữa.

Tuy nhiên, nhiệt tâm của những người trẻ tuổi, như Trịnh Thu Trang; như The Factory đã thuyết phục được ông rời nhà, tham gia buổi trò chuyện này. Ông không quản thời gian, hễ lúc nào khỏe là ngồi vẽ suốt 5 tháng để có thể mang kịp những bức tranh đặc trưng nhất của dòng tranh Hàng Trống giới thiệu đến những bạn trẻ Sài Gòn. Chiều thứ 6 vừa qua, khi ông đáp máy bay xuống Sài Gòn, cũng là lúc những bức tranh cuối cùng của ông vừa ráo mực!

Tranh Hang Trong: No luc gin giu trong su mai mot
Tranh Ngũ hổ - nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ

Ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XVI, tranh Hàng Trống dù du nhập từ Trung Quốc và chịu ảnh hưởng rõ nét của văn hóa Trung Hoa qua chủ đề Đạo giáo hoặc những lời chúc tụng, Tam Quốc… nhưng theo thời gian, dòng tranh này đã tiếp cận và hòa hợp vào văn hóa Việt Nam, tạo nên những chủ đề riêng biệt, điển hình là tranh thờ Đạo Mẫu (Cô Bơ, Tam phủ, Tứ phủ, Đức Thánh Trần)... Tranh được vẽ cho nhiều mục đích khác nhau như: thờ cúng, chơi Tết, tranh thế sự, tranh tứ bình, tranh chim Công cá Chép... 

Với nhu cầu chơi tranh ngày một nhiều, tranh Hàng Trống bước vào giai đoạn cực thịnh với hơn 200 chủ đề khác nhau được các nghệ nhân thi nhau tạo ra. Không chỉ mang đậm tính thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu, tranh Hàng Trống còn đậm nét yếu tố văn hóa, thời đại mà nó sinh ra, trở thành nét đẹp không thể thiếu mỗi dịp tết đến xuân về.

Tranh Hang Trong: No luc gin giu trong su mai mot
Tranh Tố nữ - nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ.

Màu sắc trong tranh Hàng Trống

“Màu sắc trong tranh Hàng Trống được sử dụng rất điêu luyện, nhuần nhị. Cách phối hợp các màu sắc rực rỡ, tương phản tạo nên sự hài hòa đáng ngạc nhiên. Càng ngạc nhiên hơn khi biết các nghệ nhân chỉ sử dụng 6 màu, gồm xanh lá cây, xanh da trời, hồng, cam, vàng, đỏ điều kết hợp với 2 sắc đen, trắng đã tạo nên một thế giới rực rỡ: từ phiên chợ quê gần gũi đến những bức tranh tôn giáo uy nghiêm.

Điều gì đã tạo nên sự phong phú của màu sắc trong hàng trăm bức tranh? Đó chính là cách phân bố màu và tỉ lệ nhiều ít của các màu trong tranh cực kỳ biến hóa và linh hoạt. Tôi vô cùng ngưỡng mộ tài năng của những nghệ nhân xưa và không tránh khỏi cảm giác nuối tiếc khi dòng tranh quý này đang dần bị mai một” - nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang (trích sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống, tr. 31)

Theo chiều dài lịch sử, trong cơn lốc phát triển, số phận tranh Hàng Trống cũng như nhiều loại tranh dân gian khác (tranh Đông Hồ, tranh kính Nam Bộ, tranh Kim Hoàng, tranh Thập vật, tranh Đồ thế Nam Bộ,...) bị cuốn trôi.

Không còn sống được với nghề, nhiều nghệ nhân bỏ cuộc. Số khác quyết liệt đeo bám, mong muốn níu giữ giá trị còn sót lại của truyền thống gia đình nhưng dần dà cũng “đầu hàng” trước sự vô hạn của thời gian.

Nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người cuối cùng còn thành thạo kỹ thuật vẽ tranh Hàng Trống. Ông hiểu thời buổi hiện đại có quá nhiều thứ hấp dẫn con người.

Cho nên, ông không ngạc nhiên trước hiện thực tranh Hàng Trống đang đối mặt. Ông đang cố gắng truyền nghề lại cho con trai nhưng không ép con. Bởi, theo nghề hay không, ông tin vào sự lựa chọn của tổ tiên. Ông lạc quan, so với nhiều năm trước, tranh Hàng Trống bây giờ đã bắt đầu được nhìn nhận trở lại, nhiều người quan tâm và tìm hiểu về nó nhiều hơn. Do đó, hễ lúc nào còn sức, còn vẽ được, ông cứ vẽ.

Tranh Hang Trong: No luc gin giu trong su mai mot
Tranh Chim Công, Cá Chép vọng nguyệt - nghệ nhân Lê Đình Nghiên vẽ

Nỗ lực tiếp biến, đưa tranh vào đời sống đương đại 

5 năm trước, khi bắt đầu một dự án về Hoàng thành Thăng Long, nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang, trong quá trình tìm tòi, nghĩ đến tranh Hàng Trống và ngay lập tức bị dòng tranh này cuốn hút.

Cuộc trò chuyện với nghệ nhân Lê Đình Nghiên không chỉ giúp chị vỡ lẽ thêm đôi chút về tranh Hàng Trống mà còn gieo vào lòng chị nỗi ngậm ngùi khi thấy trước tương lai vĩnh viễn biến mất của một dòng tranh đã gắn liền với văn hóa, với lịch sử của dân tộc.

Chính nỗi tiếc nuối ấy đã khơi lên trong chị ý tưởng giới thiệu về tranh Hàng Trống, cô đọng những chi tiết của tranh để có thể đưa vào đời sống hiện đại. Bởi, suy cho cùng, một giá trị văn hóa, muốn tồn tại, trước hết phải cộng sinh với đời sống. Có như vậy, mới tạo thành vòng quay vận động và phát triển. Có như vậy, tranh Hàng Trống mới hy vọng hồi sinh.

Tranh Hang Trong: No luc gin giu trong su mai mot
Tranh Cô Bơ - một trong những đề tài là sáng tạo riêng của tranh Hàng Trống Việt Nam

Từ ý nghĩ đó, chị lao vào tìm hiểu, sưu tập, nghiên cứu các chủ đề khác nhau của tranh Hàng Trống, từ đó lọc ra những chi tiết riêng biệt của tranh. Không dừng lại ở đó, chị bắt đầu in những họa tiết của tranh Hàng Trống lên vải, làm khăn lụa, may áo quần, túi xách, phong bao lì xì, bưu thiếp, bao bì, vỏ gối…

Chị còn tập hợp tất cả kiến thức, thành quả trong suốt 5 năm ròng rã mày mò, tỉ mẩn ghi chép lại trong cuốn sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống để tiếp lửa cho sinh viên ngành thiết kế và những ai yêu mến dòng tranh này, muốn sáng tạo từ nó.

Tranh Hang Trong: No luc gin giu trong su mai mot
Bìa cuốn sách Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống

Nhớ lại những ngày bắt đầu dự án, Trịnh Thu Trang ngậm ngùi, rất nhiều người đã ngăn cản chị với lý do: tranh Hàng Trống chịu nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa. Giữa dòng phân vân đó, một người thầy nói với chị rằng: “Văn hóa đi theo dòng chảy xuôi chiều của một con sông, giao thoa văn hóa là điều đương nhiên, khó thể tránh khỏi. Vấn đề là, nó đã tiếp biến như thế nào ở nơi nó du nhập”.

Chính lời động viên đó đã tiếp nghị lực cho chị để bước tiếp.

Tranh Hang Trong: No luc gin giu trong su mai mot
 
Tranh Hang Trong: No luc gin giu trong su mai mot
Một số ứng dụng vào đời thực từ họa tiết trong tranh Hàng Trống

Cách làm của nhà nghiên cứu Trịnh Thu Trang tương tự như cách mà nhiều nhóm trẻ khác hiện nay dành tình yêu cho văn hóa truyền thống trước cơn lốc của công nghệ và thế giới phẳng. Lửa đã được nhóm lên, song để có thể đi được dài hơi, cần sự chung tay và quan tâm đúng mức, thiết thực hơn từ cơ quan văn hóa.

Lê Phan
Ảnh: The Factory

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI