Trắng đêm cùng đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel

14/08/2022 - 07:09

PNO - Trong đêm mưa bão, các thành viên của đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel ở TP.Hà Nội vẫn trực, sẵn sàng hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông.

 

 


 

 1. 21g ngày 11/8, bão Mulan đổ bộ vào Bắc bộ. Ở TP.Hà Nội, mưa nặng hạt, gió rít từng cơn, cây cối rung lắc, chao đảo. Phạm Quốc Việt - 27 tuổi, quê ở tỉnh Nam Định - cùng gần chục đồng đội của mình vẫn có mặt tại một quán nước xiêu vẹo trên vỉa hè đường Dương Đình Nghệ, Q.Cầu Giấy. Tóc tai ướt nhèm, đôi giày ngập trong nước, Việt hỏi thăm, nhắc nhở mọi người kiểm tra lại túi đồ nghề là bông băng, nước sát trùng và dụng cụ sơ cứu. 

Phạm Quốc Việt là thành viên và cũng là người lập ra đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel (First Aid Support Angel) tại TP.Hà Nội vào tháng 9/2019. Đội có nhiệm vụ sơ cứu những người gặp tai nạn giao thông, sau đó chuyển nạn nhân đến các trung tâm cấp cứu.

Hiện FAS Angel đã có 130 tình nguyện viên. “Angel có nghĩa là thiên thần. Thiên thần luôn có hai sứ mệnh, đó là bảo vệ người không may bị nạn; còn nếu không thể bảo vệ thì ở bên cạnh để tiễn họ lên thiên đường. Đó là lý do mà tôi lấy tên FAS Angel” - Phạm Quốc Việt cho hay.

Các thành viên trong nhóm FAS Angel sơ cứu, đưa bệnh nhân lên xe cứu thương của đội
Các thành viên trong nhóm FAS Angel sơ cứu, đưa bệnh nhân lên xe cứu thương của đội

Cuộc trò chuyện của chúng tôi bị cắt ngang do có một cuộc gọi từ số điện thoại lạ tới Việt. Lúc này là 21g30. Người dân đã gọi vào số điện thoại nóng (hotline) của FAS Angel về một vụ tai nạn trên đường Trần Duy Hưng, cách địa điểm tập kết của nhóm Việt chừng hơn 3km. Việt thông báo tới mọi người rồi lên xe cứu thương, hướng về nơi có vụ tai nạn. Nhóm bạn hỗ trợ cũng nhanh chóng chạy xe máy theo sau, mặc cho mưa từng cơn táp vào mặt. 

Chỉ khoảng hơn bảy phút, các thành viên đã có mặt tại hiện trường. Nạn nhân là một thanh niên làm nghề giao nhận hàng (shipper) khoảng 23 tuổi, va chạm xe máy với một ô tô chạy cùng chiều. Anh shipper nằm giữa lòng đường, gương mặt tỏ ra đau đớn, tay chân có nhiều vết xước.

Nhóm FAS Angel chia nhau, người thì sơ cứu cho nạn nhân, người thì bảo vệ hiện trường, người thì tạo vành đai để tránh gây ùn tắc giao thông. Nghi ngờ nạn nhân bị gãy chân, Việt đề nghị nhóm cố định chân. Ngay sau đó, nhóm đưa nạn nhân lên xe cứu thương để đưa tới bệnh viện gần nhất. Hai thành viên trong đội đi cùng để hỗ trợ nạn nhân, số còn lại ở lại bảo vệ hiện trường để bàn giao cho công an.

22g, khi chuẩn bị hoàn thành nhiệm vụ tại hiện trường vụ tai nạn trên đường Trần Duy Hưng, các thành viên lại nhận được tin báo về vụ va chạm xe trên đường Hoàng Quốc Việt. Họ lại di chuyển đến địa điểm mới. Lúc này, mưa đã ngớt nhưng đường tối sẫm, ướt nhẹp. 

Anh Phạm Quốc Việt - người thành lập đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel
Anh Phạm Quốc Việt - người thành lập đội hỗ trợ sơ cứu FAS Angel

2. Rạng sáng, dọn dẹp chiếc xe cứu thương, Việt kể lại cơ duyên khiến anh lập ra đội FAS Angel: “Năm 2016, tôi bị tai nạn giao thông nghiêm trọng ở tỉnh Tuyên Quang. Một chiếc xe máy đã đâm thẳng vào người khiến tôi bất tỉnh. Sau một hồi lâu, tôi tỉnh lại nhưng toàn thân như bị tê liệt, không thể cử động, chỉ có đầu óc là tỉnh táo.

Tôi đưa mắt nhìn xung quanh nhưng không thấy ai để nhờ vả cho đến khi kiệt sức và ngất đi một lần nữa. Thức dậy, tôi thấy mình đang nằm trên giường bệnh viện. Thì ra, một người qua đường tốt bụng đã nhìn thấy và đưa tôi đi cấp cứu. Tôi có cảm giác như vừa từ cõi chết trở về”. 

Sau lần đó, Việt tâm niệm phải làm hết sức mình để hỗ trợ những người gặp rủi ro như anh đã từng trải qua. Năm 2017, khi xe ôm “công nghệ” xuất hiện ở Việt Nam, anh đăng ký tham gia. Ban đầu, anh chỉ tranh thủ làm thêm vào buổi tối, vừa chở khách kiếm tiền, vừa chú ý quan sát.

Chỗ nào xảy ra tai nạn giao thông, có người bị thương, anh sẽ đưa họ đi cấp cứu. Đồng thời, anh tìm thêm bạn đồng hành, phân phát tem của nhóm, trong đó có số điện thoại để nhờ người dân thông báo. Trong hai năm, FAS Angel đã phát 25.000 tem. Dần dần, số điện thoại của anh được mọi người biết đến và gọi khi cần.

FAS Angel phát triển trên tinh thần tự nguyện, việc cứu hộ là hoàn toàn miễn phí. Thời gian đầu, đội còn thiếu kinh nghiệm, nhưng sau đó đã được các tổ chức, cá nhân ngành y đào tạo kỹ năng sơ cứu. “Mỗi tuần một lần, các thành viên trong nhóm được tập huấn các kỹ năng sơ cứu theo chủ đề.

Tại hiện trường, các nhóm trưởng - những người đã được cấp chứng chỉ về sơ cứu - sẽ trực tiếp sơ cứu nạn nhân; các thành viên còn lại làm nhiệm vụ hỗ trợ. Ngoài các buổi tập huấn thường kỳ, nhóm còn có sự hỗ trợ chuyên môn từ một số tổ chức sơ cứu chuyên nghiệp nước ngoài” - Phạm Quốc Việt cho hay.

Việt không nhớ nổi đã hỗ trợ được bao nhiêu người sau gần ba năm FAS Angel hoạt động. Dù gặp rất nhiều khó khăn, nhất là về kinh phí mua trang thiết bị, thuốc men, nhưng anh vẫn muốn mở rộng quy mô đội, kết nạp thành viên có kiến thức tốt về y khoa. 

Cũng theo anh, trong số vụ tai nạn mà anh tham gia hỗ trợ nạn nhân, chiếm 75% số vụ là do người lái xe có uống rượu bia, dùng chất kích thích. Các nguyên nhân sau đó là do phóng nhanh vượt ẩu, không chấp hành luật giao thông. Những vụ tai nạn này đều gây hậu quả rất nghiêm trọng, không ít trường hợp phải trả giá bằng mạng sống.

Việt nhớ lại một vụ tai nạn mới đây: “Nạn nhân vừa uống rượu xong, trên đường chạy xe máy về thì gặp tai nạn. Khi tôi đến thì nạn nhân đang trải qua những cơn co giật cuối cùng”.

Nguyễn Thị Mai - thành viên nữ của biệt đội FAS Angel
Nguyễn Thị Mai - thành viên nữ của biệt đội FAS Angel

3. Là một thành viên nữ và nhỏ tuổi nhất đội, Nguyễn Thị Mai - 20 tuổi, quê ở tỉnh Nghệ An - đã tham gia FAS Angel được tám tháng nay. Mai là sinh viên một trường đại học ở TP.Hà Nội. Sáng đi học, chiều làm thêm ở một quán cà phê, các buổi tối, Mai tham gia cùng đội sơ cứu. “Chị mình từng bị tai nạn giao thông và nhận được sự giúp đỡ của FAS Angel. Mình thấy các anh chị trong đội rất nhiệt tình và tận tâm. Thế là mình quyết định xin tham gia đội” - Mai kể. 

Là dân công nghệ thông tin, với vóc dáng thư sinh, ít ai biết, Trần Hải Minh (24 tuổi) cũng rất bạo dạn và có nhiều kinh nghiệm sơ cứu nạn nhân. Minh cho hay: “Mình được tham gia các khóa học sơ cứu nạn nhân như cầm máu, xác định vết thương, hô hấp nhân tạo… Điều mà mình và đồng đội sợ nhất đó là không kịp đến với nạn nhân, phải chứng kiến những giọt nước mắt của người thân họ. Niềm vui lớn nhất của cả đội là thấy nạn nhân được an toàn”. 

Minh khẳng định, sẽ gắn bó dài lâu với việc hỗ trợ sơ cứu: “Còn sức, mình sẽ còn làm”. 

Theo FAS Angel, khi gặp các vụ tai nạn giao thông, cộng đồng có thể gọi đến số hotline 0822.510.627 hoặc nhắn tin vào fanpage “FAS Angel - Hỗ Trợ Sơ Cứu” để được hướng dẫn cách sơ cứu; chụp ảnh tình trạng của nạn nhân và gửi vị trí để giúp đội có mặt kịp thời, sơ cứu hiệu quả hơn.

Ngọc Linh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI