Tràn lan thiết bị đo vi chất, chỉ số cơ thể chưa được kiểm định

01/07/2023 - 06:04

PNO - Người bán khuyên chúng tôi mua một cây bút rồi kết nối với ứng dụng trên điện thoại, sau đó chỉ cần chạm bút vào đầu ngón tay là có thể biết được cơ thể đang thiếu, thừa vi chất nào.

Đủ loại thiết bị lập lờ

Một chiếc cân được quảng cáo có thể cân đo được 10 chỉ số cơ thể, không có tem kiểm định, nhãn phụ ghi đơn vị nhập khẩu và phân phối  (ảnh chụp tại một siêu thị bán dụng cụ y tế đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TPHCM)  - ẢNH: THANH HOA
Một chiếc cân được quảng cáo có thể cân đo được 10 chỉ số cơ thể, không có tem kiểm định, nhãn phụ ghi đơn vị nhập khẩu và phân phối (ảnh chụp tại một siêu thị bán dụng cụ y tế đường Nguyễn Thiện Thuật, quận 3, TPHCM) - Ảnh: Thanh Hoa

Quảng cáo rầm rộ nhất trên các trang mạng xã hội hiện nay là sản phẩm “bút đo vi chất” có tên Vitastiq, giá 7,8 triệu đồng/sản phẩm, được giới thiệu là nhập từ Croatia. Gọi là “bút đo vi chất” vì sản phẩm có thiết kế như một cây bút mực, khi sử dụng phải kết nối bút với một ứng dụng trên điện thoại. Chỉ cần chấm đầu bút ở 10 đầu ngón tay là trên màn hình điện thoại sẽ hiện lên bảng màu hiển thị 26 loại vitamin và khoáng chất.

Nhân viên một công ty đang bán sản phẩm này (trụ sở tại quận 12, TPHCM) cho biết, bút này bán rất chạy, được nhiều người mua phục vụ cho việc bán các sản phẩm dinh dưỡng. Chẳng hạn người bán cốm dinh dưỡng sẽ dùng bút này đo cho trẻ, thuyết phục phụ huynh rằng trẻ thiếu chất dinh dưỡng. 

Ngoài “bút đo vi chất”, trên thị trường còn rộ lên nhiều thiết bị phân tích chỉ số cơ thể, chỉ từ 400.000-800.000 đồng/sản phẩm. Ghé một siêu thị đồ y tế trên đường Nguyễn Thiện Thuật (quận 3, TPHCM), chúng tôi được giới thiệu một chiếc cân có tên Reiwa, sử dụng công nghệ Nhật, có xuất xứ từ Trung Quốc, giá 690.000 đồng/sản phẩm. Nhân viên bán hàng cam kết, ngoài đo cân nặng như sản phẩm cân bình thường thì cân này có thể đo được chỉ số nước, lượng cơ, xương, calo, mỡ trong cơ thể chính xác 100% chỉ sau 10 giây.

“Nhà chị có con nhỏ thì nên dùng cân này để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng cho hợp lý. Còn nếu chị muốn ăn kiêng giảm cân, nên sắm 1 cái để kiểm soát cân nặng” - nhân viên bán hàng tư vấn. Dù là hàng ngoại nhập nhưng sản phẩm không hề có nhãn phụ ghi thông tin đơn vị nhập khẩu, phân phối theo quy định. Trong khi đó, ở các cửa hàng thiết bị y tế, một sản phẩm cân sức khỏe và phân tích được thành phần cơ thể có giá gần chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng/sản phẩm. 

Còn trên các trang thương mại điện tử, nhiều sản phẩm cân quảng cáo đo được 10 chỉ số cơ thể, tính được độ mỡ trong nội tạng, được cho là nhập từ Mỹ, châu Âu, Nhật… được rao bán với giá chỉ 88.000 đồng/sản phẩm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít khách hàng từng mua hàng bày tỏ bức xúc vì chất lượng sản phẩm không như quảng cáo, chỉ số đưa ra sai, nếu dựa vào đây mà bổ sung dinh dưỡng cho trẻ thì sẽ nguy hiểm. 

Không thể bỏ qua khám tổng quát

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Viết Hậu - Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Đại học y dược TPHCM - cho biết, thực tế có không ít người quan tâm quá mức, đặt niềm tin cao vào các ứng dụng theo dõi sức khỏe trên điện thoại và các dụng cụ đo lường bán định lượng, định tính như que thử vi chất, bút đo vi chất… Nếu muốn tự tầm soát sức khỏe bằng các dụng cụ, thiết bị… người sử dụng phải hiểu biết về hiệu quả, giới hạn của các thiết bị này. Quan trọng nhất là không được dựa hoàn toàn vào đó mà kết luận mình khỏe mạnh vì sẽ vô tình bỏ sót tổn thương bên trong cơ thể. 

Theo bác sĩ Nguyễn Viết Hậu, đo vi chất là một kỹ thuật phức tạp, ngay cả ở các cơ sở y tế cũng chỉ đo được nồng độ một số chất thông thường như natri, kali, clo, canxi, magie… Trong khi đó, các chất như chì, đồng, kẽm… không phải bệnh viện nào cũng đo được mà phải gửi mẫu đến các trung tâm có kỹ thuật chuyên sâu mới có thể phân tích chính xác.

“Ngay cả khi lấy mẫu máu để làm xét nghiệm, nhân viên y tế phải làm đúng kỹ thuật. Tiếp theo, phải tuân thủ các quy tắc bảo quản mẫu. Máy xét nghiệm phải được kiểm định, chạy mẫu thử thường xuyên… chứ không thể nào chỉ cần dùng một thiết bị rà trên da, dựa vào sắc ký đơn giản mà có các thông số chính xác. Quan trọng nhất là bệnh nhân phải đến bệnh viện làm xét nghiệm, khám lâm sàng…” - bác sĩ Nguyễn Viết Hậu nhấn mạnh.

Để kiểm tra sức khỏe một người, ngoài chuyên môn về y khoa, các bác sĩ còn phải sử dụng nhiều thiết bị như điện tim, X-quang, siêu âm… mới có thể có kết quả chính xác. Giả sử các bút đo vi chất có thể xác định được nồng độ của natri, canxi, đường… như người bán quảng cáo thì đó cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong các công đoạn cần thiết để có thể khám sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu nhấn mạnh: “Mục đích của chúng ta là bảo vệ sức khỏe của mình và người thân. Nếu quá tin vào các thiết bị này mà không đến bệnh viện có thể sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Như vậy, chúng ta đang đi ngược lại với mục đích ban đầu là tầm soát sức khỏe”.

Bác sĩ Nguyễn Viết Hậu cho biết hiện mỗi ngày tại Bệnh viện Đại học y dược TPHCM tiếp nhận từ 700-1.000 người khỏe mạnh, không có triệu chứng bệnh đến khám tổng quát. Sau khi thăm khám, có khoảng 20% người có các vấn đề về sức khỏe, cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt, một số trường hợp phải điều trị bằng can thiệp thủ thuật, thuốc, nội soi… 

Hiện nay có 11 trang thiết bị y tế thuộc loại B, C, D được mua bán như hàng hóa thông thường, bao gồm: thiết bị y tế chẩn đoán in vitro xét nghiệm HIV; máy đo huyết áp; nhiệt kế điện tử, nhiệt kế hồng ngoại; các trang thiết bị y tế được sử dụng để đo đường huyết cá nhân: máy đo đường huyết, bút lấy máu, que thử, kim lấy máu, dung dịch chuẩn, dung dịch chứng; máy xông khí dung; băng y tế cá nhân; nước mắt nhân tạo; bao cao su; màng phim tránh thai; gel/dung dịch bôi trơn âm đạo; chườm nóng lạnh sử dụng điện. Các cơ sở mua bán trang thiết bị y tế này không phải thực hiện việc công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế. 

Nếu sản phẩm “bút đo vi chất” không phải là thiết bị y tế, cũng không thuộc danh mục sản phẩm ở trên thì nó cũng giống như một chiếc cân điện tử thông thường. Tuy nhiên, cân điện tử là một thiết bị đo lường khối lượng chịu sự quản lý, giám sát của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Đòi hỏi sản phẩm phải được kiểm định trước khi lưu hành trên thị trường, có giấy chứng nhận hiệu chuẩn để đảm bảo tính công bằng, chính xác. Nếu sản phẩm không rõ về nguồn gốc, công năng thì khách hàng không nên sử dụng để tránh hậu quả đáng tiếc. Cũng nên kiểm tra xem “bút đo vi chất” trên thuộc cơ quan nào quản lý, vì sao không phải là thiết bị y tế nhưng lại quảng cáo đo được vi chất trong cơ thể.

Phó giáo sư, tiến sĩ, dược sĩ Nguyễn Hữu Đức 
- Trường đại học Y Dược TPHCM

Cho đến thời điểm hiện tại, “bút đo vi chất” như phản ánh không phải là một thiết bị y tế, không nằm trong danh mục trang thiết bị y tế được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, đồng thời cũng không được Bộ Y tế cho phép thực hiện để khám bệnh, chữa bệnh, đo vi chất cho con người. Do đó, nếu một ai dùng sản phẩm này đo vi chất cho khách hàng, nói họ thiếu vitamin, dinh dưỡng sau đó bán hàng, bán thực phẩm chức năng cho khách cũng là sai quy định vì sản phẩm đo không chính xác.

Đây chỉ có thể là một sản phẩm mà cá nhân nào có nhu cầu thì mua về sử dụng trong phạm vi gia đình. Song, sản phẩm chưa được cơ quan nào chứng nhận có thể chẩn đoán được vi chất một cách chính xác, hiệu quả, tin cậy thì người tiêu dùng nên cân nhắc. 

Riêng sản phẩm cân điện tử phục vụ mục đích thương mại, sản xuất, y tế (cả sản phẩm đo chỉ số cơ thể) trước khi nhập khẩu phải được kiểm định để đảm bảo độ chính xác của sản phẩm, tránh sai sót trong quá trình đo lường. Một sản phẩm chất lượng khi lưu hành ra thị trường thì phải có tem kiểm định và điều kiện cấp tem là sản phẩm phải đủ giấy tờ, nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp. Trường hợp sản phẩm nhập khẩu nhưng không có tem, không có nhãn phụ theo quy định thì đó là sản phẩm không đảm bảo chất lượng. 

 Kỹ sư Hứa Phú Doãn

- Phó chủ tịch thường trực Hội Thiết bị y tế TPHCM

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI