Trải nghiệm không gian ngầm đầu tiên ở TPHCM

24/06/2022 - 06:24

PNO - Bên dưới quảng trường Quách Thị Trang, Q.1 đang dần hình thành một khu phố ngầm trải dài qua Nhà hát TPHCM đến cảng Ba Son. Từ đây, không gian ngầm của TPHCM sẽ dần được mở rộng theo các tuyến tàu điện (metro) và các công trình khác trong tương lai.

Đô thị sôi động dưới lòng quận 1

Ngành giao thông vận tải đang khẩn trương xây dựng tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên để hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2023. Toàn tuyến có hơn 2,5km đi ngầm qua Q.1 với ba nhà ga ngầm, gồm ga Bến Thành, ga Nhà hát TPHCM và ga Ba Son. 

Ga Nhà hát đã hoàn thành gần như toàn bộ cả phần thô và kiến trúc, là công trình ngầm quy mô nằm dưới khu vực Nhà hát thành phố - ẢNH: P.T.
Ga Nhà hát đã hoàn thành gần như toàn bộ cả phần thô và kiến trúc, là công trình ngầm quy mô nằm dưới khu vực Nhà hát thành phố - Ảnh: P.T.

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM, việc xây dựng các đoạn ngầm và nhà ga ngầm đã cơ bản hoàn thành, phần thiết kế và cơ điện đang trong quá trình hoàn thiện. Trong đó, nhà ga trung tâm Bến Thành - nơi giao nhau của bốn tuyến metro 1, 2, 3A và 4 - đã được xây xong phần thô, có quy mô như một tòa nhà bốn tầng, dài 236m, rộng 60m, nằm ở độ sâu 32m. Từ cửa đi xuống là một không gian ngầm rộng lớn với tường bê tông, trần và trụ chính được ốp trang trí. Hành khách rất dễ bị lạc lối dưới những tầng hầm thênh thang ở nhà ga. 

Ngay giữa tầng hầm B1 là một khối giàn giáo khổng lồ đâm thẳng lên mặt đất để thi công cửa lấy ánh sáng (top light), dự kiến hoàn thiện vào tháng Chín tới. Top light có đường kính hơn 20m, được thiết kế như một vòm hình hoa sen, được lắp kính trong suốt. Khi đó, đứng bên trên, người ta có thể nhìn qua vòm top light trong suốt để quan sát sự sôi động, nhộn nhịp của trung tâm thương mại ngầm bên dưới nhà ga.

Trong tương lai, nhà ga Bến Thành sẽ tích hợp trung tâm thương mại ngầm lớn nhất TPHCM với quy mô khoảng 45.000m2, gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2. Trung tâm thương mại này sẽ nằm ở tầng B1 của nhà ga, chạy dài theo đường hầm metro đi ngầm dưới đường Lê Lợi đến ga Nhà hát TPHCM.

Hai ga ngầm còn lại cũng được xây xong phần kết cấu, chỉ cần hoàn thiện một số công đoạn như trang trí và lắp hệ thống điện. Trong đó, ga Nhà hát TPHCM dài 190m, rộng 26m, sâu khoảng 33m, gồm bốn tầng hầm; ga Ba Son nằm ở mặt tiền đường Tôn Đức Thắng, dài 240m, rộng hơn 34m, sâu 20m với hai tầng ngầm.

Cả hai ga đều đã thành hình với thiết kế đẹp mắt và tiện lợi, có thang máy, thang cuốn và thang bộ kết nối giữa các tầng, có lối đi cho hành khách và các khu vực dịch vụ rộng rãi, khang trang... Xung quanh mỗi nhà ga, có năm cửa lên xuống kết nối không gian đô thị hiện hữu bên trên với không gian ngầm ở dưới. 

Như vậy, trong tương lai, bên dưới quảng trường Quách Thị Trang và tuyến đường Lê Lợi là không gian giao thông và thương mại ngầm hết sức sôi động. Nơi đây không chỉ có khu thương mại ngầm quy mô lớn tại tầng hầm B1 mà còn có nhà ga của bốn tuyến metro kết nối khu trung tâm với TP.Thủ Đức (tuyến metro 1), Q.12 (tuyến metro 2), H.Bình Chánh (tuyến metro 3A), H.Nhà Bè (tuyến metro 4). Mạng lưới metro này mỗi ngày có thể đưa hàng trăm ngàn lượt khách đến khu trung tâm để làm việc, mua sắm.

Kết nối không gian ngầm, mặt đất và sông nước

Tiến sĩ - kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn nhận xét, ba nhà ga cùng đường tàu metro đoạn qua Q.1 là không gian ngầm hết sức độc đáo, xuyên qua lòng trung tâm thành phố giữa nhiều công trình cao tầng vây kín xung quanh. Việc tạo không gian ngầm ở khu vực này mở ra không gian mới cho đô thị cũ vốn chật hẹp, đồng thời gìn giữ, bảo tồn được nhiều công trình lịch sử, văn hóa nằm trong khu vực như Nhà hát TPHCM, chợ Bến Thành, trụ sở hỏa xa cũ (136 Hàm Nghi)…

Phối cảnh quảng trường Quách Thị Trang và nhà ga ngầm Bến Thành 4 tầng hầm trong tương lai
Phối cảnh quảng trường Quách Thị Trang và nhà ga ngầm Bến Thành 4 tầng hầm trong tương lai

Theo ông, ngành chức năng TPHCM nên tận dụng hệ thống ngầm đang hình thành của tuyến metro số 1 để phát triển không gian đô thị ngầm theo hướng lan tỏa. TPHCM đã có khoảng 11ha công trình ngầm thuộc các cao ốc, trung tâm thương mại và bãi đỗ xe nhưng chúng còn rời rạc, chưa có sự liên kết. Do đó, cần tính đến phương án kết nối tầng ngầm của các công trình tư nhân vào không gian ngầm công cộng của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, mua sắm của người dân dưới lòng đất một cách đa dạng, hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng để nâng tầm không gian ngầm của khu trung tâm, cần ưu tiên đẩy nhanh việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng theo quy hoạch. Hiện nay, công viên bến Bạch Đằng đã được chỉnh trang và trở thành không gian văn hóa công cộng. Tuy nhiên, lượng xe qua trục đường Tôn Đức Thắng quá cao đã gây khó khăn cho người đi bộ muốn tiếp cận công viên.

Do đó, việc ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng và biến không gian bên trên thành công viên sẽ giúp tăng không gian công cộng cho thành phố, đồng thời kết nối được phố đi bộ Nguyễn Huệ với bến Bạch Đằng và bờ sông Sài Gòn, tạo nên một tổng thể hài hòa giữa không gian ngầm với không gian mặt đất và sông nước.

Sự kết nối này càng được mở rộng khi cầu đi bộ Thủ Thiêm hoàn thành trong tương lai. Khi đó, người dân từ bờ sông Sài Gòn bên Q.1 có thể đi bộ qua khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong tương lai, TPHCM có thể hình thành hệ thống không gian công cộng liên tục hai bên bờ sông, khai thác tốt thế mạnh sông nước và hiện thực hóa ý tưởng xây trục đường ven sông chạy từ trung tâm đến H.Củ Chi. 

Ba không gian ngầm trong tương lai

Ông Huỳnh Xuân Thụ - Phó Chánh văn phòng Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM - cho biết sở đang tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch không gian ngầm cho toàn bộ khu trung tâm hiện hữu (930ha) cùng khu đô thị mới Thủ Thiêm. UBND TPHCM cũng đã ban hành quy chế quản lý kiến trúc với định hướng phát triển không gian ngầm bắt đầu từ khu trung tâm, dựa trên các nhà ga các tuyến metro. 

Ngoài không gian ngầm của tuyến metro 1 đang thành hình, trong tương lai, TPHCM sẽ có thêm 72 ga ngầm thuộc tám tuyến metro và ba tuyến tàu một ray (monorail). Bên cạnh đó, đường Tôn Đức Thắng sẽ trở thành đường ngầm chạy dưới lòng đất cùng với bãi đậu xe ngầm quy mô hơn 300 ô tô; đường Nguyễn Huệ - đoạn từ công viên Bạch Đằng đến trụ sở UBND TPHCM, dài 670m - cũng hình thành ít nhất hai tầng hầm để làm trung tâm thương mại và bãi giữ xe.

Nhiều thách thức về vốn, kỹ thuật

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, thách thức hàng đầu của các công trình ngầm là chi phí xây dựng và vận hành cao, ước tính gấp 10-20 lần công trình trên mặt đất. Do đó, việc thu hút vốn xã hội hóa bằng hình thức hợp tác công tư (PPP) là rất cần thiết. 

Ông cho rằng, Nhà nước nên đầu tư khu vực công cộng trong không gian ngầm “làm mồi” để thu hút tư nhân đầu tư những khu vực kỹ thuật, dịch vụ thương mại. Đối với việc kết nối các tầng hầm tư nhân vào hệ thống ngầm công cộng, cần xây dựng chính sách chia sẻ trách nhiệm và chi phí giữa Nhà nước và doanh nghiệp trên cơ sở lợi ích của cả hai bên.

Trong đó, Nhà nước có lợi là tăng hiệu quả không gian ngầm để giảm kẹt xe, còn doanh nghiệp có lợi ích là tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận với công trình, dịch vụ của mình nhiều hơn. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần sớm xây dựng bản đồ dữ liệu về các công trình tiện ích ngầm (như điện, nước, viễn thông) để phục vụ việc quy hoạch và xây dựng không gian ngầm hiệu quả.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, ông Tatsuya Masuzawa - Giám đốc liên danh nhà thầu NJPT đang xây dựng tuyến metro số 1 - cho biết việc thi công các công trình ngầm trong khu vực trung tâm TPHCM thời gian qua cực kỳ khó khăn. Chẳng hạn, với đoạn hầm metro từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TPHCM, nhà thầu phải đào hở, sử dụng tường vây để tránh sạt lở trong quá trình đào. Do công trường nằm ngay trong khu dân cư có đông xe cộ lưu thông nên việc dịch chuyển tường vây chỉ được giới hạn trong vòng 1cm. 

Theo ông Masuzawa, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn cho người dân là mục tiêu quan trọng nhất và khó khăn nhất của quá trình thi công ngầm trong khu dân cư. Nền địa chất của TPHCM cũng gây khó khăn cho việc thi công ngầm, như một số khu vực có nền đất yếu, mềm, dễ xảy ra sạt lở. 

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI