Trái lạ và nỗi ám ảnh của những bà mẹ da màu

08/09/2020 - 19:28

PNO - Đối với những bà mẹ da màu của Mỹ, nỗi sợ mất mát và tổn thương là điều thường trực trong tâm trí họ. Cảm nhận được nỗi niềm này, nhiếp ảnh gia Jon Henry vừa cho ra mắt bộ ảnh Stranger Fruit (tạm dịch: Trái lạ) để phản đối việc cảnh sát giết người da màu “không vì lý do gì cả”.

1.Dự án ảnh này được nhiếp ảnh gia người Mỹ thực hiện từ năm 2014, tập trung mô tả những khoảnh khắc đau khổ của những người mẹ da màu khi đứa con trai của mình bị giết chết. Các khung hình được sắp đặt với một người mẹ đang ôm thi thể đứa con trai. 

Các bà mẹ da màu trong tác phẩm của Jon Henry cho dù ngồi, đứng hay quỳ bên đứa con trai vô hồn của họ thì vẫn có một điểm chung là nhìn thẳng vào ống kính, gửi ánh mắt u uẩn đến người xem, lan tỏa thông điệp đến toàn nước Mỹ để mọi người quan tâm và chú ý đến những gì mà bấy lâu nay họ vốn phải trải qua.

“Những gì chúng tôi đang trải qua bây giờ chỉ là chuỗi hồi tưởng về những tổn thương của cộng đồng người Mỹ gốc Phi” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Jon Henry chia sẻ.

2. Bộ ảnh Trái lạ của Henry được thực hiện dựa trên những vụ giết người mà cảnh sát đã gây ra đối với người da màu suốt một thời gian dài. Nó được đặt theo tựa đề bài hát Trái lạ của nghệ sĩ da màu Billie Holiday. Đây là bài hát từng giành được giải Grammy Đại sảnh danh vọng. 

Trái lạ ám chỉ những xác người da màu bị treo lơ lửng trên cành cây, như những trái cấm trong vườn địa ngục. Đó là những con người bị hành hình bởi đám đông tại miền Nam nước Mỹ trong thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. 

Kể từ khi được Billie Holiday hát vào năm 1939, bài hát đã ám ảnh biết bao thế hệ người dân nước Mỹ. Nó như một cơn sóng ngầm chiếm lĩnh tâm hồn thính giả, như một vết cháy nhức nhối mãi không nguôi, ngay cả đối với những con người ở xa nước Mỹ vạn dặm hay thuộc thế hệ không hay biết gì về thảm cảnh người da đen trong quá khứ.

 “Thật khó để tiếp tục sống khi những điều tương tự cứ lặp đi lặp lại, khi những vụ giết người như thế này cứ tiếp tục xảy ra…” - Henry nói, bày tỏ sự đau xót trước nỗi đau không thể nào nguôi của những bà mẹ da màu, khi ngày ngày vẫn nhìn thấy những người con da màu khác bị giết, như chính đứa con trai của họ ngày xưa.

Tất nhiên hình ảnh của những người mẹ và những đứa con trai của họ trong tác phẩm của Jon Henry vẫn chưa thể nào lột tả được hết nỗi đau thật sự của những người mẹ mất con. Dù vậy, nó cũng phần nào mô tả được nỗi sợ hãi thường trực của hầu như tất cả các bà mẹ da màu ở “xứ sở thiên đường”. Họ luôn biết rằng dẫu con họ vẫn còn đây nhưng cũng có thể đứa con mà họ yêu quý ấy hoàn toàn có thể là… người kế tiếp. Cảnh sát có thể giết chết con họ chỉ vì những điều vặt vãnh nhất, hoặc như Henry nói, đôi khi nó hoàn toàn chẳng vì một lý do nào cả. Và nỗi đau trong mỗi bức ảnh hoàn toàn có thể trở thành sự thật.

Các bà mẹ trong tác phẩm của Jon Henry thuộc nhiều độ tuổi khác nhau, được tạo dáng mô phỏng tượng “Đức mẹ sầu bi” khi đức Maria đau buồn ôm xác Chúa Jesus sau khi người bị đóng đinh trên thập giá. Mỗi bức ảnh của Henry đều lấy bối cảnh ở các thành phố lớn của Mỹ, đặt họ vào những bối cảnh đầy tang thương, để kêu gọi cảnh sát chấm dứt những hành động bạo lực để đừng lấy đi mạng sống của người da màu và làm tổn thương những người mẹ đáng thương.

3.Jon Henry là một nghệ sĩ da màu, sống ở quận Brooklyn, thành phố New York, Mỹ. Ông từng có 15 năm làm công việc trông nom nhà thờ ở quận Queens, thế nên dự án của ông mang đậm biểu tượng của nghệ thuật Kitô giáo. Ông cho biết, đó còn là chuỗi ký ức về sự lo lắng không ngừng của mẹ ông. Mỗi khi ông chuẩn bị ra ngoài, bà luôn nhắn nhủ đứa con duy nhất rằng hãy cẩn thận, cố gắng giữ an toàn và trở về nhà.

Henry bắt đầu chụp ảnh cho dự án này vào năm 2014 nhưng ý tưởng về nó đã manh nha từ năm 2006, khi cảnh sát New York bắn chết người đàn ông da màu 23 tuổi Sean Bell ngay trong ngày cưới anh. Sean Bell đã chết trong cơn mưa đạn 50 phát của cảnh sát khi anh cùng hai người bạn vừa rời một bữa tiệc chia tay thời độc thân chỉ vài giờ trước khi lễ cưới của anh diễn ra. Những cảnh sát này sau đó đều được xử trắng án. Phán quyết của tòa đã gây ra sự phẫn nộ không chỉ trong gia đình Bell mà còn cả những người ủng hộ. Bên trong tòa án, mẹ Bell khóc nức nở. Bên ngoài tòa án, nhiều người phản đối, hét lên "không" khi biết thông tin về phán quyết. Nhiều người đã rơi nước mắt… 

Cho đến ngày 25/5 năm nay, khi cảnh sát đè chết người đàn ông da màu George Floyd, người đã gọi tên người mẹ quá cố của mình khi trút hơi thở cuối cùng, những gì mà Henry muốn truyền tải đến xã hội dường như vẫn không hề khác đi: rằng mạng của người da màu thì rẻ rúng và nó chỉ có giá trị đối với người mẹ của họ mà thôi.

Henry đã gửi cho các bà mẹ tham gia dự án Trái lạ một bảng câu hỏi về suy nghĩ của họ trước và sau khi chụp ảnh cùng cách họ tiếp cận chủ đề này. Ông đều nhận được cùng một phản hồi tương tự nhau. “Tôi nhìn lại con trai mình và thật ngạc nhiên rằng chúng đã trở thành một người đàn ông từ lúc nào. Tôi thấy tôi yêu chúng dường nào. Tuy nhiên, tôi luôn cảm thấy lo lắng và sợ hãi về tương lai của các con mình” - một người mẹ nói với Henry.

“Khi tôi dần dần bị kéo vào khung ảnh, nó bắt đầu đưa tôi đến những suy nghĩ hằng ngày về con trai mình. Tôi nghĩ về tình yêu, sự thay đổi, quyết tâm, sự trưởng thành và sự khích lệ. Tôi cũng rất lo ngại về sự an toàn của con mình nữa... Cần phải hành động ngay lập tức để ngăn chặn việc giết hại những người con da màu và để lại sự đau khổ tột cùng cho các bà mẹ” - một nhân vật khác của Henry
bộc bạch.

Chính những bà mẹ da màu là người hiểu rõ nhất về nước Mỹ qua cơ thể của những đứa con trai họ từng mang nặng đẻ đau và đang bế trên tay hay đang gục ngã trước mắt họ. Đừng quên rằng họ cũng là những người mẹ như bao người mẹ khác trên thế gian này. Họ cũng có nhu cầu được sống một cuộc đời bình an, hạnh phúc. Ánh mắt của họ đang hướng về đất nước mà họ sống, với mong muốn thiết tha rằng mọi thứ sẽ thay đổi, để không còn nạn phân biệt chủng tộc, để những người mẹ da màu không còn phải sống trong nơm nớp lo sợ. 

Tú Quyên

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI