TPHCM tập trung xây dựng nền giáo dục thực chất, vì học sinh

27/08/2022 - 07:49

PNO - Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022 diễn ra ngày 25/8, nhiều ý kiến đánh giá cao thành tích đạt được của ngành giáo dục TPHCM trong bối cảnh ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.

Ngừng đến trường, không ngừng học tập

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM - nhìn nhận năm học vừa qua là thách thức “chưa có tiền lệ” đối với ngành giáo dục. Dịch bệnh bùng phát dữ dội đã gây xáo trộn lớn đến việc hoàn thành năm học 2020-2021 và triển khai năm học 2021-2022. Tuy vậy, ngành giáo dục đã nhanh chóng thích ứng, triển khai linh hoạt các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành các mục tiêu của năm học.

 

Ngành giáo dục TP.HCM đã vượt qua một năm học chịu tác động chưa từng có của dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành các mục tiêu của năm học (trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ, Q.11 trong ngày tựu trường) - ẢNH: P.T.
Ngành giáo dục TPHCM đã vượt qua một năm học chịu tác động chưa từng có của dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, vừa hoàn thành các mục tiêu của năm học (trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Phú Thọ, quận 11 trong ngày tựu trường) - Ảnh: P.T.

“Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch của thành phố, toàn bộ học sinh (HS) bị gián đoạn việc học tập trực tiếp. Tuy nhiên, với phương châm “ngừng đến trường nhưng không ngừng học tập”, thành phố đã triển khai quyết liệt việc dạy học trực tuyến, với 100% trường học, giáo viên tham gia giảng dạy trực tuyến ở tất cả các môn, tỷ lệ HS học trực tuyến cũng đạt trên 97%. Thành phố cũng xây dựng kho học liệu phong phú trên mạng và truyền hình. Với định hướng “an toàn đến đâu, mở cửa đến đó”, việc học tập trực tiếp dần được thực hiện ở từng khu vực, từng cấp học” - ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin.

Năm học vừa qua cũng đánh dấu nhiều thành tích nổi bật của HS thành phố trong các kỳ thi quốc tế, đặc biệt là huy chương Vàng Olympic hóa học và huy chương Bạc Olympic toán học quốc tế. Ngành giáo dục đảm bảo các mục tiêu trong năm học 2021-2022 không bị gián đoạn, trong đó, 100% con em sinh sống trên địa bàn thành phố có đủ chỗ học.

Tính đến nay, với chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân trong độ tuổi đi học trên địa bàn, thành phố đã đạt được 294 phòng học. Trong năm 2021, toàn thành phố đưa vào sử dụng 51 dự án với 801 phòng học mới với tổng đầu tư 2.277 tỷ đồng. Dự kiến tháng 9 tới đây, tiếp tục đưa vào sử dụng 35 dự án với 575 phòng học. Bước đầu đã xây dựng được những mô hình giáo dục hiệu quả, phù hợp xu thế phát triển và bối cảnh dịch bệnh, như “trường học thông minh - trường học không tiền mặt”, “Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh”, phần mềm “tuyển sinh lớp 10”, ứng dụng công nghệ trong tuyển sinh đầu cấp...

Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc, TPHCM chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 nhưng lại là một trong những địa phương mở cửa trường học sớm nhất. Đồng thời, thành phố giữ vững chất lượng đào tạo, chuẩn bị tốt điều kiện triển khai chương trình mới. Là địa phương tích cực đổi mới dạy học ngoại ngữ, TPHCM giữ vững thành tích 5 năm liền đứng đầu cả nước về môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm số cao so với bình quân chung của cả nước.

Nhiều thách thức phía trước

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc lưu ý, là địa phương đi đầu cả nước, tuy nhiên ngành giáo dục TPHCM đối mặt với không ít thách thức thời gian tới. Đối với giáo dục mầm non, mục tiêu đến năm 2030 sẽ phổ cập giáo dục mầm non với độ tuổi 3 và 4. TPHCM có khó khăn là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp khó đảm bảo trường lớp cho cấp học này, đặc biệt là sau dịch bệnh, khối mầm non tư thục gặp nhiều khó khăn. 

“Dân số đông, quỹ đất ít nên tỷ lệ trường chuẩn quốc gia tại TPHCM cũng nằm trong nhóm thấp nhất cả nước. Sĩ số lớp học rất đông, trung bình 40-50 em/lớp, có những nơi trên 50 em. HS đông khiến giáo viên khó lòng quan tâm đến từng em, và như vậy khó đạt được mục tiêu của chương trình mới là phát huy năng lực của mỗi cá nhân người học. Do đó, thành phố cần quan tâm, giải quyết thách thức này để tiếp tục vị trí dẫn đầu cả nước” - ông Nguyễn Văn Phúc nói.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá cao những thành tích của ngành giáo dục. Tuy vậy ông cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận giáo dục vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu và lòng mong mỏi của người dân thành phố. Khó khăn lớn nhất của giáo dục, cũng là khó khăn chung của thành phố, chính là áp lực tăng dân số cơ học quá cao. Trong khi đó, quy hoạch hạ tầng nói chung và quy hoạch phát triển trường lớp nói riêng chưa theo kịp nhu cầu học tập ngày càng cao của người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Nên, nhìn vào bức tranh chung của giáo dục thành phố, còn rất nhiều việc phải làm. Trước tiên, cần quan tâm hơn nữa giáo dục mầm non - là bậc học đầu tiên, cũng là nền tảng trong xây dựng, giáo dục con người. Năm học vừa qua, giáo dục mầm non là bậc học gặp nhiều khó khăn nhất, do thực hiện giãn cách, HS không thể đến trường mà cũng không thể học trực tuyến như các lớp trên. Nhiều nhà trẻ và mẫu giáo đóng cửa, nhiều cô giáo không có việc làm, phải bươn chải để mưu sinh, nhiều người không thể bám được nghề. Trong khi đó, trợ cấp cho ngành giáo dục mầm non chưa thực sự tương xứng. 

Đối với giáo dục phổ thông, Bí thư Thành ủy yêu cầu cần xác tín thông tin số HS tăng khiến trường lớp quá tải, ở đâu, cụ thể thế nào và có phương án giải quyết. Quan trọng nhất, nền giáo dục cần hướng đến thực chất, dạy thật, học thật, thành tích thật, chú trọng dạy làm người, vì con người, đem lại niềm vui học tập cho HS. 

Chăm lo cho giáo viên không phải bằng lời nói

Một trong những yêu cầu cấp bách hiện nay là chăm lo đời sống cho đội ngũ giáo viên. Điều này nói rất dễ, nghe rất nhiều rồi. Ai cũng biết chất lượng giáo dục phụ thuộc vào đội ngũ quản lý, giáo viên - những “kỹ sư tâm hồn”. Chúng ta rất trân trọng những nhà giáo đã vượt lên khó khăn, thử thách để bám ngành, bám nghề, đóng góp cho thành tích chung của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, chưa đủ, nỗ lực cũng không thể kéo dài, vượt qua khó khăn cũng chỉ trong khoảnh khắc, sức người có hạn. Nếu cứ để tình trạng giáo viên phải bươn chải cuộc sống thì họ không thể yên tâm công tác. Bởi vậy, nâng cao thu nhập nhà giáo trở thành vấn đề đáng quan tâm hơn bao giờ hết. Trong khi chờ chính sách chung, TPHCM cần nghiên cứu các cơ chế hỗ trợ để thầy cô giáo yên tâm với cuộc sống của mình. Chính sách quan tâm phải thực hiện bằng hành động thực tế chứ không chỉ bằng lời. 

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên

Phương Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI