TPHCM sẽ giải mã bộ gen bệnh nhân COVID-19

24/10/2020 - 16:09

PNO - Các nhà khoa học tại Viện Di truyền y học sẽ hợp tác với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM thực hiện nghiên cứu bước đầu về bộ gen người nhiễm COVID-19 tại Việt Nam.

 

GS. Trương Đình Kiệt - Viện trưởng Viện di truyền y học tại buổi tọa đàm về mẫn cảm di truyền người sáng 24/10/2020
GS. Trương Đình Kiệt - Viện trưởng Viện di truyền y học tại buổi tọa đàm về mẫn cảm di truyền người sáng 24/10/2020

Ngày 24/10, GS. Trương Đình Kiệt – Viện trưởng Viện Di truyền y học (TPHCM) cho biết các nhà khoa học của viện sẽ phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM tiến hành một nghiên cứu ban đầu về bộ gen của người nhiễm COVID-19.

Theo giáo sư Kiệt, đây là một xu hướng hiện nay, khi các nhà nghiên cứu khắp thế giới và Việt Nam đang đặt câu hỏi liệu mức độ nghiêm trọng của bệnh COVID-19 có liên quan tới bộ gen của người bệnh không?

Theo nhiều nhóm tác giả, bộ gen người có thể góp phần vào khả năng lây lan cực kỳ cao của virus SARS-CoV-2 cũng như một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân tiến triển rất nặng.

Xu hướng nghiên cứu này chỉ xuất hiện chỉ vài tháng nhưng thu hút đến 300 nhóm nghiên cứu với hơn 400 bài báo được công bố. Giáo sư Kiệt hy vọng các nhà khoa học tại TPHCM sẽ không bị chậm chân với các đồng nghiệp, nếu có chỉ chậm khoảng “một bước đến nửa bước chân” mà thôi.

TS. Nguyễn Hoài Nghĩa, chuyên ngành di truyền phân tử, Viện Di truyền y học - chủ nhiệm đề tài này, cho biết mục tiêu của nghiên cứu là đi tìm câu trả lời cho rất nhiều những thắc mắc bấy lâu về các trường hợp người nhiễm SARS-CoV-2. Chẳng hạn, vì sao cùng nhiễm virus SARS-CoV-2 mà người này bị nhẹ, người khác lại bị rất nặng.

Vì sao cùng tiếp xúc với nguồn bệnh nhưng có người bị nhiễm nhưng người khác lại chẳng hề hấn gì... Những kết quả của nghiên cứu ban đầu này sẽ đưa ra nhận định sơ bộ về những gen nhạy cảm với virus SARS-CoV-2 ở người Việt Nam bị bệnh COVID-19.

TS. Nguyễn Hoài Nghĩa (chuyên ngành di truyền phân tử),  chủ nhiệm đề tài nghiên cứu gen người Việt bị bệnh COVID-19
TS. Nguyễn Hoài Nghĩa (chuyên ngành di truyền phân tử), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu gen người Việt bị bệnh COVID-19

Bác sĩ Phan Thanh Tâm – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nhận định trong 82 bệnh nhân COVID-19 tại TPHCM, có 3 chuỗi lây nhiễm và đều có những điều không thể lý giải được.

Chẳng hạn, trong chuỗi lây nhiễm 3 người tại TPHCM liên quan đến một doanh nhân ở tỉnh Bình Thuận, bệnh nhân 45 và 48 đều không có triệu chứng nhưng vẫn là nguồn lây cho bệnh nhân 65.  Hoặc trường hợp một du học sinh ở huyện Bình Chánh dù tiếp xúc rất nhiều người ở bệnh viện và tại đám ma nhưng hoàn toàn không lây virus SARS-CoV-2 cho bất cứ ai.

Nghiên cứu ban đầu với 20 bệnh nhân COVID-19 sẽ kéo dài trong 3 tháng, từ tháng 10/2020 và kết thúc vào khoảng tháng 12/2020 với nguồn kinh phí 300 triệu đồng của Viện di truyền y học.

Những mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 sau khi thu thập, sẽ được tách chiết DNA để tiến hành giải trình tự trọn bộ gen. Sau đó, so sánh di truyền giữa nhóm bệnh nặng và nhẹ.

Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nghĩa cho biết sau khi có kết quả nghiên cứu ban đầu, nghiên cứu sẽ mở rộng với nhiều bệnh nhân COVID-19.

Việc tìm ra những gen của người Việt mẫn cảm với virus SARS-CoV-2 sẽ là những gợi ý quan trọng trong việc tìm kiếm các loại vắc xin hay thuốc điều trị bệnh COVID-19, tiên lượng tình trạng nặng hay nhẹ khi người Việt bị COVID-19: “Việc nghiên cứu về bộ gen ký chủ đang ngày càng được mở rộng, nguồn dữ liệu càng càng dồi dào với hy vọng xác định được những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 nặng và phát triển chiến lược điều trị giúp cải thiện gánh nặng bệnh tật và tỷ lệ sống sót”.

BS. Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy
BS. Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy

Bác sĩ Lê Quốc Hùng – Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết ông rất ủng hộ nghiên cứu ban đầu của các nhà khoa học tại Viện Y sinh di truyền.

Trong quá trình điều trị cho 2 cha con người Trung Quốc mắc COVID-19, các bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng rất thắc mắc không hiểu vì sao người vợ của bệnh nhân dù tiếp xúc gần với lâu nhưng không hề nhiễm bệnh, trong khi người con trai chỉ gặp cha có vài lần thì đã bị lây nhiễm.

Ngay cả trên thế giới, nhiều nhà khoa học cũng có những thắc mắc tương tự như vậy. Việc thấu hiểu căn nguyên của vấn đề sẽ giúp ích hơn trong điều trị.

Hiếu Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI