TPHCM: Nhiều công trình hiện đại giảm tải bệnh viện

28/04/2023 - 06:15

PNO - Giữa tháng Tư vừa qua, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM cơ sở 2 (TP Thủ Đức) với mức đầu tư gần 6.000 tỉ đồng đã chính thức được khánh thành. Đây là một trong nhiều công trình y tế trọng điểm của TPHCM nhằm chào mừng ngày 30/4. Cùng với nhiều công trình quy mô khác, TPHCM đang từng bước giảm quá tải bệnh viện, đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

 

Dự kiến trong tháng Năm, toàn bộ các khoa ở khối trung tâm tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ hoạt động đồng bộ - ẢNH: PHẠM AN
Dự kiến trong tháng Năm, toàn bộ các khoa ở khối trung tâm tim mạch Bệnh viện Nhi Đồng 1 sẽ hoạt động đồng bộ - Ảnh: Phạm An

Không còn cảnh chen chúc khám bệnh

Đầu năm 2023, Bệnh viện (BV) Ung Bướu TPHCM cơ sở 2 quy mô 1.000 giường theo tiêu chuẩn quốc tế đã đi vào vận hành toàn phần với kỳ vọng giảm tải, đồng thời trở thành trung tâm chuyên sâu về ung thư của khu vực ASEAN. 

Ngồi tại quầy tiếp nhận của BV, bà T.T.T. (60 tuổi, ở Thanh Hóa) kể bà bị ung thư buồng trứng, đã phẫu thuật. Khi bác sĩ nghi ngờ tái phát ung thư, bà mới đến BV Ung Bướu TPHCM để khám lại. Bà cho biết: “Trước đây, mỗi lần vào BV Ung Bướu TPHCM tái khám, tôi phải vào trước 1 ngày để 3 - 4g sáng đến xếp hàng bốc số. Tầm 7g sáng mới đến lượt khám, rồi phải chen chúc để lấy kết quả. Sớm cũng phải đến 18g mới xong, cứ thấp thỏm trễ xe về nhà. Bây giờ, cơ sở 2 rộng rãi, sạch sẽ, khu vực tiếp nhận có đến 10 quầy nên không còn phải chen lấn, rất mừng”.

Trong phòng bệnh, ông P.V.M.M. (57 tuổi, ở Đồng Nai) ngủ ngon lành trong lúc chờ làm các xét nghiệm tiền phẫu thuật ung thư gan. Chị Phan Hồng Thắm - con gái ông M. - chia sẻ, cha của chị đã được mổ 1 lần, do bị di căn nên phải nhập viện điều trị tiếp. Lần trước, chị Thắm nuôi cha bệnh ở cơ sở 1. Ông phải nằm ghép với bệnh nhân khác, phòng bệnh chật và không có nhà vệ sinh nên rất bất tiện. “Ở cơ sở 2 này, phòng bệnh có 3 giường với 3 người bệnh, có máy lạnh, nhà vệ sinh riêng. Cha tôi ngủ ngon hơn, ăn uống cũng tốt” - chị Thắm chia sẻ.

Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - Phó giám đốc BV Ung Bướu TPHCM phụ trách cơ sở 2 - cho biết, tuy mới đi vào hoạt động nhưng bệnh nhân đến khám mỗi lúc một đông, công suất hoạt động đã lên đến 80%, tức là 800 giường nội trú đã kín chỗ. BV đang điều trị cho 7.000 bệnh nhân ngoại trú, số lượt khám trung bình từ 4.000-5.000 bệnh nhân/ngày. Nhưng do diện tích rộng, cách xây dựng, bố trí hợp lý nên không gian thoáng đãng, không còn cảnh người bệnh chen chúc, 
nóng nực.

BV có đến 16 phòng mổ cực kỳ hiện đại, trang bị tích hợp nhiều hệ thống. Tuy nhiên, BV chưa thể chấm dứt ngay tình trạng bệnh nhân phải chờ các kỹ thuật chẩn đoán, can thiệp phẫu thuật, xạ trị… Bởi một số thiết bị vẫn đang được chuyển dần từ cơ sở 1 sang, số khác được đầu tư nhưng cần có thời gian. Một số trường hợp người bệnh phải về cơ sở 1 chụp chiếu, xạ trị (có xe đưa đón) bởi máy móc đặc thù vẫn phải đặt tại đây. Cơ sở 2 chỉ có 1 máy chụp MRI, bác sĩ phải tăng ca chụp ngoài giờ để người bệnh không phải chờ lâu. Dù đã chạy hết công suất cũng chỉ chụp được 25-30 ca/ngày.

“Khó khăn nhất là người bệnh chờ đợi trong một số phẫu thuật can thiệp, xạ trị, MRI, PET CT… Chúng tôi đang cố gắng tổ chức lại để bệnh nhân được phục vụ nhanh nhất” - bác sĩ Quốc Thịnh nói.

Không lo quá tải bệnh nhi

Tại BV Nhi Đồng 1 (TPHCM), cha mẹ và bệnh nhi cũng không còn phải xếp hàng chờ đợi giữa cái nóng oi bức. Các khu đăng ký, chờ khám đã có điều hòa mát mẻ, các bé cũng đỡ quấy khóc hơn. 

Sau khi quét mã QR để thanh toán và lấy số khám bệnh cho con, chị Nguyễn Thị Thúy (ở quận 12) ẵm con trai 3 tuổi vào sảnh chờ đến lượt. Chị kể: “Với đứa con đầu, mỗi lần đưa con đi khám bệnh là một cực hình. Tôi ẵm con, chồng vào mua sổ, đăng ký. Cả nhà có mặt tại BV từ 6g sáng, nhưng người xếp hàng rất đông. Từ khi BV cho đăng ký, thanh toán trực tuyến, đưa bé đi khám nhẹ nhàng hơn. Tôi hài lòng nhất là ở khu vực chờ có điều hòa, rộng rãi”.

Ở các tòa nhà nội trú của BV, bệnh nhi cũng đỡ mệt hơn khi mỗi bé được nằm 1 giường, có quạt, điều hòa. Trong phòng bệnh và khu vực hành lang đều sạch sẽ, thoáng mát. Không còn cảnh trẻ quấy khóc, cha mẹ vật vạ ngủ ngồi... hay treo quần áo, đặt hành lý tạm bợ ở các khu thoát hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hùng - Giám đốc BV Nhi Đồng 1 - thông tin, trước đây, BV thường xuyên đối mặt với tình trạng quá tải, nhưng tình trạng này sắp kết thúc bởi BV đang dần đưa các khối nhà mới vào hoạt động. Điển hình ngày 1/6/2022, Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em đã đi vào hoạt động, giải quyết được khó khăn ở khối cấp cứu, hồi sức, góp phần hiệu quả trong chống dịch như tay chân miệng, sốt xuất huyết (SXH).

Ngay khi vừa đi vào hoạt động, trung tâm đã được sử dụng giải quyết triệt để dịch SXH, không ùn tắc bệnh nhi, cứu sống được nhiều ca nặng. “Năm nay, BV đã tận dụng cơ sở vật chất sau khi khối hồi sức, cấp cứu dời đến khối nhà mới để bố trí thành khu hồi sức nhiễm nhằm sẵn sàng cho chiến lược cùng lúc chống dịch COVID-19 và cả SXH (nếu có)” - bác sĩ Thanh Hùng cho hay.

Theo bác sĩ Thanh Hùng, để đảm bảo tính đồng bộ và tương thích công nghệ, các thiết bị đều phải đầu tư mới. Đáng mừng là công tác đấu thầu, mua sắm đã hoàn tất, đa số máy móc đã được chuyển đến. Vì vậy, các tòa nhà mới đang trong giai đoạn hoàn thành lắp đặt, vận hành thử để đảm bảo an toàn, chất lượng trước khi nghiệm thu và đưa vào sử dụng. 

Dự kiến trong tháng Năm, toàn bộ các khoa ở khối trung tâm tim mạch sẽ hoạt động đồng bộ. Các khoa, phòng khác khẩn trương tiếp tục di dời đến khối nhà mới. Máy móc, trang thiết bị và cơ sở vật chất hiện hữu sẽ được BV tận dụng, cải tạo, nâng cấp để tiếp tục phục vụ hợp lý, hiệu quả. “Khi phương tiện, thiết bị hiện đại được lắp ráp xong, các bé qua được chỗ nằm khá hơn, tinh thần thoải mái hơn. Trong khi đợi, các khối nhà cũ vẫn đang hoạt động không ảnh hưởng đến việc điều trị bệnh nhân. Năm nay, BV có 1.500 giường, số lượng bệnh nhi đang ở công suất 70 - 80% nên không lo quá tải” - vị giám đốc nói. 

Là một trong những công trình trọng điểm của cụm y tế Tân Kiên, trung tâm y tế chuyên sâu của TPHCM, BV Truyền máu Huyết học TPHCM cơ sở 2 (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) vốn đầu tư khoảng 1.000 tỉ đồng đi vào hoạt động ngày 19/5/2022. Giám đốc BV Phù Chí Dũng cho biết, cơ sở 1 mỗi ngày tiếp nhận khoảng 500 lượt khám chữa bệnh ngoại trú, gần 200 giường bệnh nội trú luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy rất cần một cơ sở khang trang, thoáng mát hiện đại. Cơ sở 2 được xây dựng với diện tích sàn hơn 33.000m2, gồm 5 tầng với 33 khoa, phòng, trên 300 giường nội trú đã đáp ứng kịp thời nhu cầu điều trị của bệnh nhân. Các phòng bệnh ở cơ sở mới thoáng mát, tiện nghi cùng các trang thiết bị đáp ứng tiêu chuẩn của BV hiện đại.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI