Tôi sẽ không chọn người như ba

19/04/2013 - 16:10

PNO - PN - Bữa cơm nào trên bàn cũng đầy thịt cá tôm cua, nhiều đến nỗi bất ngờ có vài ba người khách thì vẫn không sợ thiếu. Điều này có nghĩa là nếu không có khách thì thức ăn thừa cất vào tủ lạnh rồi sau đó thường là đổ đi...

Ba thỉnh thoảng càu nhàu là má hoang phí quá, lời càu nhàu thốt lên rất khẽ, chỉ đủ cho tôi và anh Hai nghe mà thôi. Để rồi hoặc tôi hoặc anh Hai sẽ nói lại với má theo cách như đó-là-ý-kiến-của-anh em tôi-chứ-không-phải-của ba. Vì má rất cưng chiều nên anh em tôi có nói gì má cũng chỉ cười xòa. Tôi nhớ có lần, ba nói chỉ cần má tiết kiệm tiền chợ trong ba năm thì sẽ đủ mua xe hơi. Má hét lên: “Mất công đi chợ, mất công xem ti vi học món này món kia nấu cho cha con ăn ngon miệng không biết ơn mà còn nói vậy hả?”. Má khóc nức nở như bị phụ bạc và đùng đùng mở toang tủ lạnh huơ hai tay như muốn hốt mọi thứ quăng vào thùng rác khiến ba phải hết lời xin lỗi mới yên.

Toi se khong chon nguoi nhu ba

Sợ nhất là mỗi khi bạn bè má gọi điện thoại báo tin họp lớp. Cả năm mới gặp nhau một lần, không-có-cơ hội-sửa-sai cho nên không-được-phép-xấu! Sau khi lựa chọn mãi mới xong bộ váy áo hàng hiệu rất thời trang, má đòi ba phải thay bộ sa lon màu huyết dụ hình chữ L là mốt cách đây ba năm bằng bộ sa lon màu xanh xám hình chữ U, thời trang hiện hành. Họp lớp thì dính dáng gì tới phòng khách nhà mình? Ba tôi rên thầm và anh em tôi thốt lên câu hỏi thành lời. Má cười cười: “Biết đâu, lỡ bạn bè cao hứng rủ rê thăm nhà nhau”. Rồi đòi thay luôn cái ti vi màn hình phẳng đang có thành cái to gấp đôi. Mỗi cuộc họp lớp của má là tốn một đống tiền, cho dù bạn bè má đôi khi chỉ ghé qua thôi, chẳng uống được trọn ly nước.

Ba nói má bị bệnh nghiện mua sắm, tôi cũng từng tin như vậy. Lớn lên, tôi nhận ra mua sắm chỉ là cách má muốn tỏ quyền lực của mình đối với ba. Làm ngược lại ý của ba và áp đặt ý của mình lên cả nhà là cách má tỏ rõ mình làm chủ. Má nắm rõ điểm yếu của ba là sợ bị chê cười cho nên nếu khóc lóc mà không khiến được ba xuống nước thì má tăng “đô” bằng cách làm to chuyện. Có lần, chính anh Hai xúi giục ba: “Cứ để má làm ầm lên đi”. Ôi, cái lần đó thật kinh hoàng, má khóc lóc gọi điện thoại mắng vốn bà nội là ba phụ công chăm sóc của má, còn ba thì… gọi điện thoại cho bà ngoại năn nỉ nhờ can thiệp. Kết quả là cả nội và ngoại đều có mặt ngay lập tức và hỏi anh em tôi thật sự là có chuyện gì? Nói ra thật xấu hổ, chỉ là má muốn ba nghỉ phép ngay vì má tình cờ biết một chuyến du lịch giá rẻ trên mạng và má đã đăng ký liền vì sợ hết đợt.

Điều gì xảy ra tiếp theo? Là ba đã phải nghỉ phép để đi du lịch với má, nếu không, má hăm dọa sẽ đi luôn không về.

Khi đã có bạn trai, đã hiểu thế nào là yêu và được yêu, tôi thường tự hỏi ba có hạnh phúc không? Và má, má có hạnh phúc không? Có hạnh phúc nào được xây đắp bằng sự áp đặt quá quắt và sự hiền lành đến mức nhu nhược nhân danh sự yên ổn?

Má nói với tôi: “Cứ yêu đi, nhưng khi lấy chồng thì chọn người hiền lành như ba nghe chưa”. Không, tôi sẽ không chọn người như ba, dù tôi thương ba vô cùng.

Nguyên Hương

Bài tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: phaimanhcungyeu@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI