Tổ chức ma chay cũng rất cần có văn hóa

05/10/2022 - 12:24

PNO - Xây dựng nếp sống văn minh cần hướng tới loại bỏ những hủ tục và xây dựng những thói quen tốt, phù hợp với điều kiện cuộc sống mới.

Mới đây tôi có đến chia buồn với hai gia đình những người thân quen khi cha mẹ họ mất. Ở hai đám tang này, tôi thấy có nhiều điểm cần học tập.

Cần hướng tới loại bỏ những hủ tục và xây dựng những thói quen tốt, phù hợp với điều kiện cuộc sống mới. Trong ảnh:
Cần hướng tới loại bỏ những hủ tục và xây dựng những thói quen tốt, phù hợp với điều kiện cuộc sống mới. Trong ảnh: Tổ chức tang lễ tại một công viên nghĩa trang 

Đầu tiên là đám tang mẹ vợ anh bạn diễn ra trong khu dân cư đông đúc của một quận nội thành. Đám tang diễn ra trong sự trang nghiêm, không kèn không trống, không ăn uống rượu chè, nên không ồn ào. Gia đình cũng không che rạp lấn chiếm ra hẻm nên tuyệt đối không gây ảnh hưởng gì đến những khu dân cư. Anh em, bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm đến viếng tang sẽ để xe phía ngoài đường lớn, có người trông giữ, rồi đi bộ vào thắp nhang chia buồn rồi ngồi uống trà, cà phê, nói chuyện và nghe những câu kinh, những bài hát về công ơn cha mẹ sinh thành như: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, “Thương con thao thức bao đêm trường/ Con đà yên giấc mẹ hiền vui sướng biết bao”…

Trong cái không khí lắng đọng của sự ly biệt, những câu ca ấy đã gợi bao suy nghĩ về lẽ sống và những bài học về đạo làm người cho tất cả những người còn sống. 

Đám tang khác nằm trong một xóm đạo ở ngoại thành. Họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp đến chia buồn rất đông, ở lại rất khuya, nhưng ai cũng giữ trật tự chứ không ồn ào như những đám ma khác. Đến khoảng 10 giờ tối, chủ nhà có phục vụ cà phê, cháo gà (nhưng không nhậu nhẹt) để anh em có sức khỏe. Trò chuyện mới biết, người đứng đầu xứ đạo có quy định không tổ chức bài bạc với bất cứ lý do gì trong các đám tang, hạn chế tối đa uống rượu gây ồn ào. Suốt đêm đến rạng sáng, khi chuẩn bị đưa người quá cố ra nghĩa trang, xứ đạo, gia đình và họ hàng lần lượt đọc kinh kệ nhưng cũng trong trật tự. Họ tổ chức đưa người quá cố lên nhà thờ và ra nghĩa trang thật sớm để tránh gây kẹt xe. Trên đường đi, họ cũng không rải tiền vàng mã ra đường.

Những điểm khác ở hai đám tang vừa nêu là rất đáng ghi nhận, bởi ở hầu hết các đám tang mà ta thường thấy, chủ nhà thường tổ chức ăn uống, nhậu nhẹt. Thậm chí còn có tâm lý, ăn uống càng linh đình, kèn trống càng ầm ĩ, thì gia chủ và anh em dòng họ càng nở mày nở mặt. Các thành phần đến dự tang cũng thường lấy cớ thức đêm để tổ chức bài bạc, không những một sòng mà nhiều sòng, rồi cãi cọ huyên náo. Nhiều đám còn tổ chức hát hò, nhảy múa rất ồn ào, khiến không khí lẽ ra phải trang nghiêm trở thành nhốn nháo, làm phiền hàng xóm xung quanh.

Xây dựng nếp sống văn minh có rất nhiều việc phải làm, trong đó có việc hướng tới loại bỏ những hủ tục, thói quen không tốt và xây dựng những thói quen tốt, phù hợp với điều kiện cuộc sống mới. Cá nhân tôi nhận thấy, những khác biệt nói trên rất cần được ghi nhận và khuyến khích thực hiện trong cộng đồng dân cư. Với cán bộ công chức, viên chức, nhất thiết cũng nên có những quy định nghiêm ngặt bắt buộc thực hiện để chuyện ma chay được đơn giản hóa và có văn hóa.

Lê Tân

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Hathanh 05-10-2022 18:57:28

    Thật ra gia chủ cũng không muốn này biện rượu chè nhưng nó gần như là “ trả nợ” phần nào cho người có lòng đến viếng , ăn uống thường về đêm cho những người ở lại tránh sự lạnh lẽo quá nếu nhà neo người.Tập tục mỗi nơi một khác khó mà bỏ một sớm một chiều.Chỉ sợ những người tới viếng lời ra tiếng vào không tiếp đón chứ tất nên gia chủ cũng ráng gòng dù rất rất cực và mệt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI