“Luật làng”: Bỏ hủ tục ma chay, cưới hỏi

17/02/2021 - 09:05

PNO - Xem việc “thách cưới quá nhiều khiến nhiều nhà trai không thể đáp ứng, người chết phải để nhiều ngày trong nhà, không được khâm liệm vào quan tài” là hủ tục, người khai sinh bản làng đã bàn và đưa vào hương ước của bản để xây dựng nếp sống mới.

Vành đai bảo vệ bản làng

Bản Lưu Thông (xã Lưu Kiền, H.Tương Dương, Nghệ An) sau 30 năm ngày lập đã có 58 nóc nhà với gần 300 người. Cận tết, những nóc nhà sàn của người Mông nằm bình yên bên thung lũng nay trở nên thơ mộng hơn bởi những gốc đào, mận già bung nở, khoe sắc.

Chỉ tay về những hàng cây sừng sững bao bọc bản làng, già làng Vừ Vả Rùa (61 tuổi) cho hay, quy định không chặt phá rừng là điều đầu tiên khi bản hương ước của làng ra đời. Luật của bản quy định, trong vòng bán kính 1km từ nhà ở của dân, không ai được chặt phá rừng. Đây là vành đai bảo vệ môi trường cho dân bản.

Bản Lưu Thông nằm lọt thỏm giữa rừng xanh
Bản Lưu Thông nằm lọt thỏm giữa rừng xanh

Ngoài 1km trở ra là khu vực được sử dụng để phát nương, làm rẫy. Bên ngoài khu vực nương rẫy là vòng 3 cũng không được phá rừng. Ai cần gỗ để làm nhà ở phải xin phép ban quản lý bản mới được chặt cây, tuyệt đối không được mang gỗ ra ngoài bản.

“Mấy chục năm trước cây nhiều lắm nhưng chẳng ai dám chặt. Hương ước quy định rất rõ muốn đốn gỗ làm nhà, người dân phải trình qua bản xem xét, tính toán chặt bao nhiêu gỗ, chặt cây nào phù hợp” - ông Rùa kể. Ông còn cho biết, dân bản chỉ đốn cây để dựng nhà ở, chưa một ai dám chặt cây dư thừa hoặc mang gỗ đi bán, trao đổi.

Chỉ tay về phía cây gạo 4 người ôm không xuể ở đầu bản, ông Rùa cho hay quê mình vốn ở H.Kỳ Sơn (Nghệ An). Cuộc sống khó khăn nên năm 1989, vợ chồng ông cùng 4 hộ dân khác quyết định tìm đến vùng thung lũng này sinh sống.

Việc chăn dắt trâu bò được quy định chặt trong hương ước, tránh trâu bò phá hoại rau màu, phóng uế bừa bãi
Việc chăn thả trâu bò được quy định chặt chẽ trong hương ước, tránh để trâu bò phá hoại rau màu, phóng uế bừa bãi

Vài năm sau, vùng đất hoang vu này đã quy tụ được hơn 30 nóc nhà. Dân số đông, một số vấn đề cũng bắt đầu xuất hiện. Lúc này, những người tiên phong lập bản lại quây quần bên bếp lửa, bàn bạc “làm sao để xây dựng một bản làng văn minh”. Già làng Vừ Tồng Mà - một trong những người tiên phong lập bản cho biết, sau nhiều cuộc họp, những người cao niên trong bản đã quyết định lập hương ước như một “bộ luật” để cả bản làng cùng thực hiện.

Bản hương ước là hành vi ứng xử trong cộng đồng, là sợi dây liên kết bền chặt trước biến động của cuộc sống. Từ việc bảo vệ rừng, chăn nuôi trâu bò... cho đến cả trộm cắp vặt cũng được quy định chặt chẽ. “Thậm chí có lỡ lấy trộm dù chỉ một quả chuối trên rẫy, cũng phải đến nhà chủ  để xin lỗi. Khi được bỏ qua mới thôi” - ông Rùa nói.

Ông Rùa cho biết quy định chặt cây làm nhà từ xưa đến nay vẫn được người dân Lưu Thông
Ông Rùa cho biết quy định chặt cây làm nhà từ xưa đến nay vẫn được người dân bản Lưu Thông thực hiện nghiêm

Xây dựng nếp sống mới

Giáp tết, bản Lưu Thông nhộn nhịp hơn hẳn khi con em đang học, làm ăn từ khắp nơi trở về sum họp. Ngày đầu tiên của năm mới, tất cả con em xa quê đều về tụ họp tại hội quán của bản để gặp mặt, báo cáo tình hình năm qua, ai lỡ làm điều gì không phải thì tự kiểm điểm, hứa không tái phạm.

Ở nơi “thâm sơn cùng cốc” này, nhiều người vẫn nghĩ biết hết mặt chữ là đủ, vậy nhưng ông Mà vẫn mạnh dạn đề xuất bổ sung quy định “Không được để con cái bỏ học giữa chừng, nữ ít nhất phải học hết lớp 9, nam phải hết lớp 12”. Khi quy định này thông qua dân, tất cả dân bản đều ủng hộ.

Quy định không giết mổ nhiều trâu bò khi gia đình có người mất
Quy định không giết mổ nhiều trâu bò khi gia đình có người mất

Nhìn về cánh rừng bạt ngàn phía trước, ông Mà nói “ám ảnh nhất vẫn là tục lệ thách cưới, ma chay ngày trước”. Ở quê cũ, không ít người thách cưới quá nhiều khiến nhà trai không thể đáp ứng được, phải vay mượn khắp nơi. Người chết phải để 3 - 4 ngày trong nhà, không được liệm cho đến khi đem ra nghĩa trang chôn.

“Đó là hủ tục, phải bỏ” - ông Mà nói. Rồi ông bàn với các già làng bổ sung vào hương ước bỏ tục thách cưới. Người chết phải chôn cất trong 2 ngày, không tổ chức ăn uống.

Ông Lử cho biết từ khi có hương ước, việc cưới hỏi đã dần trở nên nhẹ nhàng hơn với gia đình các chú rể
Ông Lử cho biết từ khi có hương ước, việc cưới hỏi đã dần trở nên nhẹ nhàng hơn với gia đình các chú rể

Ông Vừ Nỏ Lử (58 tuổi) kể, xưa khi có đám tang, gia đình có tang thường giết trâu, giết bò ăn uống suốt 5 ngày. Sau đám tang, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần. “Đặc biệt là tục thách cưới, ngày đó nhà gái thường thách cưới bằng bạc nén, do bạc nén dần khan hiếm nên rất khó tìm mua. Mọi chi phí ăn tiệc thì nhà trai phải lo hết, rứa nên nhiều người sợ lấy vợ lắm” - ông Lử cười nói và cho hay giờ mọi thứ đã rất nhẹ nhàng, thách cưới chỉ một con heo, tiệc tổ chức ở nhà nào thì nhà đó lo.

Trưởng bản Vừ Giồng Nênh cho biết, hương ước quy định, ai vi phạm sẽ bị đưa ra cộng đồng kiểm điểm, tái phạm sẽ bị phạt tiền. Song 30 năm qua chẳng thu được tiền phạt bởi rất ít người vi phạm. Nhờ hương ước, trong bản 30 năm nay không ai dính đến ma túy, không ai phá rừng, không ai trộm cắp của ai. Nhiều con em của bản giờ đã thành cán bộ, giáo viên, công an chính quy.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI