Khi tang lễ trở thành một trải nghiệm và lựa chọn thân thiện môi trường

14/01/2022 - 05:52

PNO - Trước đây, mọi người quan niệm rằng con người chỉ sinh ra và chết đi một lần trong đời và tang lễ chính là cái kết cho chặng đường đó. Ngày nay, mọi người có thể chọn cho mình nhiều hơn một lần tang lễ cũng như cách thân thiện tự nhiên khi trở về cát bụi.

Trải nghiệm “chết” để tiếp tục sống

Một số nhân vật nổi tiếng ở Nhật Bản đã tổ chức “seizenso” (nghĩa là “đám tang khi còn sống”) và thúc đẩy những người hâm mộ họ làm theo. Gần đây, xu hướng trải nghiệm “tang lễ sống” đã lan sang Hàn Quốc, Mỹ, châu Âu... Nghi thức “seizenso” đầu tiên được ca sĩ kiêm diễn viên Nhật Bản Takiko Mizunoe tổ chức vào năm 1992 tạo ra sức hút rất lớn thông qua sóng truyền hình. Theo quyển sách Death and Dying in Contemporary Japan, Mizunoe chia sẻ rằng cô muốn bày tỏ lòng biết ơn của mình tới tất cả những người đã yêu quý cô khi cô vẫn còn sống. Tang lễ của Mizunoe bao gồm các hoạt động truyền thống, chẳng hạn thắp hương và phát biểu tưởng niệm, đồng thời kết hợp buổi tụng kinh Phật giáo cùng nhiều tác phẩm của Chopin, Mozart, thậm chí cả các bài hát mừng Giáng sinh. Vào ngày cuối cùng, đám tang được chuyển thành một bữa tiệc. 

Một người tham gia “tang lễ sống” tại Hàn Quốc chụp ảnh chân dung cho tang lễ của chính mình - ẢNH:  REUTERS
Một người tham gia “tang lễ sống” tại Hàn Quốc chụp ảnh chân dung cho tang lễ của chính mình - Ảnh: REUTERS

Trong khi đó, ở Hàn Quốc, hàng chục ngàn người đã tham gia các dịch vụ “tang lễ sống” để suy nghĩ về cái chết nhằm cải thiện cuộc sống của họ. Trung tâm Chữa bệnh Hyowon (mở cửa vào năm 2012) cung cấp các nghi thức lễ tang nhằm khuyến khích mọi người đánh giá cao cuộc sống, tìm kiếm sự tha thứ và hòa giải. Những người tham gia thuộc nhiều độ tuổi (từ thanh thiếu niên đến người đã về hưu) mặc áo liệm, viết di chúc, nằm trong quan tài đậy kín khoảng mười phút. Trong những chương trình khác, chẳng hạn Happy Dying, người tham gia bị trói tay và che mắt. Nhằm kéo giảm tỷ lệ tự tử của quốc gia, một số công ty thậm chí yêu cầu nhân viên tham dự “tang lễ sống” để giúp lấy lại sự cân bằng. Năm 2020, tỷ lệ tự tử của Hàn Quốc lên tới 25,7/100.000 dân. Mặc dù tỷ lệ tự tử đã giảm so với một thập kỷ trước, xứ sở kim chi vẫn có tỷ lệ tự tử cao nhất trong số các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Bà Cho Jae-hee (75 tuổi) nói với hãng tin Reuters sau khi tham gia một chương trình tang lễ: “Một khi bạn nhận thức được cái chết và trải nghiệm nó, bạn sẽ tìm ra cách tiếp cận mới với cuộc sống”. Riêng sinh viên Choi Jin-kyu cho biết, thời gian nằm trong quan tài đã giúp cậu nhận ra rằng việc bản thân thường xuyên coi người khác là đối thủ cạnh tranh và tất cả sự ganh đua đó chẳng có tác dụng gì. Jeong Yong-mun - người đứng đầu trung tâm chữa bệnh - cho biết

Trải nghiệm lễ tang của bản thân giúp nhiều người học cách gỡ bỏ gánh nặng và bước tiếp trong cuộc sống - ẢNH: REUTERS
Trải nghiệm lễ tang của bản thân giúp nhiều người học cách gỡ bỏ gánh nặng và bước tiếp trong cuộc sống - Ảnh: REUTERS

Công ty Hyowon bắt đầu tổ chức tang lễ nhằm giúp mọi người trân trọng cuộc sống của họ đồng thời tìm kiếm sự tha thứ và hòa giải với gia đình, bạn bè. Jeong Yong-mun chia sẻ: “Không có gì là mãi mãi và đó là lý do tôi nghĩ trải nghiệm này rất quan trọng. Chúng ta có thể xin lỗi, hòa giải sớm hơn và sống hạnh phúc cho phần còn lại của cuộc đời mình”. 

Tang lễ thân thiện môi trường

Đầu tháng 1, thi hài đức Tổng giám mục Nam Phi Desmond Tutu được “thủy táng” - một phương pháp thay thế ngày càng phổ biến và thân thiện với môi trường so với phương pháp hỏa táng truyền thống, bằng cách sử dụng nước thay vì lửa. Với phương pháp thủy phân, cụ thể hơn là “thủy phân bằng kiềm”, thi thể người quá cố được ngâm từ ba đến bốn giờ trong bồn chứa hỗn hợp nước và chất kiềm mạnh, ở áp suất cao và được nung nóng đến khoảng 1500C. Quá trình này làm hóa lỏng tất cả mọi thứ, trừ xương. Sau đó, xương cốt được sấy khô trong lò và nghiền thành bụi, đặt trong một chiếc bình và trao cho người thân.

Phương pháp an táng này giúp giảm phát thải khí nhà kính khoảng 35% so với hỏa táng thông thường. Tương tự, những xu hướng an táng thân thiện môi trường khác cũng trở nên thịnh hành hơn trên khắp thế giới. Từ năm 2008, hơn 170 người đã chọn cách chôn cất tự nhiên tại khu vực Wirra Wonga ở ngoại ô phía bắc Adelaide. Đây là địa điểm chuyên dụng đầu tiên ở Úc, nơi các thi thể được chôn cất tự nhiên trong quan tài phân hủy sinh học làm bằng sợi tự nhiên hoặc vải bọc. Những ngôi mộ được đánh dấu bằng cây cối thay vì bia mộ. Giám đốc điều hành Robert Pitt của Cơ quan nghĩa trang Adelaide cho biết: “Tôi nghĩ rằng đối với những người thích sự bền vững, có nhiều giá trị về bảo tồn, đây là một quá trình hấp dẫn và là cách thích hợp để nói lời từ biệt với hành tinh này”. 

Jan Abel và chồng là hai trong số hàng chục người đã đăng ký tham gia một xưởng chế tạo quan tài sinh thái tại Adelaide với hy vọng giảm thiểu tác hại của môi trường. Bản phác thảo của Murray - chồng của Jan Abel - có họa tiết đối xứng sinh động kết hợp nhiều niềm đam mê trong cuộc sống của ông.

Murray chia sẻ trong lúc làm chiếc quan tài: "Tôi vẫn chưa sẵn sàng để ra đi nhưng đâu thể biết điều gì xảy ra trong 10 hay 15 năm tới". Tiếc thay chỉ vài ngày sau đó, ông Murray lên cơn đau tim và qua đời. Gia đình và bạn bè của Murray đã làm việc cùng nhau để lên kế hoạch tiễn biệt ông và trang trí chiếc quan tài bằng những hình ảnh đẹp nhất. Bà Abel chia sẻ rằng tuy sự mất mát đến bất ngờ nhưng thật tốt vì ông Murray đã có cơ hội chia sẻ nguyện vọng của mình trước lúc ra đi.

 

 

Bà Abel bên chiếc quan tài mà bà và bạn bè đã thực hiện cho ông Murray - ẢNH: ABC NEWS
Bà Abel bên chiếc quan tài mà bà và bạn bè đã thực hiện cho ông Murray - Ảnh: ABC NEWS

Bên cạnh quan tài thân thiện môi trường bằng sợi tự nhiên, tại Hà Lan, nhà phát minh Bob Hendrikx đang khai thác sức mạnh của nấm bằng cách sử dụng mạng lưới khổng lồ của các sợi nấm thường sống dưới lòng đất để thay thế quan tài gỗ truyền thống. Theo Hendrikx, "quan tài sống" bằng nấm thân thiện với môi trường không chỉ làm giảm lượng phát thải carbon mà còn dễ dàng phân hủy trong sáu tuần, thay vì 20 năm như quan tài gỗ thông thường. Quan tài nấm cũng có tác dụng phân hủy thi thể, đẩy nhanh quá trình tự nhiên hấp thụ chất dinh dưỡng từ người đã khuất.

Giảm gánh nặng về tài chính và tài nguyên

Bên cạnh sự thay đổi về chất liệu quan tài, ông Robert Pitt thổ lộ: "Tôi cũng muốn loại bỏ nhựa và dây điện trong vòng hoa vì chúng tôi gặp một số rắc rối khi tìm cách tái chế chúng". Vấn đề này đã được giải quyết tại châu Á, nơi nhiều người chuyển sang những vòng hoa làm bằng hoa giả và đèn LED để chia buồn với gia đình người đã khuất. Vòng hoa LED được giới thiệu ở Singapore vào năm 2019, sau khi chúng dần phổ biến ở đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục.

 

 

Những quan tài dễ phân hủy sinh học dần trở thành sự lựa chọn thay thế quan tài gỗ
Những quan tài dễ phân hủy sinh học dần trở thành sự lựa chọn thay thế quan tài gỗ

Có thể tái sử dụng và thân thiện với môi trường, những vòng hoa này đã trở nên phổ biến vì giá thuê thấp hơn so với vòng hoa tươi, vẻ ngoài đẹp hơn và có khả năng tùy chỉnh, một số thậm chí có bảng hiển thị tin nhắn. Giám đốc điều hành dịch vụ tang lễ Eternity Eforce Tan cho biết công ty ông đã thấy nhu cầu về vòng hoa LED tăng 30% vào năm 2021. Ông giải thích thêm: "Một số tang lễ được tổ chức trong bảy ngày nhưng vòng hoa tươi truyền thống chỉ có thể duy trì vẻ đẹp từ 4-5 ngày”.

Một vấn đề khác được nhiều nơi quan tâm: bài toán dân số và nơi an táng. Tại đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc), số lượng người cao tuổi dự kiến sẽ tăng từ 15% dân số năm 2014 lên gần 25% vào năm 2024. Thành phố bắt đầu khuyến khích hỏa táng để giảm bớt sự căng thẳng trong việc tìm kiếm nơi chôn cất cho dân số già hóa. Trong 50 năm qua, tỷ lệ hỏa táng đã tăng 90%. Kể từ năm 2007, các nhà chức trách cũng xúc tiến việc chôn cất "xanh" bằng cách rải tro trên biển hoặc trong 11 khu vườn tưởng niệm. Chính quyền đã thiết lập một trang web tưởng niệm điện tử, nơi các gia đình có thể đăng ảnh, video về người đã khuất và gửi đồ cúng điện tử.

Doanh nhân Anthony Yau đã cùng Công ty iVeneration của ông tìm được cách để mọi người thể hiện sự tôn trọng của họ đối với người đã khuất bằng kỹ thuật số và công nghệ thực tế ảo. Người dùng có thể tạo bia mộ ảo của những người thân yêu và đặt chúng ở bất kỳ đâu trong môi trường tăng cường xung quanh Hồng Kông. Điều này cho phép các gia đình “chôn cất” người đã khuất ở những địa điểm “dễ chịu” hơn như công viên và khu vực công cộng thay vì một chỗ tại nghĩa trang đông đúc với mức giá lên đến hơn 130.000 HKD. Sau đó, họ có thể trang trí khu vực chôn cất kỹ thuật số bằng nhiều loại vật phẩm như nến, hoa, tài liệu tôn giáo và những bức ảnh của người đã khuất. 

Ngọc Hạ

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI