Tinh võ môn: Biểu tượng điện ảnh võ thuật trung hoa và dấu ấn của Lý Tiểu Long

30/07/2023 - 08:18

PNO - Triết lý sống của Lý Tiểu Long đã truyền cảm hứng cho họ từ khi còn trẻ… và những bộ phim của ông vẫn tiếp tục được nhiều người say mê, trong đó có Tinh võ môn.

Ngày 20/7 vừa qua, kỷ niệm 50 năm ngày mất của Lý Tiểu Long, tại Hồng Kông (Trung Quốc) nhiều người hâm mộ đã tới tham gia các cuộc triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Họ đặt hoa trước bức tượng ông ở Đại lộ Ngôi sao trên bờ Cửu Long của cảng Victoria. Triết lý sống của Lý Tiểu Long đã truyền cảm hứng cho họ từ khi còn trẻ… và những bộ phim của ông vẫn tiếp tục được nhiều người say mê, trong đó có Tinh võ môn.

Trong hồi ký của Lý Tiểu Long, tác giả Matthew Polly kể lại, vào giây phút Lý hạ đo ván những tên người Nhật trong Tinh võ môn và hô to “Người Trung Hoa không phải là Đông Á bệnh phu”, toàn bộ khán giả trong rạp đồng loạt đứng dậy hò reo trong nhiều phút. Tinh võ môn như một mũi tiêm thức tỉnh tinh thần yêu nước trong tim mỗi người, trở thành một tuyệt tác võ thuật kinh điển gần như khó có thể vượt qua của điện ảnh Hồng Kông.

Với Tinh võ môn, Lý Tiểu Long đã đưa phim ảnh và cả võ thuật Trung Hoa đường hoàng xuất hiện tại các phòng vé lớn ở Hollywood
Với Tinh võ môn, Lý Tiểu Long đã đưa phim ảnh và cả võ thuật Trung Hoa đường hoàng xuất hiện tại các phòng vé lớn ở Hollywood

Phá bỏ hình tượng "Đông Á bệnh phu" 

Năm 1972, sau thành công vang dội của Đường Sơn đại huynh ở cả Hồng Kông và Hollywood, hãng phim Golden Harvest bắt tay vào thực hiện dự án: Tinh võ môn (Fist of fury). Phim được đạo diễn La Duy, nhà sản xuất Trâu Văn Hoài cùng Lý Tiểu Long (Bruce Lee) xây dựng kịch bản và đạo diễn. Tất nhiên, các phần võ thuật trong phim đều được thực hiện bởi “con rồng nhỏ châu Á” lúc bấy giờ đã là một võ sư và đạo diễn võ thuật nổi tiếng khắp Hollywood.

Bộ phim lấy bối cảnh Thượng Hải năm 1908, kể về sự kiện sau khi Hoắc Nguyên Giáp (người sáng lập võ đường Tinh võ môn lừng lẫy) qua đời. Sau khi biết sư phụ bị đầu độc bởi những tên Hán gian và đám người Nhật xảo quyệt, Trần Chân (Lý Tiểu Long thủ vai) - một trong những đệ tử giỏi nhất - thề quyết trả thù và lấy lại danh dự cho võ đường.

Lựa chọn câu chuyện về Hoắc Nguyên Giáp nhưng bộ phim đã khôn khéo không nhắc lại về cuộc đời của huyền thoại võ thuật Trung Hoa vốn được khai thác nhiều trước đó, mà tập trung vào Trần Chân - một hình tượng anh hùng mới. Vai diễn tất nhiên được “đo ni đóng giày” cho Lý Tiểu Long - người luôn khao khát “phá vỡ mọi rào cản” về những quy định khắt khe trong kungfu truyền thống Trung Hoa. Tinh võ môn chính là “chìa khóa” để anh tạo ra một bước ngoặt cách tân trong điện ảnh võ thuật, nhằm chinh phục hơn 4 triệu dân Hồng Kông và tạo bệ phóng để ghi dấu ấn tại Hollywood. 

Yếu tố quan trọng nhất cho sự yêu mến của công chúng trong Tinh võ môn và gần như trong tất cả bộ phim lừng lẫy của Lý sau này, chính là những cảnh võ thuật được thực hiện một cách chân thật và đầy sức mạnh. Đề tài kháng chiến của người Hoa và người Nhật vốn không có gì mới mẻ nhưng khả năng võ nghệ điêu luyện và cách thể hiện đầy mạnh mẽ của Lý đã khiến bộ phim trở thành một tuyệt tác võ thuật kinh điển chưa từng có trên màn ảnh và gần như khó có thể vượt qua.

Lý Tiểu Long, cũng như hình tượng Trần Chân đại diện cho sự mới mẻ, thứ mà người Hoa những năm 70 còn khao khát, những phẩm chất mà họ không có được: sự mạnh mẽ, uy quyền, ngạo nghễ và dũng cảm vô song. “Cách anh ấy thể hiện hình tượng trong phim khiến chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào châu Á” - nhà phê bình điện ảnh Mel Tobias bình luận.

Những người làm kịch bản đã đẩy kịch tính lên cao trào với chi tiết lính Nhật xông vào đám tang Hoắc Nguyên Giáp, đập vỡ biển hiệu võ đường Tinh võ môn, để lại dòng chữ “Đông Á bệnh phu” với ý miệt thị người Trung Hoa là những kẻ ốm yếu, hèn nhát. Khi ấy, Trần Chân một mình tìm cách xông vào võ đường Judo của quân Nhật để trả thù và lấy lại danh dự cho võ đường…

Người hâm mộ tập trung trước bức tượng Lý Tiểu Long tại Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 20/7
Người hâm mộ tập trung trước bức tượng Lý Tiểu Long tại Hồng Kông (Trung Quốc) ngày 20/7

“Bruce củng cố tinh thần của người Hoa ở Hồng Kông nhiều hơn cả tá nhà chính trị hay những vị anh hùng hiệp nghĩa khác. Điều này có thể coi như liệu pháp trị liệu cho tinh thần của hàng triệu người dân lao động nghèo khổ. Bruce khơi lên niềm tự hào dân tộc, khiến đồng bào anh đứng dậy hò reo trong hàng trăm rạp chiếu phim. Đột nhiên họ cảm thấy bản thân mình tốt đẹp hơn, một ngày nữa trôi qua bỗng trở nên ít đau thương và ít lầm than hơn” - Robert Clouse - đạo diễn của Long tranh hổ đấu - nhận xét.

Bộ phim thực sự là một bản hùng ca về lòng tự hào dân tộc, được cộng hưởng bởi bản năng ngông cuồng, cả những ẩn ức của một người “Á Đông ở Hollywood” của Lý, tạo thành một cơn lốc xoáy đi thẳng vào tiềm thức hơn 4 triệu dân Hông Kông lúc bấy giờ còn mang đầy mặc cảm về nguồn gốc và bản sắc dân tộc. Không chỉ vậy, bộ phim còn đặt những nền móng đầu tiên cho sự hiện diện của người Á Đông ở phương Tây, mở đường cho hàng loạt “bom tấn” kungfu được đầu tư, thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc. 

Dấu ấn của Lý Tiểu Long 

Tinh võ môn được công chiếu lần đầu tiên vào ngày 22/3/1972 tại nhà hát Queen. Ngay sau khi công chiếu, bộ phim trở thành một hiện tượng gây rúng động giới làm phim và người yêu điện ảnh tại Hương Cảng. Bộ phim phá kỷ lục phòng vé Hồng Kông trong tuần đầu tiên công chiếu với doanh thu 4,3 triệu đô la Hồng Kông. Từ Hồng Kông, bộ phim lan ra toàn châu Á. Đêm ra mắt bộ phim tại Singapore, người hâm mộ tràn ra đường khiến giao thông tắc nghẽn. 

Ngay sau khi công chiếu, bộ phim trở thành một hiện tượng gây rúng động giới làm phim và người yêu điện ảnh
Ngay sau khi công chiếu, bộ phim trở thành một hiện tượng gây rúng động giới làm phim và người yêu điện ảnh

Nếu những năm sau này, khi hàng loạt diễn viên châu Á như Châu Nhuận Phát, Dương Tử Quỳnh, Lý Liên Kiệt, Chân Tử Đan… có nhiều cơ hội để ghi tên và thành danh ở Hollywood, người ta cũng nhắc đến phim võ thuật như một niềm tự hào của người Trung Hoa trên khắp thế giới thì những năm 70, các diễn viên Á Đông gần như không có chỗ đứng trên bản đồ điện ảnh thế giới. Các vai diễn của diễn viên châu Á thường là những vai phụ rất mờ nhạt và các bộ phim cũng hầu như chỉ được chiếu ở các khu phố Tàu. 

Nhưng Lý Tiểu Long đã mở toang cánh cửa cho tất cả. Anh đã đưa phim ảnh và cả võ thuật Trung Hoa đường hoàng xuất hiện tại các phòng vé lớn ở Hollywood. Chỉ sau Đường Sơn đại huynh, rồi đến Tinh võ môn, thế giới đã thực sự chú ý đến các diễn viên châu Á nhiều hơn. Các ngôi sao phim hành động ở Hollywood phát cuồng vì kungfu Trung Hoa. 

Với Tinh võ môn, lần đầu tiên Lý đã đưa Côn nhị khúc và cú đá song phi tầm cao lên màn ảnh vô cùng đẹp mắt và ấn tượng. Trong phim, khán giả cũng lần đầu được nghe tiếng “hú” đầy hoang dã trứ danh của Bruce mỗi khi ra đòn. Sau này, vào năm 1995, cả Côn nhị khúc và tiếng hú của Lý được Chân Tử Đan tái hiện ở Tinh võ môn phiên bản truyền hình. 
“Cách anh ấy làm việc, nói chuyện, từng cú đấm của anh ấy đều khiến người ta cảm phục. Lý Tiểu Long là người rất giỏi truyền cảm hứng” - Thành Long - khi ấy còn là diễn viên tham gia một vài cảnh đóng thế cho Tinh võ môn - phát biểu.

Thậm chí cách chiến đấu cuồng loạn, phá bỏ hết luật lệ của Lý cũng trở thành cảm hứng cho những luật lệ của giải đấu MMA đến tận bây giờ. “Triết lý chiến đấu của Lý Tiểu Long là một loại triết lý đã đi đến tận cùng của võ thuật đối kháng” - Mike Tyson nhận xét.

Sau nửa thế kỷ, dù dòng phim võ thuật đã thoái trào, Tinh võ môn của Lý Tiểu Long vẫn là một tượng đài kinh điển của dòng phim võ thuật ở cả phương Đông và phương Tây không phải chỉ bởi những pha hành động kungfu mang tính “cách mạng” trên màn ảnh. Ngoài ra, Tinh võ môn còn là niềm tự hào của người dân Hồng Kông những năm 70 và là biểu tượng cho tinh thần võ học bền bỉ, mạnh mẽ, cương trực vượt qua mọi lãnh thổ, thời đại. 

Lan Anh

Ảnh: Internet 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI