Tình người trong đại dịch ở Đà Nẵng, Quảng Nam lên báo nước ngoài

16/08/2020 - 14:42

PNO - Tờ South China Morning Post đăng tải bài viết về sự giúp đỡ lẫn nhau giữa người dân khi dịch COVID-19 bùng phát khiến cuộc sống trở nên khó khăn, đảo lộn.

Mở đầu, South china Morning Post đề cập về Việt Nam trong suốt 3 tháng không ghi nhận ca nhiễm mới mang lại niềm hy vọng cho người dân trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch. Tuy nhiên, làn sóng mới bùng phát vào cuối tháng 7 vừa qua đã khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn. 

Tình nguyện viên tại Đà Nẵng phân thức ăn vào những phần riêng để dễ trao cho người nhận
Tình nguyện viên tại Đà Nẵng phân thực phẩm vào những phần riêng để dễ trao cho người nhận

Tờ báo viết: “​​Hơn 470 trường hợp liên quan đến cụm bệnh Đà Nẵng - đã thúc đẩy các tổ chức, địa phương và doanh nhân thực hiện các sáng kiến ​​cơ bản, chẳng hạn như phân phối thực phẩm và các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, để hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn ở Đà Nẵng và nơi khác”. Trong đó có nhiều sự chung tay hỗ trợ được đề cập.

Kim Le Sambolec, một chủ doanh nghiệp người Úc gốc Việt cung cấp gói dịch vụ chăm sóc cho các gia đình ở Hội An (Quảng Nam). Bà nói: “Lao động ở Hội An tập trung vào khách du lịch, vì vậy không có bất kỳ khách du lịch nào đến đây, nhiều người đã mất việc”. Đây cũng là lúc họ cần được sự hỗ trợ của chính phủ, tổ chức từ thiện cũng như từ cá nhân như cô.

Kim Le Sambolec nói: “Tôi tìm những nơi cung ứng hàng hoá với giá gốc. Sau đó, tôi cho người chia thành từng gói để dễ dàng đưa cho các gia đình đến lấy”.

Các tình nguyện viên trong nhóm Karma Waters phân phát thức ăn đến những người cần sự hỗ trợ
Các tình nguyện viên trong nhóm Karma Waters phân phát thức ăn đến những người cần sự hỗ trợ

Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội, tổ chức Trẻ em Hy vọng (CHIA) - một tổ chức phi chính phủ ở Quảng Nam - phát phiếu quà tặng cho những người đã đăng ký nhận trợ giúp, sau đó họ sẽ đến nhận các gói hỗ trợ.

Grace Nguyen, người đồng sáng lập Hiệp hội từ thiện Karma Waters ở Hội An, cho biết cô nhận thấy số sinh viên hết tiền ăn và tiền thuê nhà tăng lên. Nhiều người không thể trở về nhà do hạn chế đi lại.

Grace và chị gái Trang Nguyen điều hành một chương trình hỗ trợ tài chính cho sinh viên Đại học Duy Tân, nơi Trang đang làm việc. Chương trình cũng đang mở rộng sang các trường đại học khác.

Một trong những sinh viên được hỗ trợ cho biết những ngày qua liên tục ăn mì gói, mất việc làm thêm và chỉ quanh quẩn trong ký túc xá. Quản lý ký túc xá đã thuê một đơn vị bán thức ăn trợ cấp nhưng do hoàn cảnh khó khăn nên sinh viên này không có khả năng mua. Ở ký túc xá, sinh viên không được phép nấu ăn.

Một vấn đề nữa trong thời gian cách ly xã hội là sức khoẻ tinh thần. Expat Ethan Levy đã thành lập Dork Dancing vào tháng 6 để thúc đẩy sức khỏe tinh thần thông qua nhảy tự do, từng tổ chức những buổi khiêu vũ ở bãi biển dành cho mọi người nay chuyển sang trên mạng. “Mọi người cần phải hoạt động, di chuyển. Vì thế, chúng tôi làm những điều hết sức trong khả năng để giúp họ hoạt động và hoà nhập với nhau trong thời gian bị giới hạn”, ông nói.

Môt sinh viên nhận được sự hỗ trợ từ Karma Waters
Một sinh viên nhận được sự hỗ trợ từ Karma Waters

Sáng kiến ​​này đã mở rộng sang các lĩnh vực khác, bao gồm cả Dork Meetups, cho phép mọi người khám phá hành trình chăm sóc sức khỏe và tinh thần của họ. Chương trình thứ ba, Dork Art, đang được thực hiện.

Người sáng lập Dork Meetups, Mily Carroll nói rằng Dork Meetups tạo ra một không gian an toàn để mọi người đối diện với nội tâm của họ.

Bài viết cũng đề cập đến việc Đà Nẵng biến cung thể thao Tiên Sơn thành bệnh viện dã chiến. Nhiều đội ngũ y, bác sĩ trên cả nước đã về đây để chi viện. Các đội ngũ tình nguyện viên cũng góp phần không nhỏ cung cấp thức ăn, hỗ trợ đội ngũ này.

Kim, một nữ doanh nhân Hội An, gửi gói hàng đến các bệnh viện và cơ sở cách ly, bao gồm những thứ cần thiết như: nước rửa tay, giấy vệ sinh và mì gói.

Đội ngũ xe bán tải tình nguyện hỗ trợ việc vận chuyển tại Đà Nẵng những ngày qua
Đội ngũ xe bán tải tình nguyện hỗ trợ việc vận chuyển tại Đà Nẵng những ngày qua

Anh Ho Ngoc Thanh, một chủ nhà hàng, đã và đang cùng các tình nguyện viên vận chuyển vật tư y tế, nguồn thực phẩm cho các bệnh viện và cộng đồng đang gặp khó khăn tại các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Trị. Anh cũng cùng mọi người kêu gọi quyên góp để hỗ trợ cộng đồng trong hoàn cảnh khó khăn này. 

Anh cho biết không cảm thấy lo sợ trong hoàn cảnh này bởi có trang bị thiết bị bảo hộ cá nhân. “Khi COVID-19 bị đẩy lùi nhanh chóng thì gia đình, người thân của tôi cũng an toàn. Khi đó, thành phố cũng sẽ an toàn, thanh bình trở lại, thật tốt cho tất cả. Đó là lý do vì sao chúng tôi đang chung tay mỗi ngày”.

Thuỳ Anh (theo South China Morning Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI