Tinh giản biên chế, người lao động dôi dư về đâu?

22/07/2025 - 06:32

PNO - Ngay từ đầu năm 2025, bà Nguyễn Bích Ngọc - cán bộ làm công tác mặt trận ở tỉnh Đồng Nai - đã chủ động nộp đơn xin nghỉ việc khi nghe tin địa phương sắp sáp nhập các đơn vị hành chính. “Tôi tự chọn rút lui sớm để chủ động tìm hướng đi mới cho mình” - bà nói.

Chủ động rẽ hướng

Nghỉ việc theo Nghị định 154/2025/NĐ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế, bà Bích Ngọc được nhận trợ cấp 1 lần gần 500 triệu đồng. Trong lúc chờ tiền về, bà cũng không ngồi yên mà tìm mặt bằng gần nhà để mở quán bán cơm. Bà bộc bạch: “Việc chính đáng mà mình làm được, có thu nhập thì mình không ngại”.

Cũng như bà Bích Ngọc, hàng chục ngàn công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước đã, đang và sẽ không còn việc làm khi cả nước thực hiện chủ trương sáp nhập địa giới hành chính, đơn vị hành chính, tinh giản biên chế.

Sau 14 năm làm phóng viên tại Cơ quan đại diện Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền Nam, chị Huỳnh Thị Mẫn bất ngờ nhận thông tin cơ quan mình sẽ ngừng hoạt động. Sau gần 4 tháng đắn đo, chị chọn nghỉ việc để chủ động bước sang giai đoạn mới. Chị vẫn viết báo nhưng không làm phóng viên toàn thời gian. Song song đó, chị bắt đầu kinh doanh nông sản - công việc mà chị từng ấp ủ trước đây. “Rời khỏi tòa soạn, tôi không thấy mình mất đi điều gì. Tôi chỉ đang viết tiếp nhưng theo cách linh hoạt hơn, tự chủ hơn” - chị tâm sự.

Thị trường lao động đang cần nhân lực có tay nghề nên lao động khu vực công cần được đào tạo lại để thích ứng. Trong ảnh: Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng AA tăng cường tự động hóa quy trình sản xuất - ẢNH: MAI CA
Thị trường lao động đang cần nhân lực có tay nghề nên lao động khu vực công cần được đào tạo lại để thích ứng. Trong ảnh: Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng AA tăng cường tự động hóa quy trình sản xuất - Ảnh: Mai Ca

Theo Bộ Nội vụ, từ năm 2021 đến nay, cả nước đã tinh giản hơn 60.000 công chức, viên chức; riêng trong năm 2025, có khoảng 20.000 người sẽ rời khỏi biên chế, phần lớn thuộc diện sáp nhập đơn vị hành chính, sắp xếp lại cơ quan do chồng chéo chức năng. Chính phủ đã ban hành Nghị định 154/2025/NĐ-CP quy định về tinh giản biên chế, trong đó mở rộng đối tượng tinh giản theo nguyện vọng, tăng mức hỗ trợ tài chính, bổ sung chính sách học nghề, chuyển đổi việc làm và vay vốn ưu đãi nhằm giúp người rời biên chế tái hòa nhập thị trường lao động một cách thuận lợi. Tuy nhiên, với những người đã quen với tính ổn định của công việc hành chính, việc tìm công việc mới phù hợp trong thị trường lao động đầy tính cạnh tranh là một thử thách không nhỏ.

Thay đổi tư duy, bổ sung kỹ năng

Sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố và bỏ cấp quận, huyện, một lượng lớn nhân sự khối hành chính công phải tìm kiếm việc làm. Ông Nguyễn Kim Ngân - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Việt Hương - nhận định, đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư vẫn có nhiều cơ hội làm công việc văn phòng, nhân viên kinh doanh, bán hàng hoặc phát triển thương hiệu trong các doanh nghiệp (DN). Đáng tiếc là hiện tại, lượng khách hàng và sức mua giảm khoảng 40%, quy mô hoạt động bị thu hẹp nên Việt Hương chưa có nhu cầu tuyển dụng.

Ông Phan Liên - Chủ tịch Câu lạc bộ DN Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Ô tô, Xe máy, Xe đạp Việt Nam - cho biết, đa số DN trong câu lạc bộ chưa có nhu cầu tuyển dụng lao động; một số cần tuyển người nhưng đòi hỏi có chuyên môn kỹ thuật cao, có kinh nghiệm, có khả năng thích ứng với công nghệ mới. Một số DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) thiếu nhân sự trầm trọng nhưng yêu cầu ứng viên giỏi ngoại ngữ, tin học, biết sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Ông nhận xét: “Lực lượng lao động trong khu vực nhà nước có cả điểm mạnh và điểm yếu. Họ có cố gắng nhưng đôi khi còn làm việc cứng nhắc theo giờ hành chính, chưa linh hoạt theo yêu cầu thực tế. Họ cần trau dồi thêm kỹ năng về công nghệ, ngoại ngữ. Khi tinh giản biên chế, Nhà nước nên sớm thực hiện những chính sách hỗ trợ tài chính để họ tự chủ đi học, kịp thời nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường”.

Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng AA - ẢNH: MAI CA
Người lao động làm việc tại Công ty cổ phần Kiến trúc xây dựng AA - Ảnh: Mai Ca

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ DN nhỏ và vừa, thuộc Hiệp hội DN TPHCM (HUBA) - cho biết, chưa có nhiều công chức, viên chức dôi dư vào làm việc trong các DN. Khi lực lượng này chuyển sang khu vực tư nhân, họ sẽ đối mặt với những thách thức nhất định và buộc phải thay đổi tư duy. Theo ông, cán bộ, công chức thường quen với tư duy quản lý nhưng khi làm việc cho DN, họ là người trực tiếp làm việc, tạo ra sản phẩm. Do đó, họ cần chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, mới đáp ứng được yêu cầu của DN.

“Để hỗ trợ lực lượng dôi dư do tinh giản biên chế, cơ quan nhà nước nên chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo và hiệp hội ngành nghề khảo sát nhu cầu thực tế của DN, từ đó xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng phù hợp. Phải đào tạo theo nhu cầu thực tế của DN chứ không đào tạo dàn trải và nên hỗ trợ học phí để khuyến khích họ học nghề, tìm được việc làm phù hợp”.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa

Bà Ngô Phẩm Trân - Chủ tịch Hiệp hội DN Việt Nam - Đài Loan - nhận định, chưa có nhiều sự hỗ trợ rõ ràng từ các cơ quan chức năng để giúp lực lượng dôi dư do tinh giản biên chế tìm việc. Nhiều người trong số họ đang nghỉ ngơi hoặc tìm hướng đi riêng. Theo bà, họ vẫn còn nhiệt huyết và mong muốn làm việc trong khối tư nhân. Vốn hiểu biết của họ về quy định pháp luật, cách thức làm việc của cơ quan nhà nước sẽ hỗ trợ rất nhiều cho DN tư nhân. Nếu hiểu được khu vực tư nhân chú trọng sự năng động, hiệu quả, những người từng làm việc trong khối nhà nước sẽ thích nghi nhanh.

Với trang thiết bị ngày càng hiện đại, Công ty TNHH Lập Phúc đòi hỏi ứng viên có tay nghề cao, hiểu biết về trí tuệ nhân tạo  - ẢNH: HOA LÀI
Với trang thiết bị ngày càng hiện đại, Công ty TNHH Lập Phúc đòi hỏi ứng viên có tay nghề cao, hiểu biết về trí tuệ nhân tạo - Ảnh: Hoa Lài

Bà cũng chỉ ra rằng, lực lượng lao động từ cơ quan nhà nước chuyển sang khối tư nhân có thể gặp một số rào cản, lớn nhất là sự khác biệt trong tư duy và cách làm việc (khối nhà nước thường chờ phê duyệt, khối tư nhân cần sự nhanh nhạy, đột phá). Do đó, nếu điều chỉnh tư duy để thích nghi với môi trường mới, họ sẽ là nguồn lực rất tốt cho DN tư nhân. Từng thực hiện các chương trình giới thiệu DN FDI đầu tư vào Việt Nam, bà nhận định, DN FDI rất hoan nghênh những người được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm và muốn làm việc. Đặc biệt, các DN do Việt kiều làm chủ rất cần những người am hiểu pháp luật và chính sách. DN FDI quan tâm đến những gì mà ứng viên mang đến và mong muốn khi đồng hành cùng họ.

Bà Ngô Phẩm Trân nói, trong thời chuyển đổi số, thông tin về chiến lược phát triển và nhu cầu của các DN đều rất rõ ràng trên các phương tiện truyền thông. Do đó, việc khảo sát nhu cầu không quá phức tạp. Vấn đề nằm ở chỗ, mỗi người lao động cần biết nhiều việc, muốn định hướng bản thân ở vị trí nào và muốn đạt được gì trong tương lai. Bà kết luận: “DN luôn có nhiều vị trí phù hợp với năng lực và mong muốn phát triển của mỗi người. Nhiều DN FDI đang thiếu hụt nhân sự có chuyên môn và kỹ năng nên cơ hội việc làm luôn rộng mở cho lực lượng dôi dư do tinh giản biên chế”.

Hỗ trợ tiền học nghề, vốn tự tạo việc làm

Ngày 27/6, UBND TPHCM đã ban hành Quyết định số 3232 phê duyệt đề án hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, nhà ở xã hội cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, người lao động sau khi sắp xếp bộ máy của hệ thống chính trị. Theo đó, các đối tượng này sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề tối đa 6 triệu đồng/người/khóa học và được hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại trong quá trình học tập; người có nhu cầu khởi nghiệp hoặc tự tạo việc làm có thể được vay vốn tối đa 300 triệu đồng/người với lãi suất 0% trong 5 năm đầu.

Ý kiến:

Người lao động khu vực công cần được đào tạo lại

Phần lớn người lao động rời khỏi khu vực công tập trung ở khối hành chính, văn phòng, ít có nền tảng kỹ thuật hoặc kinh nghiệm sản xuất. Vì vậy, trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo chính xác, việc kỳ vọng vào nguồn lao động từ khối công là không thực tế nếu không có chương trình đào tạo lại bài bản, định hướng nghề rõ ràng và cơ chế hỗ trợ DN tiếp nhận người lao động, bởi DN sản xuất cần người lao động có tay nghề thực tế, hiểu rõ quy trình, vật liệu, máy móc.

Hiện nay, các DN sản xuất đều thiếu nhân viên kỹ thuật. Mức lương trung bình hơn 10 triệu đồng/công nhân/tháng không đủ giữ chân người lao động do nguồn tốt nghiệp trường nghề ít, do một số chọn đi xuất khẩu lao động. Một số học viên trường nghề chưa tốt nghiệp đã được DN ở các nước tuyển dụng.

Ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh

Muốn sản xuất, phải có tay nghề

Nhu cầu tuyển dụng của Công ty Hải Nam tăng nhanh do có nhiều dự án lớn, trong đó có việc cung cấp hệ thống tủ điện cho sân bay Long Thành và nhiều đơn hàng xuất khẩu sang Úc cũng cần nguồn nhân lực để thực hiện. Từ đầu năm đến nay, công ty đã tuyển 350 công nhân kỹ thuật và tiếp tục tuyển khoảng 100 người nữa. Cái khó là tuyển được người đáp ứng đúng yêu cầu.

Khu vực công đang có lực lượng lao động dư thừa do tinh giản biên chế nhưng đáng tiếc là họ chỉ được đào tạo về nghiệp vụ văn phòng. Trong khi đó, việc sản xuất đòi hỏi kỹ năng nghề, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng vận hành thiết bị chuyên sâu mà những khóa tập huấn ngắn hạn là không đủ. Công ty Hải Nam cần tuyển người có kiến thức nền tảng về điện, có khả năng làm việc với cường độ cao và sẵn sàng tăng ca. Thị trường đang dư thừa lao động phổ thông nhưng nhóm này cũng không đủ năng lực để tham gia vào quy trình sản xuất kỹ thuật cao. Đây là nghịch lý phổ biến ở các DN công nghiệp.

Bà Văn Thị Thục Uyên - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Kỹ thuật công nghệ tự động Hải Nam

Thiếu lao động phổ thông và có nghề

Thị trường lao động Việt Nam đang thiếu hụt lao động phổ thông và lao động có nghiệp vụ đặc thù. Hiện tại, lao động phổ thông đang có xu hướng dịch chuyển về quê do thu nhập ở các thành phố lớn không đủ trang trải cuộc sống, trong khi ở quê đã có nhiều khu công nghiệp. Do đó, các thành phố lớn bị thiếu hụt lao động phổ thông. Các DN cũng đang rất cần lao động có nghiệp vụ chuyên biệt, đặc biệt là trong các lĩnh vực như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI), kế toán, nhân viên truyền thông, marketing.
Riêng lực lượng lao động có trình độ trung bình (không quá đơn giản, cũng không quá cao) đang bị bão hòa, khó tìm được việc.

Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa TPHCM

Mai Ca - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI