Tìm về văn hóa Viêm Việt

08/06/2017 - 15:55

PNO - Trong giới trí thức miền Nam trước năm 1975, GS Kim Định (1915-1997) là một diện mạo, bản lĩnh độc đáo.

Ông đã biên soạn một loạt giáo trình giảng dạy cho sinh viên mà về sau được nâng cao và hệ thống hóa thành nền tảng cho triết học Việt Nam mà ông gọi là Việt Triết hay Việt Nho. 

Học thuyết An Vi hay Việt Nho xem xét Nho giáo ở tận đầu nguồn để trở về đúng nguồn cội nền văn hóa Lạc Việt của người Việt Nam. Mở đầu học thuyết, GS Kim Định đi từ Cửa Khổng. Ông đối chứng Khổng giáo với các học thuyết khác trong Bách gia chư tử, triết học phương Tây cùng thời. Theo ông: “Tìm ra Nho giáo sơ khai tức cũng là Nho giáo chân chính. Nho giáo có đã lâu đời, tục truyền là từ Phục Hy Thần Nông, còn Khổng Tử chỉ là đại diện cuối cùng”.

Tim ve van hoa Viem Viet
 

Theo cách nhìn huyền sử của GS Kim Định, những nhân vật, hình tượng, và những sự tích mà truyền thuyết xưa ghi lại trong Việt điện u linh và Lĩnh Nam chích quái - cũng giống như những chứng tích khảo cổ học và chứng tích trên trống đồng - sẽ không còn là những con người lịch sử có thật hay những sự việc cụ thể đã thật sự diễn ra trong một thời đoạn chính xác nào đấy như sử gia từng nghĩ, mà chính là những biểu tượng quy nạp vào đó công cuộc tiến hóa hàng nghìn, hàng chục nghìn năm lịch sử của cha ông.

Nhìn như thế mới thấy được mối liên quan mật thiết giữa chuỗi truyền thuyết về người Việt cổ xưa (Hồng Bàng, Hùng Vương...) với chuỗi truyền thuyết mà Trung Hoa đã tự nhận là gốc tích riêng của tổ tiên họ (Tam hoàng, Ngũ đế...).

Vấn đề phải đặt lại là chính tổ tiên người Việt là người Viêm Việt xưa kia đã từng ngự trị ở giữa vùng châu thổ sông Hoàng Hà và sông Dương Tử, đã chiếm lĩnh hết 18 tỉnh của Trung Quốc ngày nay, và đã làm nên văn hóa Việt Nho - nền văn hóa tinh thuần, lấy nhu thuận làm cốt lõi, đại biểu cho văn minh nông nghiệp. 

Tim ve van hoa Viem Viet
 


Sau này, Hoa tộc - một giống người du mục từ Bắc tràn xuống - đã đẩy lui Viêm Việt xuống mãi phía Nam, phân hóa thành nhiều chủng, nhưng đồng thời do trình độ văn minh thấp hơn, cũng lại bị văn minh Viêm Việt đồng hóa để đi đến hòa đồng Việt Nho của Viêm Việt thành Hán Nho của Trung Hoa.

Nhiều vấn đề mà GS Kim Định đặt ra từ thập niên 1960 đến nay vẫn còn ý nghĩa thời sự. Nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, khi tìm về cội nguồn văn hóa Việt Nam, đã đi theo hướng gợi mở táo bạo này. Không phải ngẫu nhiên mà những công trình nghiên cứu của ông đã từng tạo ra bao tranh luận sôi nổi, mở ra nhiều vấn đề về quốc học, triết học, văn hóa… nước nhà.

Loạt sách vừa tái bản của Kim Định đã thể hiện được tinh thần học thuật mà Từ điển văn học (bộ mới) đã ghi nhận: “Không thể không thừa nhận đây là những tìm tòi đầy tâm huyết và có sức gợi mở không nhỏ, về một hệ thống vấn đề không kém quan trọng đang là “ẩn số”, cần được tiếp tục giải đáp trong các ngành khoa học xã hội và nhân văn của Việt Nam”. 

Lê Minh Quốc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI