Tiểu đường tuýp 2 "có họ hàng" với bệnh ung thư

16/11/2020 - 12:47

PNO - Nghiên cứu cho thấy, béo phì và tiểu đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

 

Lười vận động, nhất là trong thời điểm rủi ro dịch bệnh do COVID-19 gây ra, khiến nhiều người bị tăng cân.
Lười vận động, nhất là trong thời điểm rủi ro dịch bệnh do COVID-19 gây ra, khiến nhiều người bị tăng cân.

Trong quyển sách mang tên: "Ung thư: Một cách hiểu mới mang tính cách mạng đối với bí ẩn trong y khoa” mới xuất bản hôm 12/11/2020, tiến sĩ - bác sĩ Jason Fung, một chuyên gia về nội thận nổi tiếng người Canada nhận xét, loài người đang chiến đấu với căn bệnh ung thư theo cách hết sức chủ quan cũng như đã bỏ qua một “kẻ thù nguy hiểm” khiến cho căn bệnh trầm trọng hơn. Đó là sự rối loạn nội tiết của insulin trong cơ thể con người gây ra bởi bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.

Bệnh béo phì có mối liên hệ mật thiết với tỷ lệ tăng cao của các ca ung thư. Theo đó, thừa cân đứng hàng thứ 2 trong nhóm nguyên nhân  gây nên bệnh ung thư với tỷ lệ "cứ 20 ca ung thư thì có một ca gây nên bởi chứng thừa cân". Tổ chức Y tế thế giới cũng cho biết thừa cân là “tác nhân” có liên quan đến 13 loại ung thư khác nhau, bao gồm cả ung thư vú và ung thư đại tràng.

Tiến sĩ Fung kết luận, những cách hiểu về nguyên nhân gây nên bệnh ung thư lâu nay là đúng, nhưng chưa đủ.

“Chúng ta đều biết rằng, ung thư sẽ khiến các tế bào trở nên bất thường. Các tế bào già cũ tiếp tục phát triển và sản sinh các tế bào mới theo một cách không bình thường. Chúng cứ thế nhân lên không kiểm soát, tấn công cơ thể người bệnh, và cuối cùng tạo thành khối u bất thường. Thế nhưng, thay vì nghĩ đến lý do vì sao lại có sự đột biến như vậy thì chúng ta cần có hướng tiếp cận khác”, tiến sĩ Fung giải thích. 

Nghiên cứu mới cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh ung thư.
Nghiên cứu mới cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa béo phì, tiểu đường tuýp 2 và bệnh ung thư.

Tiến sĩ Fung xác định rõ: Insulin và các hormone khác đóng vai trò như là thiết bị cảnh báo dinh dưỡng trong cơ thể con người. Khi chúng ta ăn, insulin sẽ nhắc cơ thể rằng thức ăn đã sẵn sàng, “năng lượng” đã có sẵn để chuyển đi nuôi các tế bào. Đây cũng là lúc mà con người tiến gần hơn đến sự phát triển của bệnh ung thư bởi chế độ ăn ảnh hưởng rất nhiều đến nguy cơ gây nên căn bệnh này”.

Tiến sĩ Fung gợi ý, giải pháp để ngăn ngừa mối nguy cơ đáng sợ này không có gì phức tạp. Khi đã biết béo phì và tiểu đường tuýp 2 là những nguy cơ cao cho nhiều bệnh ung thư thì chúng ta cần phải thay đổi hành vi ăn uống của mình, ví dụ như cắt giảm các loại thực phẩm siêu chế biến cũng như lượng đường đưa vào cơ thể.

Đồng thời, hãy duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường vận động mỗi ngày.

Thay đổi hành vi ăn uống cũng góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa các nguy cơ xấu cho sức khỏe, kể cả bệnh ung thư.
Thay đổi hành vi ăn uống cũng góp phần đáng kể vào việc ngăn ngừa các nguy cơ xấu cho sức khỏe, kể cả bệnh ung thư.


Nguyễn Thuận (theo Telegraph)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI