Những người đi cắt chân

12/11/2020 - 07:44

PNO - Anh ngồi bất động, mắt hướng theo bức tường trắng - nơi mẹ anh vừa được đẩy vào phòng mổ. Trên băng ngồi chờ, không chỉ có tiếng thở dài của anh.

 

Cô Nguyễn Thị Phúc được đưa vào phòng phẫu thuật chân.
Cô Nguyễn Thị Phúc được đưa vào phòng phẫu thuật chân.

Nỗi đau của bàn chân tiểu đường

Buổi sáng tại phòng bệnh của khoa Ngoại chỉnh hình, Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp (TPHCM) có 4 giường  và đều kín người. Người nhà bệnh nhân mệt mỏi ngồi bệt dưới sàn nhà nhìn người thân đang nằm bất động. Có bà cụ phải cắt cụt chân, có người thì vết thương ở bàn chân bị khoét sâu do hoại tử dần.

Tôi vào chưa được bao lâu, bà cụ nằm giường cuối phòng đã bị sặc thức ăn, không mấy chốc bác sĩ và y tá đã có mặt cứu chữa kịp thời. Khung cảnh gấp gáp khiến mọi người đều đứng lên nhìn, mặt ai nấy đều tập trung vào bà cụ, tôi đổ mồ hôi lạnh theo dõi. Bác sĩ tiến lại gần cho hay, bà cụ bị hoại tử vùng thịt ở lưng do tiểu đường, hiện chỉ nằm yên và không nói được.

Năm 2019, Liên đoàn Đái tháo đường Quốc tế (IDF) thống kê tới 9,3% dân số thế giới, tức 463 triệu người mắc đái tháo đường và được dự đoán sẽ tăng lên 10,9% vào năm 2045.

Con số này cao hơn ở khu vực thành thị (10,8%) so với khu vực nông thôn (7,2%).

Biến chứng do tiểu đường gây ra nếu không điều trị kịp thời sẽ phải cắt bỏ, đó là nỗi sợ và cũng là nỗi đau của nhiều gia đình khi nghe người nhà đang đối diện.

Vừa phẫu thuật cắt ngón chân do tiểu đường được vài ngày, cô Quỳnh Thị Đậm (64 tuổi – Đồng Tháp) cho hay: “Gần 3 tháng trước, ngón chân cái của tôi tự nhiên sưng và chảy máu. Tôi mua thuốc đỏ về bôi cho nó khô lại, nhưng nó cứ sưng to hơn còn làm mủ nữa. Khi đó tôi ở một mình, có lần tôi mệt quá đang đi tự nhiên ngất xỉu. Tôi tỉnh lại ngồi thẫn thờ mấy tiếng đồng hồ mới đứng dậy được. Tôi ngất tới lần thứ 3 thì đứa cháu phát hiện lúc nhập viện. Bác sĩ nhìn thấy đã cho đi phẫu thuật cắt bỏ ngay, tránh vết hoại tử lan ra". Hiện cô vừa được phẫu thuật lần 2, tạo hình và khôi phục lại chi thể.

Gặp cô trong buổi sáng, cô xê mình lại gần cửa sổ để phơi nắng. Cô Đậm thẫn thờ nhìn qua cánh cửa chính, khung cảnh đối diện chỉ là phòng bệnh vừa dài vừa cao. Lâu lâu mới có người qua lại, cũng có một số bệnh nhân chống nạng tập đi. Cô Đậm đã ngồi ở đây hơn 1 tháng, bên chân vừa cắt bỏ xong khiến cô chỉ có thể sinh hoạt tại giường. Đã hơn 12 năm mắc căn bệnh tiểu đường, cô Đậm không ngờ rằng căn bệnh này suýt nữa làm mất hai bàn chân của cô.

Cô nghiêng bàn chân phải cho tôi xem, cô chỉ cho những vết sẹo mổ dài dọc theo lòng bàn chân như muốn truyền tải sự đáng sợ của bệnh tiểu đường với những người đang còn khỏe.

Người phụ nữ hơn 60 không cười cũng không nói gì nữa. Cô nhìn xuống bàn chân rồi nhìn qua bàn tay, cô cố cúi xuống để giấu đi những giọt nước mắt vừa rơi ra. Người chăm sóc được gia đình cô thuê đi từ ngoài vào, trên tay xách thêm mấy giỏ đồ hỏi lớn “Bà đói chưa bà?”.

Tới đây, cô Đ. mới nhìn lên, đôi mắt đỏ hoe như đang cố gắng đáp lại, cô nói nhỏ: “Tôi không đói”. Món ăn cô Đậm thích nhất là cá, nên trưa nay cô ăn món cơm với cá muối chiên. Tuy vậy, cô cũng chẳng buồn ăn dù đã hơn 12 giờ trưa.

Dẫm phải gai, có thể bị cưa chân

Cô Nguyễn Thị Phúc được đưa vào phòng phẫu thuật chân.
Bàn chân trái của cô Quỳnh Thị Đậm mất đi ngón chân cái do nhập viện trễ.

Tại phòng chờ phẫu thuật của khoa Ngoại chỉnh hình còn có cô Nguyễn Thị Phúc (55 tuổi – Bình Thuận). Cô phát hiện mình bị tiểu đường từ năm 2015. Vào bệnh viện 2 tháng nay, cô Phúc dẫm phải gai khi đang làm vườn. Hiện giờ chân của cô đang trong tình trạng sưng to, có mủ và nhiều phần thịt bị hoại tử.

Bác sĩ cho biết, trường hợp của cô Phúc được cấp cứu kịp thời nên bàn chân có thể giữ lại được. Nếu cấp cứu trễ hơn mấy ngày, chân của cô có thể cắt bỏ.

Nằm trên giường chờ phẫu thuật, cô nhìn lên trần nhà rồi lại nhìn con trai đang nói chuyện với bác sĩ. Khi được hỏi về căn bệnh tiểu đường, cô thở dài nói: “Lúc phát hiện ra bệnh tiểu đường là hồi năm 2018 tại Trung tâm y khoa Hòa Hảo. Trước đó, tôi bị sốt cao và nằm điều trị tại bệnh viện địa phương. Khi về nhà, tôi vẫn bị sốt cao nên đi Sài Gòn khám. Bác sĩ đo đường huyết và nói tôi bị tiểu đường.  Tôi biết bệnh tiểu đường có nhiều tác hại nguy hiểm nên tôi kỹ trong việc kiêng cữ, cũng bớt ăn tinh bột và đồ có đường. Từ năm đó tới giờ, mỗi ngày tôi đều uống thuốc theo đơn của bác sĩ, và đi khám thường xuyên”.

Nói chuyện với cô được gần 20 phút thì bác sĩ cho cô vào phòng mổ. Nhìn chiếc giường được đẩy vào căn phòng màu trắng rồi đóng kín cửa lại, anh T.V.A, con trai cô Phúc lặng lẽ ôm chặt chiếc gối xanh ra ngoài ghế chờ. Ca phẫu thuật kéo dài hơn 1 tiếng, anh A ngồi ngoài phòng chờ, tay vẫn ôm chiếc gối màu xanh dùng kê chân cho mẹ.

Anh ngồi bất động, mắt hướng theo bức tường trắng - nơi mẹ anh vừa được đẩy vào phòng mổ. Trên băng ngồi chờ, không chỉ có tiếng thở dài của anh. Ca phẫu thuật đã xong, cô Phúc được đưa về phòng bệnh để điều trị và theo dõi.

Bác sĩ Nguyễn Văn Nhiệm - Trưởng khoa Ngoại chỉnh hình, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp cho biết: “Trường hợp của cô Phúc, khi mổ chúng tôi thấy chân bị hoại tử rất nhiều, loét ăn sâu vào trong các ngóc ngách của bàn chân. Nguyên nhân là do thiếu máu nuôi dẫn đến chuyển dưỡng các mô, cơ, gân gây hoại tử và làm mủ. Chúng tôi đã cắt lọc sạch sẽ, rửa nhiều lần bằng nước muối sinh lý, và khâu lại vết thương. Sau đó, bệnh nhân được đặt máy VAC súc rửa, hút mủ và máu bằng áp lực âm. Chờ khi mô ở vết thương lên đầy, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật lần 2 để tạo hình và phục hồi lại chi thể”.

Anh T.V.A. xin phép bác sĩ cho mẹ mình ở lại bệnh viện điều trị lâu hơn. Vì lý do ở nhà không chăm sóc được tốt, sợ nhiễm trùng lại.

Nỗi lo của anh A. cũng là nỗi lo chung của nhiều người nhà bệnh nhân tiểu đường. Họ không phải vì không chăm sóc tốt mà vì họ không đủ kiến thức đề chăm sóc một bệnh nhân tiểu đường. Riêng chế độ ăn mỗi ngày đã là một thử thách cho họ, chưa kể đến nhiều kiêng cữ khác nữa. Việc để bệnh nhân tiểu đường cho bệnh viện chăm sóc là giải pháp an toàn nhất dành cho họ. 

Bác sĩ Ck2 Phan Nhật Khánh - Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Phục hồi chức năng – Điều trị bệnh nghề nghiệp cảnh tỉnh: “Bệnh đái tháo đường là bệnh mạn tính, điều trị lâu dài. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường có nhiều bệnh khác đi kèm, gây khó khăn cho việc theo dõi và điều trị. Việc dùng thuốc điều trị đái tháo đường cần mức độ tuân thủ điều trị rất cao, đúng giờ, đúng liều, đều đặn.

Ngoài ra, điều trị đái tháo đường là điều trị toàn diện, không chỉ bao gồm việc dùng thuốc. Người bệnh còn cần phải tuân thủ chế độ dinh dưỡng, vận động phù hợp với bệnh đái tháo đường”.

Bệnh nhân tiểu đường phải làm theo đúng những chỉ định của bác sĩ thì việc điều trị bệnh mới có thể có kết quả tốt. Một số bệnh nhân điều trị tại nhà, do hiểu biết chưa nhiều về bệnh tiểu đường nên dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như phải cắt bỏ chân cao dần, thậm chí tử vong do biến chứng tiểu đường.

Đinh Tiên

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(3)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI