Tiết lộ mới: Ông nội Trump từng bị trục xuất khỏi quê hương

22/11/2016 - 09:36

PNO - Một lá thư viết tay cũ từ cách đây một thế kỷ do ông nội của Donald Trump viết mới đây được tiết lộ cho thấy ông từng nhận lệnh trục xuất tại Đức và phải xin chính phủ cho phép ở lại.

Bức thư do ông Friedrich Trump viết vào năm 1905 và vừa được tìm lại bởi một nhà sử học Đức trong tuần này. Bức thư này đã từng được chuyển tới tay Hoàng tử Luitpold của Bavaria với nội dung xin được ở lại quê hương cùng với vợ của mình sau khi ông rời đất nước đi một cách bất hợp pháp vì chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự bắt buộc.

Tiet lo moi: Ong noi Trump tung bi truc xuat khoi que huong
Ông bà nội của Tổng thống tân cử Donald Trump.
Tiet lo moi: Ong noi Trump tung bi truc xuat khoi que huong
Bức thư của ông nội Trump mới đây đã được tiết lộ.

Nguồn gốc nhập cư của tổng thống tân cử

Ông nội của tổng thống tân cử Donald Trump là người nhập cư gốc Đức đã tới Mỹ trong tình trạng “không xu dính túi” và nhanh chóng thành công nhờ làm việc chăm chỉ, tận dụng các mánh khóe kinh doanh sắc sảo và cơ hội.

Ông Friedrich Trump, tới Mỹ vào năm 1885. Cậu bé 16 tuổi đến từ Kallstadt, một ngôi làng thuộc Rhineland-Palatinate – vùng đất nổi tiếng với rượu và dạ dày lợn. Sau vài năm làm việc tại một tiệm cắt tóc ở New York, ông tiến về miền Tây và mở nhà hàng tại một thị trấn mỏ nằm ở bang Washington state, nơi những người công nhân được tiếp đãi với những bữa ăn thịnh soạn, rượu và những cuộc hẹn hò bí mật với phụ nữ.

Tiet lo moi: Ong noi Trump tung bi truc xuat khoi que huong
Fred C. Trump, cha của ông Trump.

Sau khi tích lũy tiền bạc, Friedrich quay trở lại Kallstadt, Đức để kết hôn với cô gái hàng xóm Elisabeth Christ và cả hai cùng tới Mỹ. Tuy nhiên họ sớm quay trở lại Đức vì Elisabeth quá nhớ nhà. Chính quyền từ chối cho họ hồi hương vì Friedrich – lúc đó đã là một công dân Mỹ - đã trốn tránh nghĩa vụ quân sự. Năm 1905 con trai cả của họ là Fred chào đời ở New York.

Khi Fred Trump 11 tuổi, Mỹ bước vào chiến tranh thế giới thứ nhất và sau đó là một thời kỳ dài phong trào chống Đức lên cao. Những cuốn sách tiếng Đức bị đốt bỏ, món dưa bắp cải vốn có tên tiếng Đức là sauerkraut bị đổi tên thành “bắp cải tự do” và món xúc xích Đức frankfurters cũng đổi tên thành “hot dogs”.

Friedrich qua đời năm 1918 vì bệnh cúm Tây Ban Nha, khi mới chỉ 49 tuổi và để lại cho vợ con một chút tiền. Họ đã sử dụng số tiền này để thành lập công ty Trump & Son và đầu tư vào bất động sản. Sau khi tốt nghiệp trung học năm 1923, Fred bắt đầu làm việc toàn thời gian trong ngành xây dựng. 

Ông nhanh chóng nhận ra rằng gốc gác Đức có thể trở thành một rào cản và đã giả vờ rằng bố mẹ mình là người Thụy Điển mặc dù tiếng Anh của mẹ ông mang nặng ngữ điệu Đức.

Tiet lo moi: Ong noi Trump tung bi truc xuat khoi que huong
Ông Trump có nguồn gốc là người nhập cư từ Đức

Donald là người con mà Fred Trump quý mến nhất và cũng là người đã tiếp nối cơ nghiệp kinh doanh của ông. “Fred đã dạy Donald rất nhiều và ông ấy là một học trò xuất sắc”, Gwenda Blair – tác giả cuốn sách viết về ba đời nhà Trump – nói.

Một phần thành công của Donald Trump trong việc kinh doanh bất động sản và sòng bạc đến từ những hiểu biết từ rất sớm về sức mạnh của thương hiệu. Trên các tòa nhà thường xuyên xuất hiện biển hiệu lớn gắn chữ “Trump” vì từ này thể hiện sự thành công và may mắn. 

Tuy nhiên, giống như cha của mình, khi còn tranh cử, ông nghĩ rằng gốc Đức sẽ khiến ông không có nhiều người ủng hộ. Ông đắm chìm trong câu chuyện của người cha Fred và đã viết trong cuốn tự truyện “Trump: The Art of the Deal” (tạm dịch: Trump – Nghệ thuật giao dịch) rằng bố mẹ ông có gốc Thụy Điển.

Nhà Trump là điển hình cho những người Mỹ gốc Đức – nhóm thiểu số đông dân nhất ở Mỹ - đang cố gắng chôn giấu gốc gác. Dẫu vậy Donald Trump đôi lúc đã làm khác. 

Cách đây một vài năm, Simone Wendel, một nhà làm phim đến từ Kallstadt, đã tới thăm ông tại tòa tháp Trump để làm một bộ phim tài liệu về ngôi làng 1.200 dân Kallstadt. Ngoài nhà Trump, đây còn là quê hương của gia tộc đã thành lập nên Heinz – đế chế nước sốt hùng mạnh. 

Wedel nhớ lại đầu tiên Donald Trump khá dè dặt nhưng sau đó đã rất cởi mở khi bà cho ông xem những bức ảnh về ngôi nhà của tổ tiên. “Tôi yêu Kallstadt,” Trump nói trong bộ phim tài liệu.

Có lẽ trong con người Donald Trump có nhiều chất Kallstadt hơn ông nghĩ. Dân làng Kallstadt còn được biết đến với tên gọi trìu mến Brulljesmacher, trong tiếng lóng có nghĩa là những người thích khoe khoang. 

Ông Trump cũng không phải là ông chủ Nhà Trắng gốc Đức đầu tiên. Tổ tiên của Dwight Eisenhower có họ gốc là Eisenhauer và đến từ Karlsbrunn, vùng đất nằm gần biên giới giữa Đức và Pháp. Herbert Hoover có họ gốc là Huber và đến từ Baden, vùng đất phía Nam nước Đức. Cả hai đều đã đổi họ, nhưng ít ra mọi thứ không đi quá xa như nhà Trump.

Minh Đức

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI