Tiếng hát Phi Nhung qua những nhạc phẩm đong đầy cảm xúc

28/09/2021 - 21:03

PNO - Nếu sự thành công của một ca sĩ được tính bằng số lượng nhạc phẩm đã "neo" lại nơi khán giả, thì ca sĩ Phi Nhung là một trong những giọng ca thành công và hạnh phúc nhất.

Ca sĩ Phi Nhung qua đời trong niềm tiếc thương vô vàn từ gia đình, đồng nghiệp, bạn bè và những khán giả đã yêu mến tiếng hát của cô. Cuối cùng thì "bậu" cũng đã "sang sông" - về nơi cát bụi, nhưng giọng hát đó, những khúc ca đã từng được yêu mến đó của nữ ca sĩ sẽ mãi còn lại.

Trong sự nghiệp, ca sĩ Phi Nhung gây thương nhớ với khán giả ở nhiều thể loại âm nhạc. Ngoài đơn ca, nữ ca sĩ kết hợp cùng nhiều ca sĩ khác tạo nên những phần trình diễn đáng nhớ, gắn liền với khán giả nhiều thế hệ.

Sông quê - nhạc phẩm làm nên hiện tượng

Năm 1989, ca sĩ Phi Nhung có cơ hội sang Mỹ theo diện con lai. Tại nơi đất khách, cô gặp được ca sĩ Trizzie Phương Trinh ở một buổi biểu diễn từ thiện. Nhận thấy tài năng của Phi Nhung, ca sĩ Trizzie khuyên Phi Nhung nên theo đuổi nghiệp ca hát. Vốn ước mơ được làm ca sĩ từ ngày thơ bé, ca sĩ Phi Nhung nghe lời khuyên của đàn chị và bắt đầu tháng ngày tìm kiếm sân khấu.

Thời điểm này, Phi Nhung có dịp song ca cùng ca sĩ Thái Châu nhạc phẩm Sông quê. Giai điệu dễ cảm, ca từ giàu chất tự sự qua giọng hát ấn tượng của hai ca sĩ càng giúp nhạc phẩm trở nên tình hơn, làm nên hiện tượng trong làng nhạc, đưa tên tuổi cả hai đến gần hơn với khán giả.

 

Nhớ mẹ lý mồ côi và chuyện đời thương cảm

Thời thơ ấu, ca sĩ Phi Nhung không được sống gần mẹ, phải nương nhờ nhà người thân. Đến năm lên 10 tuổi, cô được đoàn tụ với mẹ và cha dượng nhưng không lâu sau, mẹ cô qua đời vì tai nạn, cha dượng cưới vợ khác. Nữ ca sĩ phải thay mẹ nuôi em dù tuổi đời còn quá nhỏ. Nhạc sĩ Trương Quang Tuấn viết nên những ca từ xúc động trong nhạc phẩm Nhớ mẹ lý mồ côi, một phần cảm xúc được lấy cảm hứng từ câu chuyện đời của ca sĩ Phi Nhung.

 

Nếu chúng mình cách trở và "người tình" âm nhạc Mạnh Quỳnh

Ca sĩ Phi Nhung từng kết hợp với nhiều giọng ca nam nhưng thành công nhất phải kể đến ca sĩ Mạnh Quỳnh. Cả hai từng hợp tác thể hiện nhiều nhạc phẩm như Phận gái thuyền quyên, Lý chim quyên, Hai đứa giận nhau, Nếu chúng mình cách trở, Lại nhớ người yêu, Giã từ thế kỷ, tân cổ Đoạn cuối tình yêu, Dù anh nghèo... Trong đó, tân cổ Nếu chúng mình cách trở là nhạc phẩm hợp tác được yêu mến.  

 

Trở lại Bạc Liêu và duyên nợ với cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển

Trong lần chia sẻ với Báo Phụ Nữ TPHCM, ca sĩ Phi Nhung nói cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển là một trong những người ơn của cô trong ngày đầu lập nghiệp. Thời điểm bắt đầu được biết đến nhiều hơn, nữ ca sĩ không có nhiều ca khúc riêng ngoài Phải lòng con gái Bến Tre và Lý con sáo Bạc Liêu của nhạc sĩ Phan Ni Tấn.

 

Cô từng tìm gặp nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển, nhạc sĩ Thanh Sơn, Bắc Sơn để nhờ các nhạc sĩ sáng tác nhạc phẩm phù hợp với chất giọng và nét riêng để khán giả nhớ đến. "Nghe được câu chuyện, nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển viết tặng tôi bài Trở lại Bạc Liêu. Chú không chỉ tặng mà còn tập cho tôi ca, tập cách luyến láy. Khi nào đưa bài, chú cũng dặn tôi phải hát chậm rãi, rõ ràng từng chữ vì chú gửi gắm vào mỗi câu hát ý tứ sâu xa nên muốn tôi tập trung, nâng niu khi thể hiện", nữ ca sĩ chia sẻ.

Năm 1997, khi siêu bão Linda đổ bộ vào Việt Nam, Phi Nhung tận mắt chứng kiến những hình ảnh tang thương do ảnh hưởng của bão tại các tỉnh miền Tây. Khi nữ ca sĩ kể lại câu chuyện nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển thì hôm sau, ông đưa bài hát Mẹ Cửu Long và hướng dẫn cô hát.

Ca khúc Bông điên điển

Trong chương trình Ký ức vui vẻ, ca sĩ Phi Nhung từng chia sẻ về ca khúc Bông điên điển. Cô nói khi thể hiện ca khúc, gặp nhiều khó khăn vì bản thân là người miền Trung, không thật hiểu về loài hoa sống nhiều ở miền Tây. Khi đi hát, nhiều khán giả hỏi về bông điên điển, ca sĩ Phi Nhung chỉ biết cười trừ vì lâu nay, cô cứ nghĩ điên điển là dâm bụt. Mãi đến sau này khi về miền Tây diễn nhiều hơn, cô mới biết đến loài hoa màu vàng, sống gần kênh rạch, bờ sông. 

Bông điên điển được ca sĩ Phi Nhung hát lần đầu vào năm 2000 và nhanh chóng được khán giả yêu thích.

 

Phải lòng con gái Bến Tre là một trong những nhạc phẩm ấn tượng nhất trong sự nghiệp của ca sĩ Phi Nhung:

 

Ca khúc Chiều lên bản thượng được Phi Nhung thể hiện tại một sự kiện ở Bắc Ninh:

MV Bỏ quê qua giọng hát của Phi Nhung và Hồ Văn Cường:

 

 

Ca khúc Trách ai vô tình:

 

Ca khúc Bậu ơi đừng khóc là một trong những ca khúc ra mắt thời gian gần đây của Phi Nhung, do nhạc sĩ trẻ Hamlet Trương sáng tác:

 

Nghe lời khuyên theo nghiệp ca hát của ca sĩ Trizzie Phương Trinh, Phi Nhung miệt mài cố gắng. Đến năm 1998, khoảng gần 10 năm sau khi bắt đầu, cô lọt vào danh sách những ca sĩ sở hữu nhiều album và doanh số bán chạy tốp đầu.

Năm 2002, Phi Nhung về nước, năm 2005 trở thành ca sĩ độc quyền của trung tâm băng nhạc Rạng Đông. Cô thường xuyên đi về giữa 2 quốc gia để thuận tiện cho việc tham gia các hoạt động nghệ thuật và thăm con gái ruột Wendy Phạm bên Mỹ cũng như đồng hành cùng các con nuôi tại Việt Nam. 

Minh Tú

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI