Thuyền du lịch sông Hương trước nguy cơ “nằm chơi”

23/08/2013 - 22:09

PNO - PNO - Theo thông tin từ Phòng CSGT đường thủy tỉnh Thừa Thiên-Huế, đến ngày 23/8 đã có 100 thuyền ca Huế hết hạn đăng kiểm. Nguy cơ hàng loạt thuyền du lịch sông Hương (TDLSH) sẽ không đăng kiểm và không được cấp giấy phép hoạt...

Thuyen du lich song Huong truoc nguy co “nam choi”

Nếu không có giải pháp, thuyền du lịch trên sông Hương sẽ "nằm chơi" hàng loạt

Hiện tại, đã có trên dưới 30% TDLSH đã hết hạn đăng kiểm. Với đà này, đến tháng 11/2013 tới đây, 100% TDLSH sẽ hết hạn đăng kiểm và sẽ không có giấy phép hoạt động. Ông Nguyễn Cửu Thắng, Trưởng Phòng Vận tải Sở GTVT Thừa Thiên-Huế cho biết: "Ngay sau khi có quy chuẩn mới về đăng kiểm thủy nội địa, chúng tôi đã quán triệt đến các chủ phương tiện; vận động đầu tư xây dựng bãi đà để kéo thuyền lên đăng kiểm. Hiện tại đã có một bãi đà ở Thuận An nhưng các chủ thuyền vẫn không chịu đưa thuyền về để kiểm tra".

Nhiều chủ TDLSH cho rằng, TDLSH được hình thành bằng kinh nghiệm dân gian, căn cứ đặc điểm sông nước của sông Hương nhưng vẫn rất chắc chắn; hàng chục năm qua chưa xảy ra sự cố nào do yếu tố kỹ thuật và đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm định, cấp phép hoạt động hàng năm. Nay phải kéo thuyền lên bờ để kiểm tra phần đáy mới cấp phép hoạt động là quá bất tiện. Đa phần TDLSH có kết cấu bằng lắp ghép 2 thuyền đơn, phần bên trên có kết cấu đà dọc, đà ngang, khung nhà rường, ổn định an toàn trên mặt nước. Song khi đưa lên cạn thì sẽ bị hư hỏng, bởi trên nặng, dưới nhẹ. Mà giá trị của mỗi TDLSH cả tỷ đồng. Ông T.Đ.T chủ thuyền 0013 tâm sự: “TDLSH từ lâu đã gắn bó với cảnh quan, sông nước sông Hương. Đưa đón khách du lịch, tạo công ăn việc làm cho nhiều nghệ sỹ, người dân, đã góp phần không nhỏ trong phát triển du lịch tại địa phương. Rất mong Cục Đăng kiểm Việt Nam và các ban ngành liên quan, các chủ phương tiện... tìm một giải pháp tối ưu, hợp tình, hợp lý để TDLSH vẫn hoạt động an toàn, hiệu quả”.

Ông Phan Minh, Công ty TNHH Nhật Minh cho rằng, mục đích kéo thuyền lên đà cạn là để kiểm tra phần đáy thuyền có bị rò rỉ, xuống cấp hay không. Công đoạn này chỉ phù hợp với tàu có 2 lớp vỏ, hoạt động trong môi trường nước có chất rò rỉ cao. Nhưng TDLSH có cấu tạo chỉ 1 lớp vỏ bằng hợp kim nhôm dày 5mm, bên trong khoang thuyền rỗng, được liên kết bằng đà dọc, đà ngang hình xương cá nên có thể kiểm tra phần đáy thuyền và hiện trạng an toàn kỹ thuật từ trên mặt nước vẫn chính xác, không nhất thiết phải kéo lên đà cạn...

Trong khi đó, không ít chủ phương tiện vẫn đưa phương tiện đã hết hạn kiểm định ATKT ra hoạt động.

Thượng tá Nguyễn Tân - Phó trưởng Phòng Cảnh sát Đường thủy (CSĐT) Thừa Thiên - Huế cho biết, trên tuyến sông Hương hiện có 133 phương tiện thường xuyên tham gia vận chuyển khách du lịch, trong đó có 52 thuyền đôi và 81 thuyền đơn. Trong tháng 5/2013, đã có 17 chiếc hết hiệu lực giấy chứng nhận An toàn kỹ thuât và bảo vệ môi trường (ATKT&BVMT), tháng 6/2013 có 40 chiếc, tháng 7/2013 có 56 chiếc và tháng 8/2013 sẽ có 74 chiếc hết hạn kiểm định. Điều đáng nói nữa là hướng dẫn của các cơ quan trên địa bàn tỉnh cũng thiếu thống nhất.

Ngày 26/4/2013, Sở GTVT có công văn gửi Công an tỉnh đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện trong thời gian chờ đợi lên đà để kiểm tra, không xử phạt các doanh nghiệp được Phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện (Sở GTVT) gia hạn. Tuy nhiên, do thời gian gia hạn không được thể hiện trên giấy chứng nhận ATKT và BVMT nên Công an tỉnh chỉ đạo Phòng Cảnh sát đường thủy (CSĐT) không thực hiện theo yêu cầu của Sở GTVT. Các tàu, thuyền không đủ giấy tờ theo quy định đều bị xử lý…Thời gian qua, Phòng CSĐT đã tuyên truyền và yêu cầu các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận chuyển khách du lịch trên sông Hương cam kết không đưa phương tiện hết hạn kiểm định ra hoạt động. Lực lượng CSĐT đã kiểm tra, lập biên bản xử lý và đình chỉ hoạt động 13 phương tiện, hiện vẫn tiếp tục triển khai.

Do kinh phí cho mỗi lần kiểm định kỹ thuật quá cao, đến nay vẫn còn một số thuyền du lịch hoạt động chui và các chủ thuyền không chịu đưa lên đà để kiểm tra. Theo ông Nguyễn Văn Phụ, Trưởng Ban kiểm tra Hợp tác xã vận tải đường sông thành phố Huế, kinh phí nâng thuyền lên đà kiểm tra từ 5 đến 6 triệu đồng/ thuyền một lần là quá cao. Vì vậy, hợp tác xã đã hợp đồng một đơn vị khác ở tỉnh Quảng Trị, với giá hơn 2 triệu đồng/chiếc, để thực hiện nâng cho 82 thuyền du lịch của đơn vị. Giải pháp này lại vấp phải khó khăn trong khâu làm thủ tục với Sở Giao thông Vận tải. "Công an đã lập biên bản phạt 20 thuyền vì trong thời gian quá 2 đến 3 tháng mà không đăng kiểm được. Chúng tôi đã hợp đồng với đơn vị trục vớt để nâng thuyền khám định kỳ theo chủ trương của Sở. Hiện nay, phòng đăng kiểm của Sở chậm hỗ trợ cho đơn vị chúng tôi kiểm định các thuyền hết hạn, làm ảnh hưởng hoạt động phục vụ khách du lịch", ông Nguyễn Văn Phụ cho biết thêm.

Mới đây trong một lần kiểm tra TDLSH, Ông Hồ Xuân Phương, Trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường thủy, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã khẳng định: Nếu phát hiện thuyền không có chứng nhận an toàn kỹ thuật, không có giấy phép hoạt động của đăng kiểm thì đơn vị xử phạt theo quy định. "Phương tiện muốn lưu hành thì phải đăng kiểm, không đăng kiểm thì không được phép lưu hành. Chúng tôi kiểm tra xử lý nghiêm, không vì một lý do gì mà có một hoặc hai phương tiện không có giấy phép mà vẫn lưu hành trên sông nước", ông Phương cho biết.

Nếu Sở GTVT không sớm có giải pháp vừa hỗ trợ người dân vừa không trái quy định pháp luật thì sắp tới tình hình phục vụ du khách trên sông Hương sẽ có nhiều diễn biến phức tạp. Thuyền không chạy thì gây khó cho việc phục vụ du khách, tiếp tục lưu thông thì nguy cơ tai nạn là hiện hữu. Và khi tai nạn xảy ra, trách nhiệm thuộc về ai?.

 

THUẬN HÓA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI