Thương nhau ngày gian khó - Bàn tay nắm lấy bàn tay

06/08/2021 - 13:23

PNO - “Tới công chuyện nữa rồi”, những comment như vậy trong các hội nhóm có thể khiến bạn vừa cười vừa theo dõi tiếp cái “công chuyện” đó là gì. Nhiều khi đây không còn là nghĩa than thở, cảm thán với tình hình xấu mà là để “mần công chuyện”, để làm một việc thực tế nào đó hay giúp đỡ một ai.

Chưa bao giờ các hội nhóm online phát triển mạnh mẽ với đầy tình đồng quận, đồng phường như lúc này. Vào các trang “Tôi là dân quận…”, bạn sẽ thấy đầy đủ tin tức về khu vực mình sống: hẻm nào phong tỏa, nơi nào đã hết giăng dây, cách đi chợ online hay liên lạc với các tiểu thương mua thức ăn khi chợ đóng cửa cho đến những văn bản tìm người từng đến các địa điểm có F0, F1 ghé lại - điều báo chí cập nhật không xuể. Tất tần tật những thứ bạn muốn tìm trong nhu cầu của mình đều được chia sẻ nếu bạn hỏi.

Cũng vậy, các nhóm Zalo tổ dân phố, Zalo chung cư… dù nhảy tin nhắn dài như sớ táo quân nhiều khi chỉ để hỏi nhau chỗ nào bán sả, gừng, chanh… rồi nhà nọ nói “tui còn dư nè để chuyển qua cho”, thậm chí chia sẻ những bài tập thể dục tăng cường sức khỏe tại nhà…

Thế giới mạng trở nên thực tế và bớt ảo hơn khi thành chỗ cho bao người giao tiếp, chia sẻ, làm việc nghĩa. Chưa bao giờ các số điện thoại cá nhân, địa chỉ lại được công khai như lúc này và người công khai cũng không còn lo “bị lộ danh tính”.

Cũng vậy, lên trang “Giúp nhau mùa dịch”, nhiều câu chuyện về sự khốc liệt của dịch bệnh được chính người trong cuộc kể, lắm lúc nghe nhói tim. Nhưng cũng chính ở đây, gần như mọi nhu cầu, mọi thắc mắc đều được giải đáp và chia sẻ, không người này thì người kia. Những lời cảm ơn chân thành, những nhắn nhủ để lại trong nhiều hoàn cảnh bi thương nhưng đã lạc quan hơn vì được giúp. Và người đọc cũng an lòng một chút khi biết người trong cuộc đó đã đủ mạnh mẽ để vượt qua những nỗi đau…

Thời gian này, hễ thấy Facebook của bạn bè mình vẫn cập nhật thường xuyên về cuộc sống là biết họ vẫn bình an. Ta biết bạn nào đang trong “vùng dịch” nhưng vẫn giữ vững tinh thần bằng việc mỗi ngày tưới cây, chơi với con, rủ bạn bè lên trang “Yêu bếp” để học nấu ăn. Ta thấy họ đầy năng lượng tích cực để truyền trao. Ở đó cũng có những bạn xông pha làm “đủ thứ công chuyện” như gửi thực phẩm cho bếp ăn nơi tuyến đầu; chia sẻ miếng bánh, chai nước, bao gạo… với người cùng khổ.

Chưa bao giờ nhiều số điện thoại cá nhân, nhiều địa chỉ lại được công khai như lúc này và người công khai cũng bỏ qua nỗi ngại ngần “bị lộ danh tính”
Chưa bao giờ nhiều số điện thoại cá nhân, nhiều địa chỉ lại được công khai như lúc này và người công khai cũng bỏ qua nỗi ngại ngần “bị lộ danh tính”

Nơi tôi ở may mắn vẫn đang trong vùng xanh. Song cách vài trăm mét, một trường THCS đã chuyển thành bệnh viện dã chiến cho các F0 có triệu chứng nhẹ. Hằng ngày, khi tiếng loa từ ngôi trường đó dội qua, người nghe cũng trong cảm xúc vô cùng kỳ lạ. Đó không còn là tiếng loa của thầy và trò mà là loa gọi tên bệnh nhân để chuyển họ lên tuyến trên vì trở nặng. Mỗi lần nghe loa, tôi lại một lần giật mình, chỉ biết cùng con trai gửi lời cầu nguyện, mong mọi người “bên đó” sớm được về nhà.

Điều mà cả mùa dịch này ai cũng nhận thấy rõ là lòng trắc ẩn của con người. Lòng trắc ẩn đã vượt lên, bao trùm và tạo ra bao điều đẹp đẽ. Nó khiến các câu chuyện (dù là trên mạng) vẫn trở nên thực tế, đáng đọc; những hình ảnh đáng xem và đáng khích lệ. Cả rừng cánh tay vẫn sẵn sàng đưa ra nắm lấy tay khi ai đó cần. Một ai đó vẫn sẵn sàng lao vào vùng dịch dù biết rõ gian nguy.

Như hôm rồi, đọc thông tin trên trang của dân quận mình về một cựu chiến binh sau hai tháng ròng không ngại nắng mưa sớm tối để đưa những bữa cơm đến cho người dân khu vực cách ly đã ra đi vì nhiễm đúng căn bệnh này; ai cũng chùng lòng, cảm thấy sự mất mát có thể rất gần bên cạnh. Vậy nhưng đâu đó, những tấm lòng vẫn tự mình thắp lửa, lan tỏa sự ấm áp giúp người khác vượt qua nỗi sợ hãi, mong đến ngày tất cả bình an. 

Minh Phúc

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI