Thương người giữ lửa ấm no

01/02/2022 - 06:39

PNO - Tôi như gặp lại mẹ mình từ 30, 40 năm trước qua giàn củi khô này. Mẹ tôi là “bộ trưởng bộ chất đốt”, có ba chìm bảy nổi hay hiện đại văn minh thế nào thì sứ mệnh thiêng liêng ấy dường như mẹ quyết phải làm cho trọn.

Để giống một bài báo xuân, lẽ ra tôi nên bắt đầu bằng câu Năm nào cũng vậy, khi nắng tháng Chạp đang lóng lánh trên cao và cây mai trước sân nhà bắt đầu đơm nụ

Tôi ước có thể mãi mãi viết những câu văn nhàm chán như thế, khi mẹ tôi bắt đầu những công việc mang tính báo hiệu của bà - những công việc cũng nhàm chán nốt, như phơi củ cải, phơi củi để chuẩn bị nấu bánh tét, nấu nồi thịt kho hột vịt, nồi chân giò hầm măng.

Trong trí nhớ của mình, những ngày tháng cận tết rộn vui ấy, ba tôi sẽ lau dọn bàn thờ, mẹ tôi tất bật trong bếp, chị em chúng tôi thì chạy nhảy lung tung…

mẹ đã dành quá nhiều thời gian và sức lực để duy trì ngọn lửa ấm ngọn lửa no cho gia đình - Ảnh: Chương Bùi
Mẹ đã dành thời gian và sức lực để duy trì ngọn lửa ấm ngọn lửa no cho gia đình - Ảnh: Chương Bùi

Đó là những thứ dường như bất biến, dường như cứ đến thời điểm ấy thì chúng ta sẽ xài lại những thước phim cũ, lồng lại nhạc phim cũng cũ và cả mũi của chúng ta, cũng hít thở mùi hương cũ, của pháo, của nhang, của khói bếp đang bảng lảng lưng trời.

Tôi nhớ năm ấy, chiều Ba mươi tết, ba chở về mấy chục chậu hoa cúc bày tràn sân nhà. Màu hoa tôi yêu thích từ nhỏ ở khắp nơi nhưng lòng mọi người dường như không phấn chấn. Năm đó cũng là năm tôi vào đại học, tôi đã nghĩ đó sẽ là cái tết đặc biệt nhất trong đời. Tuy nhiên, vì chu kỳ thịnh suy gì đó mà ba tôi không nắm bắt được, mùa hoa xuân của ông ế thê thảm.

Là người tưới tắm cho hoa mỗi ngày, ba tôi dĩ nhiên đâu thể vung roi vụt vào hoa những bực tức nhọc nhằn. Thôi thì hoa nở ở đâu cũng là hoa đẹp, hoa bán không được thì mình đem cho, cũng là một cách trang trí cho đời.

Một năm khác nữa, tôi cũng nghĩ đó sẽ là cái tết thật đặc biệt của mình - năm đầu tiên tôi ăn tết ở nhà chồng. Rồi khi sinh con, bồng con về nhà nội nó ăn tết, tôi cũng muốn khắc ghi một cái tết đặc biệt của đời mình, đời con…

Dăm lần đặc biệt, tôi thấy như mình già mất rồi. Những cái tết tưởng là đặc biệt, hóa ra cũng chỉ là mở đầu cho những chuỗi nhàm chán sau đó...

Nhưng năm nay, tôi ước mình có thể bắt đầu bằng một câu thật… kinh điển như ngay đầu bài đã ghi. Dù muốn dù không, chúng ta vẫn đang đón một cái tết đặc biệt hơn hết thảy. Sau quá nhiều mất mát, đau thương, ta đang đón một cái tết mà lời chúc “bình thường” lại quý hơn tấn tài tấn lộc, vạn sự như ý.

Chừng năm sáu tháng nay, chỉ cần nhắc tới hai chữ “còn sống” thì tôi lại muốn khóc quá chừng. Khóc vì hạnh phúc, vì xót đau, vì dây thần kinh dường như chạm ngưỡng. Trong những ngày căng thẳng nhất của dịch bệnh, khi có quá nhiều người chết vì COVID-19 thì gia đình tôi phát hiện mẹ có khối u trong não. Lúc ấy, dịch bệnh bất ngờ trở thành một cơn bão ngoài xa, bệnh của mẹ mới là cơn giông tố ngay trước mắt. 

Từ phòng hồi sức bước ra, bác sĩ thông báo ca phẫu thuật thành công. Nhưng trận chiến dường như lúc đó mới bắt đầu. Câu chuyện phục hồi sau phẫu thuật thật dài và đầy bất trắc. Ngày hai mẹ con được trở về nhà, lòng tôi vẫn còn nặng trĩu. COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Không dám nói ra nhưng thâm tâm tôi luôn chuẩn bị cho chuyến xe cấp cứu sắp tới của mẹ.

Suốt nhiều tháng liền, căn bếp của mẹ do tôi làm chủ. Cực nhọc ấy có hề chi nếu không kẹp thêm mối lo sợ rằng đây có thể sẽ là những ngày sau cùng mình nấu cơm cho mẹ ăn. Tôi sợ mình không thể trả lại căn bếp đầy kỷ niệm này cho bà. Cuộc sống bình thường của tôi chỉ có thể diễn ra khi ba mẹ khỏe mạnh, còn lại, tôi chấp hết! Và ơn trời phật, chậm thật chậm, ngày từng ngày, mẹ tôi ổn dần. 

Bữa đó tôi đang nấu nồi chè ăn xế, bếp hết gas. Ba tôi rị mọ bấm điện thoại để gọi một bình gas mới. Người ta nói chắc khoảng ba tiếng nữa mới giao được vì họ phải “chạy vượt rào” tức chạy vòng vòng để vượt qua các chốt kiểm dịch. Thôi thì chiều có gas sẽ nấu chè tiếp. Tôi vào phòng mình, ôm điện thoại rồi ngủ quên. Nửa tiếng sau, mẹ kêu tôi sang chè qua nồi khác, bắc lên bếp củi đi, mẹ đã nhóm lửa cháy rồi. Lửa bếp củi của mẹ đã cháy lại rồi. Khói bếp làm nước mắt tôi ràn rụa. 

Bưng mâm chè lên ăn với nhau, thấy hình như sóng gió qua rồi, ba tôi hiểu vì sao mắt tôi ướt nhòe nhưng vẫn pha trò, tại cái đứa làm biếng nhóm lửa mà có người nhóm sẵn cho nấu nên nó mừng nó khóc chớ gì.

Sau tết dương lịch đúng một tháng, chúng ta đón tết cổ truyền, như thể đất trời muốn thuận lòng người, nhanh chóng tổng kết năm. Qua đi, qua nhanh đi một năm tai ương và đau đớn! Tôi tém dẹp mọi thứ ở Sài Gòn để về quê ăn tết sớm. Mẹ tôi lúi húi rất xa ở sau vườn nhặt củi. Trong bếp xuất hiện một giàn củi tầm vông xếp đều tăm tắp. Mẹ tôi xếp củi đẹp như một quán cà phê nào đó ở Sài Gòn người ta trang trí cho khách check-in.

Tôi như gặp lại mẹ mình từ 30, 40 năm trước qua giàn củi khô này. Mẹ tôi là “bộ trưởng bộ chất đốt”, có ba chìm bảy nổi hay hiện đại văn minh thế nào thì sứ mệnh thiêng liêng ấy dường như mẹ quyết phải làm cho trọn.

Hồi chúng tôi còn nhỏ xíu, trưa trưa hai mẹ con thường tới lò đường để xin xác mía về phơi, rồi chặt từng đoạn ngắn bó lại để dành nhóm lửa. Cứ lót xác mía phía dưới rồi chất củi lên trên. Xác mía khô rất dễ cháy, khói bốc lên thơm đượm ngọt ngào.

Mùi của bếp thời ấy vì thơm nên ngon hay vì khi ấy tôi còn rất nhỏ, được ba mẹ thương yêu bảo bọc nên mùi gì nhớ lại cũng nghe dễ chịu.

Sau đó thì bắt đầu phong trào nấu cơm bằng vỏ trái cao su. Vỏ cao su bén lửa cũng nhanh, lửa cháy xịt xịt rất vui. Trong thùng vỏ thường sẽ còn sót một ít hạt cao su, mẹ lượm ra cho chúng tôi làm đồ chơi. Chúng tôi chơi đến khi chán thì nghĩ mình đã thành người lớn.

Giờ ngồi đây, nghĩ về những ngày xưa cũ cùng mẹ nấu cơm, tôi chợt nhận ra hình như mẹ đã dành quá nhiều thời gian và sức lực để duy trì ngọn lửa ấm ngọn lửa no cho gia đình. Mối lo củi lửa là mối lo thường trực, vất vả nhưng mà hình như vui. Vui như là hôm đó hai mẹ con tôi ngồi gỡ những vỏ trấu trên tóc cho nhau sau khi dồn được hai bao trấu to mà cô chủ nhà máy xay xát nói là không phải trả tiền.

Dĩ nhiên, nhà tôi đã từ lâu chuyển sang dùng bếp gas, nhưng không có nghĩa nhà không còn bếp củi. Bếp củi còn nguyên đó cho giỗ quải và tết nhất. Bếp củi còn nguyên đó vì mẹ tôi vẫn còn trên thế gian này. Không còn bếp củi, thì “bộ trưởng bộ chất đốt” nhà tôi thất nghiệp à.

Suốt một năm qua, khi bài học vô thường hiển hiện rõ nét hơn bao giờ hết, cả thế giới buộc phải quay về sống trong tầng sâu của tâm thức, có lẽ, những tín hiệu mùa xuân của mọi người đã khác.

Riêng với tôi, tín hiệu mùa xuân rạng rỡ nhất mà gia đình tôi có được để đón một cái tết ấm áp, sum vầy và bình thường nhất từ trước tới nay chắc chắn là chuyện mẹ tôi đi ra sau vườn mót củi. Cầu mong mẹ tiếp tục là người duy trì ngọn lửa ấm lửa no, không phải vì người giao gas phải chạy vượt rào quá lâu, mà đơn giản là chúng tôi thương mẹ rất nhiều. 

Trương Gia Hòa 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI