Ăn riết rồi khổ sẽ qua

26/01/2022 - 06:53

PNO - Ở miền Tây, tết nhà nào cũng phải có nồi khổ qua hầm, mong cầu khổ qua rồi, năm mới sẽ là một năm vui vẻ, làm đâu trúng đó. Có lần tôi hỏi cắc cớ: “Năm nào cuối năm cũng ăn canh khổ qua, sao nhà mình khổ còn nguyên, qua hồi nào đâu má?”.

 


Má bảo tôi đừng nói vậy ông bà quở. Ăn riết rồi chắc khổ cũng qua… Ánh mắt xa xăm chiều cuối năm bên nồi khổ qua hầm của má, nhiều năm sau này tôi mới hiểu. Ngóng vọng vậy thôi, khi nào hết khổ sao mà biết, nhưng niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng chưa bao giờ nguôi tắt trong má, và cả trong tôi những năm tháng đã lớn khôn.

Hồi đó nhà tôi nghèo nên món khổ qua của má chỉ hầm với cá tạp. Đó là cá sặc, lòng tong, cá rầm… mấy thứ cá nhỏ xíu ba tát được trong mương vườn nhà. Má làm sạch cá, để ráo nước rồi bằm nhuyễn, thêm gia vị, tiêu, hành, ngò… Má nhồi đến khi cá dẻo quánh thì dồn vào trái khổ qua. Đun liu riu trên bếp đến khi khổ qua mềm rục.

Mấy năm sau này có tiền hơn một chút, má mua thịt về bằm chung với cá. Chao ôi là ngon. Mâm cơm tất niên có món khổ qua hầm là đứa nào cũng ăn no căng bụng. Trái khổ qua xanh mà mềm, miếng cá trộn thịt thì dai, ngọt. Gắp khoanh khổ qua dồn thịt, chấm nước mắm dầm ớt, vị mặn đắng cay nồng quyện vào nhau, ngon tới quên trời quên đất. 

Đám con háu đói, đua nhau chan chan gắp gắp. Ba má thì nhường phần nhân có thịt cho con, chỉ ăn khổ qua. Tôi nói: “Khổ qua đắng, sao ba má ăn hoài?”. Ba cười: “Khổ qua ngon mà con, đắng đắng dễ ăn”. Sau này làm mẹ, tôi cũng gắp phần ruột cho con, giành ăn cái vỏ khổ qua, cũng nói với cu Bo “đắng đắng mà ngon” rồi chợt rưng rưng, nhớ câu ba nói năm nào. Thì ra cha mẹ nào cũng vậy, cũng nhường miếng ngon, nhường đường bằng phẳng cho con, giành lấy đắng cay, khó nhọc về mình…

Nhớ hồi tôi mới lấy chồng, gần tết mới luýnh quýnh gọi về hỏi má cách hầm khổ qua. Má cảm thán: “Con gái về nhà chồng mới biết lo. Trước giờ ở với má thì không thèm để ý gì”. Rồi má dạy tôi muốn ít đắng thì phải chọn khổ qua trái to, bụng phình, gai nở, đừng chọn trái non quá. Khổ qua phải luộc sơ với ít muối và đường mới giữ được màu xanh. Thịt dồn khổ qua phải chọn thịt vai, có nạc có mỡ mới không bị khô. Trộn nửa phần thịt với nửa phần cá thác lác là ngon nhất, vừa ngọt vừa dai…

Tết năm đó, tôi hầm nồi khổ qua xanh mướt, ngọt lừ. Má chồng tủm tỉm khen: “Chị sui thiệt khéo dạy”. Tôi bùi ngùi, nồi canh đầu tiên tôi nấu không phải trong bếp nhà má, không phải dành cho má. Đứa con nào cũng vậy, bay cao bay xa mới nghĩ thương má, thương cái bếp nhà mình. Bao món ngon má nấu đã nuôi ước mơ tôi về một căn bếp ấm, trọn vẹn đủ đầy khi chăm chút từng món ngon cho chồng con.

Từng ngày, từng chút một, má gieo hạt mầm yêu thương để tôi lớn lên, gặt lấy quả ngọt trong bếp nhà mình. Chiều cuối năm khoe khéo nồi khổ qua với má chồng, chợt ngậm ngùi thương, chỉ muốn bay về bên má. Giờ này, chắc má đang dạy em dâu hầm khổ qua. 

 Đỗ Minh Thùy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI