Thuốc trừ sâu và gạo giá rẻ

11/09/2017 - 13:00

PNO - Ngành gạo Việt Nam đã từng chọn phân khúc giá rẻ để làm gạo xuất khẩu, nhưng thị trường giá rẻ kéo theo cách sử dụng hóa chất để đạt sản lượng cao bằng mọi cách, lấy sản lượng bù đơn giá thấp… đã phải trả giá.

Chính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hóa chất khiến doanh nghiệp làm gạo xuất khẩu càng khó tìm thị trường hơn.

Từ năm 2000, Việt Nam có tới 300 công ty kinh doanh thuốc BVTV. Đến năm 2016, có 1.733 hoạt chất với 3.916 tên thương mại được cấp phép; Hoạt chất sử dụng trong nông nghiệp là 1.683 với 3.854 tên thương mại. Nhiều loại hoạt chất 2,4D, Paraquat, Carbendazim, Benomyl, Thiophanate-methyl dù bị cấm vào năm 2017, nhưng cần là có.

Việc kiểm soát nông dược có vẻ như “bất khả thi” khi làn sóng thuốc BVTV tiểu ngạch từ Trung Quốc tràn vào. Nạn thuốc giả, kém phẩm chất cũng tràn lan rồi nông dân tự phối trộn nhiều hoạt chất phun xịt lên cây trồng… những việc làm này đều để lại di họa khó lường!

Thuoc tru sau va gao gia re
Thị trường gạo giá rẻ đang thu hẹp dần, do đó, người trồng lúa và cả những doanh nghiệp làm gạo xuất khẩu cũng phải thay đổi. Ảnh minh họa.

Tình hình có vẻ chưa chấm dứt khi theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chỉ 8 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu 660 triệu USD (hơn 15.000 tỷ đồng) thuốc trừ sâu và nguyên liệu, tăng gần 47% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Đỗ Kim Lang, Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, thừa nhận: “Hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại do chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn chất lượng và kỹ thuật của các thị trường nhập khẩu”.

Trong bối cảnh xuất khẩu ngày càng khó, doanh nghiệp Việt Nam mới trúng thầu cung cấp 175.000 tấn gạo cho Philippines  là tin mừng, nhưng một lần nữa lại là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chất lượng gạo Việt Nam.

Lý do, mức giá trúng thầu cũng chỉ khoảng 451 USD/tấn, thấp hơn so nhiều loại gạo ngon, sản xuất sạch bán trong nước với giá 1 USD/1kg. Không chỉ thiệt thòi về giá, Tiến sĩ Phạm Văn Tấn, chuyên gia Việt Nam tại các nước châu Phi, còn nói rằng các nước châu Phi và nhiều nước từng nhập gạo của Việt Nam đang cố gắng tự túc lương thực.

Thị trường gạo giá rẻ đang thu hẹp dần. Do đó, người trồng lúa và cả những doanh nghiệp làm gạo xuất khẩu cũng phải thay đổi. Ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng dự án EU-MUTRAP nói: “Người tiêu dùng EU sẵn sàng trả giá cao gấp nhiều lần để có được sản phẩm tốt, thân thiện môi trường”. 

Hiện nay, số lượng các công ty chuyển hướng làm gạo theo hướng gạo an toàn và chú trọng giá trị gia tăng chỉ đếm được trên đầu ngón tay, như Viễn Phú Green Farm, tập đoàn Lộc Trời, Eco Tiger, ADC, Cty Trung An, Gentraco…

Dù là những nỗ lực riêng lẻ nhưng các doanh nghiệp này đã tạo tín hiệu mới trên thị trường. Song để phát triển hơn, Nhà nước cần có nhiều chính sách mới thúc đẩy hơn nữa, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất.

Trên con đường đổi mới xuất khẩu gạo, ông Claudio Dordi cảnh báo bằng một ví dụ: “Có tới 99% cà phê mà người châu Âu đang dùng đến từ Việt Nam, nhưng khi hỏi Việt Nam thì không ai biết vì người  bán nói đó là từ châu Phi. Hải sản, thủy sản cũng tương tự. Nếu không có sự tương tác với người tiêu dùng thì đó là trục trặc lớn”.

Ông Claudio Dordi nhận xét về điều này, Việt Nam đã tụt quá xa so với Thái Lan, thậm chí cả Campuchia. Việt Nam cần có các tiêu chuẩn mới, cách làm mới để tiếp cận với người tiêu dùng thế giới.

Việt Nam được xác định là quốc gia chịu biến đổi khí hậu nặng nề. Chi phí và lợi ích khi tổ chức sản xuất thích ứng với những biến đổi khắc nghiệt trong ngành trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản luôn là thử thách với ngành nông nghiệp. Nếu tiếp tục chiến lược giá rẻ trong khi chi phí, vốn liếng, công sức bỏ ra quá lớn thì gánh nặng càng oằn lưng người trồng lúa. 

Vân Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI