Phố lồng đèn đã mở

10/09/2017 - 07:36

PNO - Những ngày giữa tháng 7 âm lịch, phố lồng đèn đoạn Lương Nhữ Học (quận 5, TP.HCM) đã nhuộm sắc đỏ, vàng. Dọc hai bên đường, nhiều hộ dân đã bày bán lồng đèn phục vụ cho mùa trung thu 2017.

Lồng đèn truyền thống "hồi sinh"

Hai năm gần đây, lượng bán của lồng đèn truyền thống đã tăng trở lại. Đây được xem là một tín hiệu vui khi trước đó nhiều người gần như "quay lưng" với dòng sản phẩm thủ công này.

Chị Thúy - tiểu thương tại đây cho biết, chị bán lồng đèn đã hơn 10 năm, sản phẩm chủ đạo của cửa hàng là lồng đèn tre bọc giấy kiếng.

Pho long den da mo
Phố lồng đèn đã mở bán tại quận 5. Ảnh: Mộc Trà.

“Cứ đầu tháng 7 âm lịch là tôi bày lồng đèn ra bán, cao điểm là cuối tháng 7, đầu tháng 8 âm lịch khách sẽ mua nhiều nhất. Hiện cửa hàng tôi chủ yếu cung cấp hàng đi tỉnh, và bán sỉ là chính, còn bán ở đây là để duy trì nghề bán buôn của gia đình thôi”, chị Thúy nói.

Được biết, tuy chỉ mới mở bán nhưng chị Thúy đã kiếm từ 1 - 2 triệu đồng mỗi ngày, loại lồng đèn hình cá, bướm, thỏ, kì lân,… đều được tiêu thụ mạnh. Ngoài ra, cửa hàng còn bán kèm lồng đèn nhựa, để đa dạng mặt hàng chứ không chú trọng vào những sản phẩm lồng đèn điện tử.

Pho long den da mo
Những tiểu thương tại đây thường bán lồng đèn có xuất xứ Việt Nam xen lẫn lồng đèn Trung Quốc. Ảnh: Mộc Trà.

Gần đó, anh T. đang dán keo cho những chiếc lồng đèn gỗ (có xuất xứ Trung Quốc). Anh cho biết mình bán lồng đèn tại quận 5 đã nhiều năm, điều làm anh thấy vui hơn khi gắn bó với nghề này là việc hai năm nay người dân có xu hướng chơi lại lồng đèn truyền thống làm bằng tre nứa, và giấy kiếng,… trong khi trước đây hầu như đã không còn chuộng mấy sản phẩm này.

“Hồi trước người ta chỉ đến phố lồng đèn này chụp ảnh rồi về chứ ít ai bỏ tiền ra mua một chiếc lồng đèn kiếng. Từ khoảng 2016, lượng mua sản phẩm lại tăng dần lên, đặc biệt là các trường học, tập thể mua số lượng nhiều để tổ chức sự kiện, từ thiện,…”, anh T. cho biết.

Quyết tâm giữ hàng truyền thống

Nhắc đến “làng” làm lồng đèn Phú Bình nằm trên đường Lạc Long Quân (quận 11), hầu như ai cũng nghĩ ngay đến những chiếc lồng đèn giấy kiếng. Chị Tươi, chủ cửa hàng đèn lồng trên đường Lạc Long Quân (quận 11) cho hay, hơn chục hộ gia đình ở đây vẫn bán mỗi năm, trung bình một ngày đến 500, 600 cái.

Nhưng đó là con số cách đây hơn 5 năm, khi mà những chiếc lồng đèn truyền thống còn được ưa chuộng, còn hiện tại con số này đã giảm còn 200 - 300 cái mỗi ngày.

Pho long den da mo
Những chiếc lồng đèn lớn có giá từ 120.000-150.000 đồng. Ảnh: Mộc Trà.

Chị Tươi cho biết thêm, để làm ra một sản phẩm phải mất rất nhiều công sức, chỉ riêng việc chuẩn bị đủ vật liệu cho số đèn lồng bán trong mỗi mùa trung thu thì mất gần cả năm trời. 

Đầu năm, những người làm đèn lồng đã phải chặt tre, ngâm nước, thậm chí làm sẵn cả một số bộ phận của đèn lồng thành một loạt như vây cá vàng, đuôi rồng, tai thỏ... Sau đó, khi đã làm đủ tất cả các bộ phận thì sẽ ráp lại. Thế nhưng, để làm riêng một cái đèn thì chỉ mất 20 phút, bởi nhiều thợ khác nhau sẽ đảm nhiệm từng nhiệm vụ như làm giấy, chẻ tre, uốn thép và vẽ hình lên đèn.

Pho long den da mo
Những chiếc lồng đèn tý hon được làm tỉ mỉ từ tre và giấy kiếng cũng được ưa chuộng mùa trung thu năm nay. Ảnh: Mộc Trà.

Mất nhiều công sức là thế, nhưng giá của lồng đèn giấy kiếng chỉ từ 10.000 – dưới 50.000 đồng/chiếc. Đối với những loại lồng đèn kích thước lớn như hình rồng, lân, hoặc lồng đèn thuyền Hoàng Sa, Trường Sa thì giá sẽ là 150.000 – 180.000 đồng/chiếc. Với giá này, lồng đèn không chỉ được tô vẽ nhiều họa tiết mà còn được đi viền lông đủ màu, nhìn rất bắt mắt.

Ngoài ra, chị Tươi còn cho hay, tuy mẫu mã lồng đèn giấy kiếng có đa dạng, mỗi năm đều có thay đổi, bổ sung thêm nhiều kiểu dáng mới nhưng vì đèn làm bằng giấy nên rất dễ hư hỏng. Chơi qua mùa thì thường vất bỏ, trong khi loại lồng đèn điện tử thường bền hơn, chơi được lâu hơn.

Theo chia sẻ của nhiều tiểu thương, lồng đèn Trung Quốc có giá thành rẻ, mẫu mã lại đặc sắc. Thế nhưng, nếu nhập đèn Trung Quốc về nhiều thì lồng đèn Việt Nam không còn “đất sống”, còn nếu chỉ bán duy nhất đèn truyền thống của Việt Nam thì rất hạn chế khách đến mua. 

“Chính vì vậy nên lồng đèn giấy kiếng cũng đã được cải tiến để có thể gấp gọn được, rất tiện lợi, nhất là với những vị khách có thể mang đi xa để làm quà. Có đợt còn có người gửi cả hơn 500 chiếc đèn lồng ra tận Phú Quốc để tặng. Tôi kinh doanh, hàng nào bán chạy là tôi được lời nhưng thật lòng thì tôi vẫn mong người mua đừng lãng quên lồng đèn truyền thống”, chị Tươi chia sẻ.

Pho long den da mo
Một cửa hàng kinh doanh cả lồng đèn vải tại phố lồng đèn quận 5. Ảnh: Mộc Trà.

Chị Khoan (quận 5) - chủ một cửa hàng lồng đèn chia sẻ, vì là gốc người Hoa nên chị khá “nhạy” trong việc lựa chọn những sản phẩm nhập từ Trung Quốc về để bán chạy. Năm nay, sản phẩm đèn lắp ráp được yêu thích nhiều. Bởi hàng nhập nên khá tinh xảo, có thể lắp đèn chiếu bên trong nên rất nhiều người mua.

“Giá mỗi lồng đèn gỗ lắp ráp là 130.000 đồng/chiếc, chủ yếu nhập từ nước ngoài. Người mua có thể mua lồng đèn ráp sẵn hoặc mua về tự ráp. Tuy nhiên, chủ yếu mọi người đều lựa chọn vỉ để tự ráp, hoặc làm quà gửi đi xa”, chị này nói.

Pho long den da mo
Đèn gỗ lắp ráp thời điểm hiện tại có giá từ 70.000 - 150.000 đồng/chiếc. Ảnh: Mộc Trà.

Ngoài đèn gỗ ráp, chị Khoan còn nhập về các sản phẩm khác như trống gỗ, quạt tay... Các sản phẩm này đều nhập từ Trung Quốc, giá chỉ từ 15.000 đồng/cái trống gỗ nên rất được nhiều người mua yêu thích.

Mộc Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI