Thuốc giả và 'án tử'

13/03/2019 - 06:18

PNO - Điều tra của WHO ghi nhận hơn 2.000 trường hợp sử dụng thuốc giả, kém chất lượng ở 110 quốc gia và mỗi ngày đều có trường hợp mới được báo cáo.

Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, ngày 12/3, công bố báo cáo: thế giới có khoảng 250.000 trẻ em bị tước đoạt mạng sống vì thuốc giả, hầu hết là những đứa trẻ sống ở các quốc gia có nhu cầu cao về thuốc nhưng cơ chế quản lý lại quá yếu, tạo cơ hội cho các nhóm tội phạm trục lợi. Theo báo cáo từ Viện Nghiên cứu quốc tế chống hàng giả ở Pháp (IRACM), Trung Quốc và Ấn Độ là đầu mối sản xuất và tuồn gần 88% thuốc giả, thuốc kém chất lượng vào châu Phi - nơi trẻ em luôn thiếu thốn thuốc men.

Thuoc gia va 'an tu'
Cảnh sát Thái Lan vừa bắt giữ 8 người nước ngoài và 5 người Thái bán Viagra giả tại Bangkok

Không chỉ trẻ em, người lớn cũng bị đe dọa. Tháng trước, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo toàn cầu đối với thuốc giả trị ung thư, xuất hiện ở châu Âu và châu Mỹ. Cơ quan chức năng đã phát hiện những viên thuốc được đóng gói giống như thuốc chữa ung thư máu Iclusig, nhưng thành phần bên trong không có gì ngoài Paracetamol.

Điều tra của WHO ghi nhận hơn 2.000 trường hợp sử dụng thuốc giả, kém chất lượng ở 110 quốc gia và mỗi ngày đều có trường hợp mới được báo cáo. Nhiều nguồn thuốc giả xuất xứ từ Trung Quốc và Ấn Độ chứa những thành phần mà không ai có thể tưởng tượng: mực in, sơn lỏng, thậm chí thạch tín. Theo ước tính của WHO, mỗi năm, tội phạm sản xuất và buôn bán thuốc giả thu 200 tỷ USD. Với mức vốn chỉ khoảng 1.000 USD, số tiền bán thuốc giả thu được có khi lên đến 500.000 USD, khiến nhiều người mờ mắt.

Báo cáo được WHO công bố ngày 12/3 còn ghi nhận trường hợp thuốc giả tồn tại dưới dạng gia giảm một số thành phần từ công thức chính. Việc điều chỉnh tỷ lệ vượt khỏi phạm vi an toàn đã gây ra những rủi ro nghiêm trọng. Một trong những trường hợp được nhắc tới là cái chết của huyền thoại âm nhạc Mỹ Prince Rogers Nelson vào năm 2016. Sau 2 năm điều tra, chính quyền bang Minnesota mới xác nhận nguyên nhân là do Prince đã uống phải thuốc giả. Lẽ ra, viên thuốc Prince uống là thuốc giảm đau Vicodin, nhưng viên thuốc giả chứa thành phần fentanyl vốn mạnh hơn heroin 50 lần và mạnh hơn morphine đến 100 lần. Fentanyl là loại thuốc giảm đau cực kỳ nguy hiểm và Prince đã chết vì dùng thuốc quá nhiều.

Trong số những lô thuốc giả mà cơ quan chức năng của các nước phát hiện được, Viagra giả chiếm phần đáng kể. Tháng Hai vừa qua, cảnh sát Thái Lan đã bắt giữ 8 người nước ngoài và 5 người Thái bán Viagra giả tại 17 nơi ở Bangkok. Cũng trong tháng Hai, cảnh sát Anh cảnh báo: trên thị trường chợ đen nước này tồn tại lượng rất lớn Viagra giả, mang tên Kamagra (sản xuất tại Ấn Độ). Kamagra được cho là có công thức khá giống Viagra, nhưng không được Liên minh châu Âu cấp phép, nên được xem là sản phẩm giả, có khả năng gây hại.

Ở New York (Mỹ) từng ghi nhận trường hợp một người đàn ông 31 tuổi phải đến bệnh viện điều trị, do nhìn thấy mọi vật đều màu đỏ, sau khi uống Viagra giả. Người này, trước đó, đã mua qua mạng một loại thuốc nước cường dương có hoạt chất sildenafil citrate (tương tự một thành phần có trong Viagra) và biết rõ thứ mình mua không được cấp phép bán trên thị trường; nhưng vì nhu cầu trước mắt, anh ta đã tự “rước họa vào thân”. Các bác sĩ, sau khi kiểm tra, phát hiện các tế bào hình nón (chịu trách nhiệm về việc phân biệt màu sắc) trong võng mạc của bệnh nhân bị tổn thương nặng. Sau 1 năm điều trị không có kết quả, người đàn ông này phải sống với tình trạng “mọi vật đều màu đỏ” đến suốt đời.

Anh Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI