Thừa hay thiếu vắc xin COVID-19 đều làm chậm kết thúc đại dịch

16/07/2021 - 06:51

PNO - Trong khi các nước giàu dần mở cửa trở lại nhờ nguồn vắc xin dồi dào, thì nhiều quốc gia nghèo đang đối mặt làn sóng lây nhiễm chết người do thiếu vắc xin.

Công bằng trong khả năng tiếp cận và tiêm chủng vắc xin COVID-19 là vấn đề đáng quan tâm của thế giới. Trong khi các nước giàu dần mở cửa trở lại nhờ nguồn vắc xin dồi dào, thì nhiều quốc gia nghèo đang đối mặt làn sóng lây nhiễm chết người do thiếu vắc xin.

COVID-19 đã giết chết hơn 4 triệu người trên thế giới. Sau hơn một năm chống dịch, cuộc sống bình thường đang dần trở lại ở Mỹ, Canada, Anh, Liên minh châu Âu (EU), Israel và Trung Quốc. Điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Khả năng tài chính đã giúp các nước giàu có quyền tiếp cận sớm những liều vắc xin COVID-19. Ngược lại, đối với các nước có thu nhập thấp và nghèo, sự mất công bằng trong phân phối vắc xin trở thành vấn đề sinh tử.

Khoảng cách lớn về nguồn cung vắc xin

Tại Mỹ, số ca nhiễm mới hằng ngày đạt đỉnh điểm vào đầu tháng Giêng đã giảm 96% vào giữa tháng Sáu, số người chết cũng giảm đến 92%. Các đường phố lớn nhộn nhịp trở lại, người dân bắt đầu du lịch, các trường học chuẩn bị quay lại giảng dạy trực tiếp vào mùa thu.

Nhân viên y tế tiêm vắc-xin COVID-19 cho người dân Indonesia  giữa lúc biến chủng Delta đang lây nhiễm nhanh chóng - ẢNH: UNSPLASH
Nhân viên y tế tiêm vắc xin COVID-19 cho người dân Indonesia giữa lúc biến chủng Delta đang lây nhiễm nhanh chóng - Ảnh: UNSPLASH

Hôm 12/7, đại diện của Pfizer gặp riêng các nhà khoa học và cơ quan quản lý cấp cao của Mỹ, yêu cầu họ nhanh chóng cấp phép cho mũi tiêm vắc xin tăng cường. Cùng ngày, Israel bắt đầu tiêm liều thứ ba của vắc xin Pfizer-BioNTech cho bệnh nhân cấy ghép tạng và những người có hệ miễn dịch bị tổn thương. Hãng Moderna cũng thông báo, chính phủ Mỹ vừa mua thêm 200 triệu liều nâng tổng số liều vắc xin mà Moderna cung cấp cho Mỹ lên 500 triệu. Tương tự, Ủy ban châu Âu mua thêm 150 triệu liều vắc xin Moderna, nâng cam kết đặt hàng lên 460 triệu liều. 

Trên toàn cầu, việc thúc đẩy các mũi tiêm tăng cường này đã dẫn đến sự phản đối từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các nhóm nhân quyền. Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận xét: “Chúng ta đang ở trong một đại dịch phân cực, nơi việc có và không có vắc xin giữa các quốc gia dẫn đến sự khác biệt rõ rệt về tỷ lệ tiêm chủng và lây nhiễm”. Ông nhấn mạnh rằng, khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vắc xin là rất không đồng đều, không công bằng đồng thời yêu cầu Moderna, Pfizer nỗ lực hết mình để cung cấp vắc xin cho toàn cầu, trước khi triển khai liều tiêm nhắc cho số quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao.

Phương án chia sẻ vắc xin

Bên cạnh việc thâu tóm nguồn cung vắc xin, các nước giàu còn tạo ra một vấn đề nghiêm trọng ở khâu sử dụng. Ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao, tốc độ triển khai mũi tiêm đang chậm lại, dẫn đến việc hàng triệu liều vắc xin có nguy cơ bị hủy vì hết hạn. Theo dữ liệu gần đây, hơn 3.000 liều vắc xin AstraZeneca ở Canada phải bỏ đi do hết hạn sử dụng, ở Alberta, có khoảng 4.000 liều vắc xin sẽ hết hạn trong tháng này. Trái ngược, chưa đến 1% người dân sống ở các nước có thu nhập thấp nhận được một liều vắc xin. 

Wondwossen Asefa, Phó giám đốc khu vực châu Phi của Project HOPE - một tổ chức nhân đạo phi chính phủ - nhận định: “Mỗi liều vắc xin đều giống như vàng lỏng. Mọi quốc gia không nên lãng phí khi các biến thể COVID-19 không ngừng lan rộng và mạng sống người dân đang bị đe dọa”. 

Vì lý do trên, tình trạng dư thừa vắc xin ở Mỹ thúc đẩy chính quyền Tổng thống Joe Biden tài trợ 80 triệu liều cho các nước khác. Khoản quyên góp lớn chiếm hơn một nửa số liều vắc xin được quyên góp từ tất cả các nước khác cộng lại, nhưng chỉ đủ để tiêm chủng cho chưa đến 2% số dân ở các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình. Tương tự, Nhật Bản chọn cách viện trợ song phương hàng triệu liều vắc xin AstraZeneca cho Indonesia, Malaysia, Philippines, Việt Nam, Thái Lan… cũng như cam kết quyên góp 11 triệu liều thông qua chương trình chia sẻ COVAX cho các quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới. 

Linh La (tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI