Thu phí soát nhiễm khuẩn: Bệnh nhân vẫn nằm... giữa rác

19/07/2016 - 09:26

PNO - Bộ Y tế đã đưa chi phí kiểm soát nhiễm khuẩn vào giá khám chữa bệnh, giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật y tế. Chi phí này do BN chi trả. Dù vậy, tại nhiều BV, việc kiểm soát nhiễm khuẩn BV chưa được quan tâm.

Thu phi soat nhiem khuan: Benh nhan van nam... giua rac
Rác thải y tế được "ưu ái" tập kết trung với khu bệnh nhân đang nằm

Trong 100 bệnh nhân (BN) nhập viện có 10 người nhiễm thêm ít nhất một loại vi khuẩn “nằm sẵn” ở bệnh viện (BV). Để hạn chế tình trạng nghiêm trọng này, đặc biệt là để chấn chỉnh thái độ thiếu ý thức của nhân viên y tế về vấn đề nhiễm khuẩn BV, Bộ Y tế đã đưa chi phí kiểm soát nhiễm khuẩn vào giá khám chữa bệnh, giường bệnh và các dịch vụ kỹ thuật y tế. Chi phí này do BN chi trả. Dù vậy, tại nhiều BV, việc kiểm soát nhiễm khuẩn BV vẫn chưa được quan tâm.

Rác... áp sát bệnh nhân

Mỗi ngày, BV Q.Bình Thạnh (TP.HCM) có hơn 3.000 BN đến khám. Đây là BV tuyến quận/huyện duy nhất tự chủ hoàn toàn về tài chính nhờ nguồn thu từ BN. Sáng 12/7, tại khu xét nghiệm của BV có rất đông BN, từ trẻ em, người lớn tuổi đến phụ nữ mang thai chờ đến lượt lấy máu xét nghiệm. Kỹ thuật viên nữ tên N. bịt kín khẩu trang, lấy máu hết BN này đến BN khác mà không thay găng tay. Đến ca thứ năm là một bé trai chín tuổi, kỹ thuật viên này không tìm được ven ở bắp tay nên rà tìm trên mu bàn tay.

Thấy đồng nghiệp tìm ven khó khăn, một điều dưỡng nam (đang phục vụ người bệnh ở phòng siêu âm bên cạnh) tay không đeo găng tay, áp vào tay BN để hỗ trợ. Lấy máu được sáu ca, kỹ thuật viên N. rời ghế, đưa mẫu đi xét nghiệm, khi quay lại mới chịu thay găng tay, nhưng chỉ thay một chiếc bên tay phải. Lấy máu một BN xong, kỹ thuật viên này vừa vứt kim tiêm xuống thùng rác y tế, chưa kịp lắc ống máu, đã vội lấy máu tiếp cho hai thai phụ bằng chính đôi găng tay cũ.

Tại khoa Chi trên và khoa Vi phẫutạo hình, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM (khu lầu 3) có nhiều BN đang điều trị nội trú, vết thương còn rướm máu nhưng rác thải y tế và áo quần bẩn của BN vứt khắp nơi. Cụ thể, dọc hành lang của khoa Chi trên, một bịch ni lông to tướng màu vàng (cảnh báo rác thải y tế) chứa rất nhiều quần áo dơ, chăn, drap bẩn của BN đã qua sử dụng… nhưng không được bịt miệng bao, lại đặt ngay trước cửa ra ở phòng bệnh số 30 suốt nhiều giờ. Vì không có chỗ ngồi, thỉnh thoảng người nhà BN lại đứng tựa tay vào bao rác thải y tế này. Còn ở khoa Vi phẫu-tạo hình, nhiều BN nằm trên ghế bố, không có phòng riêng nên cũng không có bồn rửa, xà phòng rửa tay… như quy định. Nhiều BN được bố trí nằm hai bên hành lang, trong khi rác thải sinh hoạt lẫn rác y tế đặt ngay sát giường BN.

Bà Phạm Minh Nga, Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Y tế khẳng định, giá viện phí mà các cơ sở y tế đang thu của người bệnh đã bao gồm chi phí dùng cho việc kiểm soát nhiễm khuẩn. Đơn cử ở BV hạng 1 trở lên, nếu chỉ tính riêng giá khám bệnh 20.000đ (có nơi thu đến 39.000đ) thì đã có 6.600đ phí kiểm soát nhiễm khuẩn. Do đó, khi lấy máu xét nghiệm, khám bệnh thì mỗi BN phải được sử dụng găng tay riêng và chi phí này đã được BN chi trả. Còn nếu khám ở BV hạng 2, chi phí kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn mà BN bỏ ra là 4.300đ, trong tổng số 15.000đ mà họ trả cho BV.

Về giá giường bệnh, BV hạng 1 trở lên, nếu BN nằm giường điều trị bệnh thông thường thì chi trả cho BV mỗi ngày 31.500đ phí kiểm soát nhiễm khuẩn trong tổng số 99.000đ/giường/ngày. Nếu nằm ở giường sau ca mổ đặc biệt thì phải trả đến 67.000đ/ngày cho phí kiểm soát nhiễm khuẩn, trong tổng số 164.000đ/giường/ngày. Phòng của BN phải có xà phòng rửa tay, bồn rửa tay… Bộ còn quy định chi phí kiểm soát nhiễm khuẩn mà người bệnh phải trả trong từng loại phẫu thuật cụ thể.

Bảo vệ cho chính nhân viên y tế

ThS Lê Văn Tuấn - đại diện văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết: ở các nước đang phát triển, tại bất kỳ thời điểm nào trong ngày, cứ 100 BN nhập viện thì có 10 ca mắc ít nhất một loại vi khuẩn “sẵn có” trong BV; trong khi ở các nước phát triển tỷ lệ này là 7/100 ca. Nhiều BN còn mắc từ hai loại vi khuẩn trở lên. Đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, tình trạng bị nhiễm trùng máu, nhiễm trùng đường tiểu, viêm phổi do nhiễm khuẩn tại BV rất nhiều.

PGS-TS-BS Lê Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP.HCM cho rằng, công tác phòng ngừa lây nhiễm vi khuẩn ở BV hiện chưa được quan tâm đúng mức, từ lãnh đạo BV đến nhân viên y tế. Điều này rất nguy hiểm vì mỗi người đều mang trong mình rất nhiều vi khuẩn trên da, trong tai mũi họng... Người mắc bệnh đường hô hấp có thể phát tán vi khuẩn qua ho, hắt hơi.

Dễ thấy nhất là thói quen rửa tay. Nếu nhân viên y tế không rửa tay đúng các thời điểm cần thiết sẽ làm lây bệnh cho mình và cho người khác, nhất là các bệnh lây qua đường hô hấp như cúm, lao hoặc bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C, HIV… Thực tế, tại các trường đại học y cũng mới chỉ có chương trình dạy ngừa nhiễm khuẩn BV cho nhân viên điều dưỡng. Giá viện phí hiện nay đã bao gồm chi phí kiểm soát nhiễm khuẩn, do đó, nếu BN không thấy bác sĩ, điều dưỡng rửa tay trước và sau khi khám thì có quyền nhắc nhở; hoặc nếu thấy nhân viên y tế dùng vật dụng cho nhiều BN thì cần yêu cầu sử dụng dụng cụ mới đã được tiệt khuẩn.

Tại Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ BN bị lây nhiễm vi khuẩn từ BV chiếm đến 5,8%, trong đó nhiễm viêm phổi từ BV chiếm 55,4%. Nghiên cứu của Sở Y tế TP.HCM cũng cho thấy, trên tất cả các BV công lập thì tỷ lệ nhiễm khuẩn BV là 6,4%; trong đó viêm phổi đứng hàng đầu - 54,3%, nhiễm khuẩn tiết niệu 12,3%, nhiễm khuẩn do vết mổ và nhiễm khuẩn máu là 10% mỗi loại. Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt Đới trung ương trên 3.671 BN năm 2013 ghi nhận nhiễm khuẩn BV là 27,3%.

Nhìn nhận về sự lơ là của các BV trong công tác kiểm soát vi khuẩn lây lan trong BV, ông Hoàng Văn Thành, Cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: khi thiếu quan tâm đến kiểm soát nhiễm khuẩn, đối tượng đầu tiên bị ảnh hưởng là nhân viên BV. Đồng thời, BN có thể kéo dài thời gian nằm viện, tăng sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn, tăng chi phí điều trị và tỷ lệ BN tử vong.

Thế nhưng hiện nay nhiều lãnh đạo ở các cơ sở y tế chưa coi trọng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. 46,5% BV không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn, rất ít BV trang bị máy tiệt khuẩn nhiệt độ thấp, hơn 40% BV không đạt tỷ lệ một bồn rửa tay/10 BN nội trú. Đặc biệt trên 57% BV không có sẵn dung dịch vệ sinh tay tại nơi có nhiều người tiếp xúc. Nhiều lãnh đạo BV tự quy định các hình thức kỷ luật không thiện cảm như chuyển nhân viên phạm lỗi từ các khoa sang khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn của BV. Đó là một trong những nguyên nhân khiến gần 47% nhân viên của bộ phận khử khuẩn, tiệt khuẩn chưa được đào tạo chuyên môn.

Theo quy định của Bộ Y tế, chi phí găng tay được tính vào giá khám bệnh như: găng tay dài dùng một lần có giá 1.890đ, găng tay ngắn dùng một lần là 1.400đ. Chi phí khử khuẩn không khí phòng khám 30.000đ/phòng/tuần. Với BN điều trị nội trú, giá viện phí đã bao gồm chi phí rửa tay như: cồn rửa tay nhanh được quy định rửa đến bốn lần/ngày, mỗi lần là 4ml, xà phòng rửa tay mỗi phòng là 7.000đ/bánh xà phòng…

Văn Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI