Vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết: bị cáo Hoàng Đình Khiếu không có nghiệp vụ lọc máu, chạy thận

15/01/2019 - 11:17

PNO - Trả lời phần xét hỏi, bị cáo Hoàng Đình Khiếu thừa nhận mình không có nghiệp vụ chạy thận, lọc máu. Mặc dù vào thời điểm xảy ra vụ án, ông Khiếu là trưởng khoa Hồi sức tích cực.

Sáng nay 15/1, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ tai biến chạy thận làm 9 người chết, tiếp tục với phần xét hỏi đối với bị cáo Trương Quý Dương - cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hòa Bình.

Khi được hỏi về quá trình ký kết và thực hiện hợp đồng 315 sửa chữa hệ thống RO số 2 với Công ty Thiên Sơn, ông Dương cho biết, đây là kế hoạch từ đầu năm 2017. Khi thấy hệ thống hoạt động yếu hơn bình thường, bệnh viện đã mời các kỹ thuật viên xem xét đánh giá và phòng vật tư đề nghị sửa chữa, khắc phục trong quý 2.

“Bị cáo đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn thực hiện theo đúng quy trình”, ông Dương nói.

Vu tai bien chay than lam 9 nguoi chet: bi cao Hoang Dinh Khieu khong co nghiep vu loc mau, chay than

Bị cáo Trương Quý Dương cùng luật sư bào chữa của mình

Hợp đồng trên do ông Dương ký với Công ty Thiên Sơn vào chiều 25/5/2017, vì bệnh viện không đủ năng lực sửa chữa. Hệ thống RO số 2 được mua bằng nguồn kinh phí của bệnh viện, hoàn toàn không liên quan đến việc liên doanh liên kết. Như vậy, trách nhiệm sửa chữa hệ thống này là của bệnh viện.

Hệ thống RO chỉ cung cấp nước cho việc chạy thận, chỉ là một bộ phận trong toàn bộ hệ thống chạy thận. Việc sửa chữa hệ thống RO nằm trong kế hoạch, nhằm phục vụ tốt hơn chứ hệ thống chưa hỏng.

“Đầu tiên, khoa hồi sức tích cực là đơn vị sử dụng thiết bị đề xuất, đưa vào kế hoạch quý, và bị cáo phê duyệt. Bị cáo nhận đề xuất của khoa trước khoảng một tháng, sau đó bị cáo giao lại cho phòng vật tư trang thiết bị y tế khảo sát, đánh giá, từ đó dẫn đến việc ký hợp đồng 315", ông Dương cho hay.

Theo chức năng nhiệm vụ, quản lý chung mang tính tổng thể là phòng vật tư trang thiết bị y tế, còn trách nhiệm sử dụng cụ thể là khoa hồi sức tích cực. Hai bộ phận tham mưu ký kết hợp đồng 315 là phòng tài chính kế toán và phòng vật tư trang thiết bị y tế.

Khi hợp đồng có hiệu lực, các phòng chuyên môn như phòng vật tư trang thiết bị y tế liên hệ để thực hiện việc sửa chữa.

Ông Dương cho biết nếu hệ thống RO bị hỏng, các phòng ban chuyên môn bố trí thời gian phù hợp nhất để toàn quyền sửa chữa, còn mình không biết việc đó.

Vu tai bien chay than lam 9 nguoi chet: bi cao Hoang Dinh Khieu khong co nghiep vu loc mau, chay than

Toàn cảnh phiên tòa với 7 bị cáo

“Việc sửa máy lọc RO được thực hiện khoảng 4-5 lần và tất cả đều theo những quy trình như trên. Mặc dù không phải chuyên môn, bị cáo cũng biết việc xét nghiệm chất lượng nước trong khoảng một tuần. Hoạt động của nguồn nước lọc sau khi sửa chữa đều phụ thuộc vào phòng ban chuyên môn. Nếu có những tình huống bất khả kháng, các phòng ban chuyên môn cần phải có kịch bản xử lý”, bị cáo Dương nói.

Tại bênh viện có 3 hệ thống lọc nước RO, trong toàn bộ đề xuất, thẩm định đưa hệ thống RO số 1 và việc xây dựng khu nhà, khi xây dựng hệ thống bị cáo Dương cho biết cần có hệ thống dự phòng RO số 2, hệ thống RO số 3 thực hiện cho các ca điều trị công nghệ cao.

“Trong tất cả các hoạt động của bệnh viện lâu dài đều có người phụ trách, còn mọi sự cố tại bệnh viện bị cáo hoàn toàn có trách nghiệm”, ông Trương Quý Dương khẳng định.

Hai bị cáo khai mâu thuẫn nhau

Sau phần xét hỏi với bị cáo Trương Quý Dương, HĐXX đã yêu cầu ông Hoàng Đình Khiếu (cựu Phó giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình, là trưởng khoa Hồi sức tích cực, thời điểm xảy ra vụ án) lên bục xét hỏi.

Bị cáo Khiếu khai báo: “Khi xuống khoa, thấy sự việc như vậy, bị cáo đã báo cho giám đốc, khi đó là vào khoảng 9g sáng. Về nhân sự, riêng Đơn nguyên thận nhân tạo đã đào tạo được một số bác sĩ. Khi bác sĩ Lương chưa có chứng chỉ, đã có một số bác sĩ khác có chứng chỉ chạy thận nhân tạo làm việc tại đây để có người thay thế. Khi sự cố xảy ra, về nhân lực chuyên môn khoa đã đủ nhân lực để đáp ứng như cầu chạy thận".

Vu tai bien chay than lam 9 nguoi chet: bi cao Hoang Dinh Khieu khong co nghiep vu loc mau, chay than

Bác sĩ Lương và các cựu lãnh đạo BVĐK tỉnh Hòa Bình

Ông Khiếu khẳng định mình không có chuyên môn về lọc máu mà chỉ chuyên về nội khoa. Khi ra trường thì làm công tác điều trị đa khoa tại BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Với cương vị là trưởng khoa, bị cáo Khiếu đã giao cho các bác sĩ tại khoa hồi sức tích cực và bác sĩ Lương về mặt chuyên môn. Còn việc điều động nhân sự, bất thường trong khoa phải báo cáo trưởng phó khoa.

Để giải đáp việc này, HĐXX đã tiếp tục đặt câu hỏi với bị cáo Trương Quý Dương, ông này cho biết: “Việc học được làm trọn gói với Bệnh viện Bạch Mai. Bản thân bị cáo đã ký hợp đồng với vai trò bệnh viện nhận chuyển giao, còn bị cáo Khiếu ký ở vai trò phòng được chuyển giao nên bị cáo mới tin tưởng về chuyên môn của bị cáo Khiếu”.

Ông Dương khẳng định rằng ông Hoàng Đình Khiếu đã được đào tạo nghiệp vụ lọc máu, chạy thận.

An Vũ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI