Thị trường tài chính thế giới chao đảo khi thuế quan mới của ông Trump có hiệu lực

09/04/2025 - 12:35

PNO - Thuế quan đối ứng mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với hàng loạt quốc gia đã có hiệu lực, làm sâu sắc thêm cuộc chiến thương mại toàn cầu.

Tổng thống Donald J Trump gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 7/4 - Ảnh: The Washington Post/Getty Images
Tổng thống Donald J Trump gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng vào ngày 7/4 - Ảnh: The Washington Post/Getty Images

Vòng thuế quan đối ứng "có đi có lại" đối với hàng nhập khẩu vào Mỹ - được chính thức áp dụng từ 0g01 ngày 9/4 (giờ thủ đô Washington) - diễn ra khi thông tin về các khoản thuế của tổng thống Mỹ làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu đã tồn tại trong nhiều thập kỷ, làm dấy lên nỗi lo về suy thoái và khiến cổ phiếu trên toàn thế giới giảm mạnh.

Chứng khoán S&P đóng cửa dưới mức 5.000 lần đầu tiên trong gần một năm vào ngày 8/4 và đang tiến gần đến thị trường giá xuống, được định nghĩa là giảm 20% so với mức cao nhất gần đây nhất. Các công ty S&P 500 đã mất 5,8 nghìn tỉ USD giá trị thị trường chứng khoán kể từ khi ông Trump công bố mức thuế quan vào ngày 2/4.

Đợt bán tháo trên khắp các thị trường châu Á tiếp diễn vào ngày 9/4 sau một thời gian ngắn tạm lắng, với Nikkei của Nhật Bản giảm hơn 3% và đồng won của Hàn Quốc trượt xuống mức thấp nhất trong 16 năm. Hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ cũng cho thấy phiên giảm ngày thứ năm liên tiếp tại Phố Wall.

Ông Trump gần như đã tăng gấp đôi thuế đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc, vốn đã được ấn định ở mức 54% vào tuần trước, để đáp trả các mức thuế trả đũa mà Bắc Kinh công bố. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố sẽ "chiến đấu đến cùng" về những gì họ coi là hành động “tống tiền” từ phía Mỹ.

Ông Trump đưa ra cho các nhà đầu tư những tín hiệu trái chiều về việc liệu mức thuế quan này có tiếp tục trong dài hạn hay không, mô tả chúng là "vĩnh viễn" nhưng cũng khoe khoang rằng chúng đang gây sức ép buộc các nhà lãnh đạo khác phải yêu cầu đàm phán.

"Chúng tôi có rất nhiều quốc gia muốn đạt được thỏa thuận", ông phát biểu tại một sự kiện của Nhà Trắng vào chiều ngày 8/4. Ông cho biết tại một sự kiện sau đó rằng ông hy vọng Trung Quốc sẽ theo đuổi một thỏa thuận với Mỹ.

Các container xuất khẩu tại cảng Thanh Đảo ở Trung Quốc. Mức thuế 104% của Mỹ đối với Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực vào ngày 9/4 - Ảnh: VCG/Getty Images
Các container xuất khẩu tại cảng Thanh Đảo ở Trung Quốc. Mức thuế 104% của Mỹ đối với Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực vào ngày 9/4 - Ảnh: VCG/Getty Images

Hầu hết các quốc gia cho đến nay đã từ chối áp dụng thuế quan trả đũa với Trung Quốc là ngoại lệ chính , dù vậy Liên minh châu Âu (EU) có thể đưa ra phản ứng trong hôm nay.

Các quốc gia thành viên EU sẽ bỏ phiếu trong ngày 9/4 về danh sách hàng hóa của Mỹ phải chịu thuế trả đũa. Danh sách các mục tiêu tiềm năng chủ yếu phải chịu mức thuế 25% trải dài từ hạt hạnh nhân đến du thuyền, kim cương, chỉ nha khoa, đậu nành và các bộ phận thép. Nhưng rượu bourbon và rượu vang đã được miễn trừ.

Đồng nhân dân tệ tiếp tục giảm giá so với đồng USD xuống mức thấp mới trong 19 tháng vào ngày 9/4, sau khi đồng tiền Trung Quốc trượt xuống mức thấp kỷ lục trên thị trường nước ngoài qua đêm.

Đồng nhân dân tệ đã suy yếu xuống mức thấp 7,3505 đổi 1 USD trong phiên giao dịch buổi sáng, mức thấp nhất kể từ tháng 9/2023, khi các nhà đầu tư lo lắng về căng thẳng thương mại Trung Quốc – Mỹ đang gia tăng.

Bộ trưởng tài chính Nhật Bản cho biết các cuộc đàm phán thương mại với Mỹ có thể bao gồm các cuộc thảo luận về tỉ giá hối đoái.

Bộ trưởng Katsunobu Kato phát biểu trước quốc hội Nhật Bản vào sáng 9/4: "Đã có nhiều thông tin liên lạc, bao gồm cả về tỉ giá hối đoái, từ phía Mỹ, vì vậy các động thái tiền tệ có thể là một trong những chủ đề được thảo luận. Nhưng các chi tiết cụ thể vẫn chưa được thiết lập".

Tại Úc, cổ phiếu biến động mạnh vào đầu ngày, xóa sổ hàng chục tỉ USD giá trị khỏi thị trường do lo ngại hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang hướng đến một cuộc chiến thương mại toàn diện.

Các công ty khai khoáng là nạn nhân đầu tiên của sự sụt giảm, với cổ phiếu BHP giảm hơn 4% trong phiên giao dịch đầu ngày. Công ty công nghệ sinh học lớn nhất của Úc, CSL, cũng giảm hơn 4% sau khi ông Donald Trump tuyên bố rằng một mức thuế dược phẩm "lớn" sẽ sớm được áp dụng.

Theo tổng thống Mỹ, mức thuế này sẽ khiến các công ty dược phẩm "rời khỏi Trung Quốc" cũng như các trung tâm sản xuất khác và "vội vã quay trở lại đất nước chúng ta". Trước đó, ông Trump đã đưa ra ý tưởng áp thuế 25% trở lên đối với dược phẩm.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand đã cắt giảm lãi suất vào ngày 9/4 với lý do thuế quan thương mại, một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên ứng phó với tình trạng hỗn loạn kinh tế đang lan rộng trên thị trường toàn cầu.

Những chiếc xe của hãng Kia (Hàn Quốc) được trưng bày tại khu bán hàng ở thành phố San Leandro, bang California vào năm 2023 - Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images
Những chiếc xe của hãng Kia (Hàn Quốc) được trưng bày tại khu bán hàng ở thành phố San Leandro, bang California vào năm 2023 - Ảnh: Justin Sullivan/Getty Images

Hàn Quốc đã công bố các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp cho ngành ô tô của mình, nhằm giảm bớt tác động của thuế quan đối với một ngành đã chứng kiến ​​nhiều năm xuất khẩu tăng mạnh sang Mỹ.

Các biện pháp bao gồm hỗ trợ tài chính cho ngành công nghiệp ô tô cũng như cắt giảm thuế và trợ cấp để thúc đẩy nhu cầu trong nước, trong khi chính phủ cam kết nỗ lực đàm phán với Mỹ và giúp mở rộng thị trường.

Ông Trump đã công bố mức thuế 25% đối với ô tô và xe tải nhẹ nhập khẩu bắt đầu từ ngày 10/4. Các nhà sản xuất dự kiến ​​sẽ chịu một số chi phí thuế quan trong năm đầu tiên nhưng cuối cùng sẽ thay đổi sản xuất và có thể ngừng nhập khẩu một số mẫu xe có mức tiêu thụ thấp vào thị trường Mỹ.

Ngoài ra, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tăng gấp ba lần mức thuế quan đã công bố trước đó đối với các gói hàng giá trị thấp được xuất khẩu sang Mỹ từ Trung Quốc thông qua hệ thống bưu chính quốc tế.

Trước đó, ông Trump đã đặt mức thuế quan ban đầu đối với các gói hàng có giá trị dưới 800 USD ở mức 30% giá trị lô hàng hoặc 25 đô la, có hiệu lực từ ngày 2/5. Dù vậy sau sắc lệnh mới, mức thuế sẽ là 90% giá trị lô hàng hoặc 75 USD, tăng lên 150 USD sau ngày 1/6.

Cho đến đầu năm 2025, các gói hàng có giá trị dưới 800 USD, được gọi là hàng hoá de minimis, đều được miễn thuế.

Loại hàng hóa miễn thuế này mang lại lợi ích rất lớn cho các nhà bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc là Shein và Temu, những công ty vận chuyển hàng hóa trực tiếp đến khách hàng tại Mỹ qua đường bưu điện quốc tế.

Linh La (theo CNBC, The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI