Thi công tắc trách gây chết người, không thể bồi thường là xong!

25/10/2016 - 20:19

PNO - Điểm chung của nhiều vụ tai nạn thương tật, chết người do các công trình thi công cẩu thả gây ra là nạn nhân được bồi thường, nhà thầu chỉ bị xử phạt hành chính.

Phải chăng, vì chưa có vụ việc nào được xử lý thích đáng nên các tai nạn “ngang xương” này vẫn diễn ra, bất chấp sinh mạng người dân?

Liên quan vụ người đàn ông lọt hố ga dẫn đến tử vong sáng 21/10 trên đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân, TP.HCM), chủ đầu tư dự án là Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM và đơn vị thi công là Công ty TNHH Liên danh xây dựng VIC chi nhánh TP.HCM đã nhận trách nhiệm, thiếu sót trong quá trình thi công.

Thi cong tac trach gay chet nguoi, khong the boi thuong la xong!
Hiện trường nơi người đàn ông đón xe buýt lọt hố ga tử vong

Theo giải trình của Công ty TNHH Liên danh Xây dựng VIC chi nhánh TP.HCM, ngày 21/10, công ty này thi công hạng mục “nâng cổ hố ga số BP19 trên đoạn đường Kinh Dương Vương ngay trước cổng bến xe Miền Tây”. Khoảng 12g cùng ngày, tổ công nhân nghỉ ngơi ăn cơm trưa.

Trong lúc nghỉ, các công nhân dựng bốn tấm ván khuôn hình chữ V xung quanh hố ga và có quấn dây cảnh báo tại vị trí hố ga. Khuôn hầm và nắp hầm ga để bên cạnh hố ga. Khoảng 13g30, một người đàn ông khoảng 35-40 tuổi đứng dưới lòng đường cách vị trí hố ga khoảng 5-7m.

Bất ngờ có chuyến xe buýt chạy qua, người đàn ông xấu số đuổi theo xe buýt (tại vị trí này không có trạm xe buýt) đã vấp phải nắp hố ga té ngã xuống hố. Khi sự việc xảy ra, nhóm công nhân đang thi công tại vị trí gần đó đã chạy tới đưa nạn nhân lên khỏi hố ga, sau đó tiến hành sơ cấp cứu nhưng người đàn ông không qua khỏi.

Điều đáng nói, theo Thanh tra Sở GTVT TP.HCM, nhà thầu này đã nhiều lần bị xử phạt hành chính về hành vi thiếu biển công bố thông tin, biển báo rào chắn khi thi công công trình. Trước đó, rất nhiều vụ tai nạn khiến người đi đường mất mạng hoặc thương tật nặng do các công trình thi công ẩu gây ra nhưng kết cục chỉ là bồi thường, vẫn chưa có biện pháp xử lý thích đáng, đủ răn đe để chấm dứt sự vô trách nhiệm, vô ý thức của các nhóm người, đơn vị thi công, chủ đầu tư, đơn vị quản lý

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Chủ tịch trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam : “Cùng chịu trách nhiệm” sẽ khó xử lý nhà thầu thi công ẩu

Luật đã quy định khá rõ ràng về trách nhiệm, cũng như các hình thức xử lý, bồi thường đối với các hành vi gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, tính mạng của người đi đường mà các công trình gây ra.

Cụ thể, cá nhân sẽ bị xử lý về tội “cản trở giao thông đường bộ” (điều 203 Bộ luật Hình sự - BLHS) nếu để rào chắn, đất đá, hố ga, ổ gà trong quá trình thi công đường sá, cầu cống… hay bị xử lý “tội vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông và gây thiệt hại cho tính mạng của người khác” (điều 220 BLHS) vì đã không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp hướng dẫn, điều khiển giao thông đặt biển hiệu, cọc tiêu, rào chắn… ngăn ngừa tai nạn khi công trình giao thông đã bị hư hại hoặc đang tiến hành duy tu, sửa chữa.

Nếu tai nạn dẫn đến chết người, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 285 BLHS), “tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính” (điều 99 BLHS).

Cái khó hiện nay là luật không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân (tổ chức) mà chỉ truy cứu đối với cá nhân cụ thể, chưa kể cần phải chứng minh đó là hành vi cố ý gây chết người và là hành vi gây nguy hiểm cho xã hội.

BLHS sắp tới cần thiết phải đưa việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân vào mới đủ tính răn đe đối với các nhà thầu thi công ẩu, tắc trách.

TS Nguyễn Lê Ninh - Ủy viên UB MTTQ Việt Nam TP.HCM: Phải “triệt” thói vô trách nhiệm

Cho rằng để xảy ra tai nạn đáng tiếc, chết người như vụ hố ga trên đường Kinh Dương Vương là do sự vô trách nhiệm cũng như thiếu ý thức của các cá nhân tham gia thi công. Mọi lý do của đơn vị thi công đưa ra cũng là biện bạch cho sự cố đáng tiếc đã xảy ra, nhằm xoa dịu dư luận.

Nếu xử lý nghiêm túc, chủ đầu tư phải xem xét lại trách nhiệm của nhà thầu, thậm chí phải đuổi việc những người thợ không xứng đáng về đạo đức, ý thức trách nhiệm với cộng đồng khi để xảy ra sự cố. Ngoài ra, các đơn vị liên quan, từ tổ chức đến cá nhân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

TS Phạm Sanh - chuyên gia giao thông: Cần khởi tố hình sự

Nếu chỉ một vài vụ tai nạn gây thương tích nhẹ cho người đi đường thì có thể xem là sự cố, vô ý, nhưng đằng này sự cố lại xảy ra thường xuyên gây chết người - tức gây hậu quả nghiêm trọng thì phải khởi tố hình sự theo đúng quy định của pháp luật. Cụ thể phải đưa chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát đến cả đơn vị quản lý là Thanh tra giao thông, Sở GTVT… ra tòa án.

Nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng do công trình "ẩu" gây ra 

- Ngày 17/10/2016, cháu Hoàng Xuân Hiếu (tám tuổi) bị nước mưa cuốn vào miệng hố ga trước cổng Trường THCS Võ Trường Toản (tỉnh Bình Dương), tử vong.

- Trưa 8/4/2015, nam thanh niên khiếm thị, bán vé số, đã lọt xuống cống sâu 3m trên công trường phố đi bộ Nguyễn Huệ, Q.1, TP HCM.

- Tối 16/9/2014, anh Phạm Thế Cường (42 tuổi) đi xe máy lọt xuống hào kỹ thuật tại ngã ba đường số 5 giao với đường Phạm Văn Đồng, P.Linh Tây, Q.Thủ Đức, TP.HCM khiến anh vỡ thận.

- Khoảng 13g ngày 5/9/2012, tại đường số 25 khu dân cư Phú Xuân (xã Phú Xuân, H.Nhà Bè, TP.HCM) xảy ra một vụ lọt hố nước công trình khiến nữ sinh Đỗ Thị Thu Thảo (học sinh lớp 7 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm, H.Nhà Bè) chết đuối.

- Tối 1/1/2011, cả gia đình ba người, trong đó có cháu gái tám tuổi đang đi xe máy đến ngã ba đường Nguyễn Tất Thành - Xóm Chiếu (Q.4, TP.HCM) bất ngờ lọt xuống hố sâu là m cả ba ngườ i bị thương

Thu Hồng (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI