The Truman show: con người “organic” giữa thế giới không thực

30/10/2022 - 11:40

PNO - “Thế giới là một sân khấu lớn” - đại văn hào Shakespeare từng nói. Trong lịch sử điện ảnh, ít có bộ phim nào khám phá chủ đề này hay hơn "The Truman show "- tác phẩm kinh điển do tài tử Jim Carrey thủ vai chính.

Ra đời năm 1998, bộ phim kể về Truman Burbank (Jim Carrey) - một người đàn ông bình thường sống ở hòn đảo lý tưởng Seahaven (ẩn dụ cho thiên đường). Anh ta không hề hay biết mình đang sống trong một phim trường khổng lồ, là ngôi sao chính trong show truyền hình thực tế về cuộc đời anh phát sóng trực tiếp 24/7.

Vai diễn Truman Burbank chứng tỏ Jim Carrey là diễn viên chính kịch thực lực
Vai diễn Truman Burbank chứng tỏ Jim Carrey là diễn viên chính kịch thực lực

Truman đã được một công ty nhận nuôi từ bé và lớn lên mà chẳng hề biết mình đang sống trong phim trường. Những hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè của Truman đều là các diễn viên được thuê để đánh lừa anh rằng thế giới xung quanh là thực. Vô số máy quay được giấu kín để ghi lại hoạt động và phản ứng hằng ngày của Truman.

***

The Truman show nhanh chóng trở thành hiện tượng phòng vé, thu về hơn 260 triệu USD so với kinh phí 60 triệu USD, cùng hàng chục đề cử và giải thưởng danh giá cho đoàn phim. Vai diễn Truman Burbank thiết lập vị trí của Jim Carrey là diễn viên chính kịch thực lực, cũng như củng cố vị trí của đạo diễn gạo cội Peter Weir trong làng điện ảnh thế giới.
Ngay từ mở đầu, The Truman show đưa người xem thẳng đến Chương trình Truman - với lời đề giới thiệu ngôi sao Truman, đạo diễn Christof (Ed Harris) và cuộc phỏng vấn các diễn viên vào vai vợ và bạn của Truman. Cú twist lớn được tiết lộ ngay đầu phim với khán giả, chỉ có Truman không biết điều đó.

Trớ trêu thay, đoạn mở đầu cũng vẽ lên hai bối cảnh trái ngược. Trong khi đạo diễn Christof lý giải chất không giả dối của chương trình, thì Truman - con người thật nhất trong thế giới anh sống - đang tự nói chuyện vơ vẩn với chính mình trong gương, không hề biết phía sau là máy quay đang truyền trực tiếp hình ảnh của anh.

Việc ghi lại được những phản ứng “không giả dối” của Truman trở thành nỗi ám ảnh xuyên suốt bộ phim, hiện hữu trong toàn bộ các nhân vật và diễn biến. Giữ nguyên ý tưởng “khán giả cũng là người xem show”, chúng ta theo chân Truman từ những góc quay hẹp bo tròn màn hình, hình giãn các góc vì là camera giấu kín, ngụy trang trong vật dụng hằng ngày quanh anh.

Nhưng nhờ vậy, người xem được biết về những bí mật của anh, từ lén lút tìm thông tin và ghép hình ảnh người yêu cũ, đến khi tâm lý anh tuột dốc vì ngờ vực người thân và dần phát hiện cuộc sống quanh mình là giả tạo. Người xem yêu mến anh, gắn kết với anh, tưởng như biết hết những điều anh suy nghĩ mà dần sa vào cái bẫy như anh nói ở cuối phim: “Các người chưa bao giờ gắn được máy quay vào trong đầu tôi”.

Bộ phim còn mang tính trào phúng khi mô tả cách thức hoạt động của ngành quảng cáo Mỹ. Chương trình về Truman được duy trì kinh phí nhờ tỷ suất xem cao và các hãng đặt hàng nhiều quảng cáo trong show. Trong những hoạt động hằng ngày của Truman, máy quay sẽ lia tới các sản phẩm được sắp đặt trong phim trường để quảng bá. Cả bộ phim luôn sáng bừng như một chiếc TVC về cuộc đời viên mãn, an bình. Rồi chính nguồn thu từ quảng cáo lại được dùng để duy trì thế giới giả trói buộc Truman, như một ẩn dụ về việc lún sâu con người thật vào thế giới ảo.

Truman càng đi tìm chân tướng về thế giới, bộ phim càng đẩy lên đến cao trào và các nhân vật xung quanh Truman càng “sống thật” với bản thân, lộ nguyên bản chất con người họ. Người vợ Meryl (Laura Linney) chỉ là một kẻ được thuê để “yêu” Truman, nên chưa từng tìm cách đối thoại hay hiểu anh. Với hàng ngàn máy quay luôn chĩa vào anh, cô gặp anh giống như đang ra sân khấu với một thái độ làm vợ hạnh phúc đến chuyên nghiệp.

Meryl luôn nở nụ cười tươi hết cỡ và không bao giờ nói gì chệch đi ngoài kịch bản. Thật lòng, cô chán ghét Truman và cảm xúc đó dần lộ qua những thái độ bộc phát. Ngay khi gặp sức ép và cãi nhau với Truman, cô không tìm cách hòa giải với chồng mà hoàn toàn “đánh rơi” nhân vật do không còn kiểm soát được anh.

Kiểm soát và thao túng - hai chủ đề xuyên suốt bộ phim thể hiện rõ nhất qua nhân vật Christof - đạo diễn của chương trình về Truman. Diễn viên Ed Harris đã có vai diễn để đời khi hóa thân một kẻ cho mình có toàn quyền quyết định. Ông bộc lộ niềm tin sắt đá vào bản thân, vào cuộc sống ông cho là hạnh phúc của Truman, qua suy nghĩ: “Con người chấp nhận cuộc sống diễn ra trước mắt mình như nó vốn thế” - một liên tưởng đến ngụ ngôn Cái hang của Plato. Những người tù được nuôi lớn trong hang, chỉ được nhìn thấy cái bóng của con ngựa gỗ sẽ mãi nghĩ rằng đó là con ngựa thực, chỉ người tù nào được ra khỏi hang mới biết đến con ngựa sống ở ngoài kia.

Vị đạo diễn đánh giá, kiểm soát từng sự kiện trong đời Truman từ phòng kiểm soát Mặt trăng khổng lồ trong studio vòm cầu Seahaven. Ông không bỏ qua bất cứ cơ hội nào để ghi hình anh, mớm từng lời thoại cho các diễn viên đóng cùng Truman ở những giây phút chân thành và lay động nhất của cuộc đời anh. Thậm chí, ông đi xa đến mức gây chấn thương tâm lý cho Truman khi còn nhỏ, qua việc dàn dựng cái chết của nhân vật người cha Truman, khiến cậu sợ biển cả mà không dám đi xa. 

Phim The Truman show trailer:

 

 

Vậy nhưng, ở cao trào của phim, ta bắt gặp một bộ mặt nữa của vị đạo diễn: ông yêu thương Truman như con mình, như một tạo vật do mình làm ra. Ông bực tức khi anh không nghe lời và trêu ngươi mình, đến nỗi “giơ cao” và cho anh vật vã vì cơn bão lớn, để rồi lại hối hận như một người cha “đánh” con quá đau. Ở điểm chuộc lỗi của nhân vật, người cha trong ông đã lấn át nỗi ám ảnh “sự chân thật” của vị đạo diễn; ông sẵn sàng bỏ qua và đón nhận Truman quay lại cuộc sống giả dù anh đã biết mọi chân tướng, chỉ để anh được sống trong một nơi “không phải sợ bất cứ điều gì.”

***
Vậy, trong cả cuộc đời Truman, liệu có điều gì là thật? Chút ít điều đó nằm ở nhân vật Marlon, người bạn thân từ năm 7 tuổi của Truman. Người xem dễ dàng thấy ngay mặc cảm tội lỗi trong lời nói và ánh mắt của Marlon (Noah Emmerich) khi anh bắt buộc phải nói dối Truman. Bên cạnh Truman, đây có thể nói là nhân vật đáng thương nhất bộ phim. Thời điểm Truman nhận ra bản chất của Marlon, anh quyết định từ bỏ tất cả cuộc sống cũ, chuyển từ phản ứng bộc phát sang lên kế hoạch tẩu thoát tinh vi.

Chỉ có một kim chỉ nam: người phụ nữ trong suốt bộ phim đã khát khao điều tốt nhất cho Truman, muốn anh được nắm quyền quyết định cuộc sống của mình là Sylvia (Natascha McElhone) - diễn viên đóng vai phụ trên phim trường nhưng vô tình phải lòng Truman. Truman yêu cô một cách tự nhiên và thật lòng, một điều không có trong kịch bản, không nằm trong tính toán của “người cha” Christof. Cuối cùng, điều này lại là động lực thúc đẩy anh đi tìm sự thật cho bản thân.

Tiền đề thú vị của The Truman show có thể được xây dựng thành một phim trinh thám giả tưởng hoặc hài kịch đen tối. Tuy nhiên, đạo diễn Peter Weir và tài tử Jim Carrey đã chuyển hướng kịch bản sang chính kịch. Khán giả biết rõ tình thế của Truman từ đầu phim nhưng vẫn thích thú dõi theo anh để xem diễn biến câu chuyện. Một phần sự cuốn hút đó đến từ Jim Carrey qua vai diễn xuất sắc bậc nhất sự nghiệp. Sự lạc quan, cảm xúc đau khổ hay quyết tâm đều được tài tử thể hiện thuyết phục trên màn ảnh.

Truman đã vượt qua nỗi sợ những điều không biết và học cách đón nhận nó - bài kiểm tra cuối cùng để trưởng thành. Anh đã trở thành một “True Man” - con người đích thực. Khi thế giới ảo ngày càng chiếm lĩnh đời sống hiện đại, bộ phim càng khiến người xem suy nghĩ về sự giả và thật trong cuộc sống cùng câu chuyện về hiện sinh của mỗi người. 

Ân Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI