COVID-19 tăng nguy cơ khủng hoảng lương thực

18/04/2020 - 06:00

PNO - Khi các chính phủ hạn chế mở cửa và tìm cách bảo tồn các nguồn thực phẩm của riêng mình, đại dịch COVID-19 có nguy cơ phá vỡ chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu.

Mọi quốc gia đều đối mặt vấn đề lương thực

Nga - nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - đang hạn chế xuất khẩu ngũ cốc từ tháng 4- 6/2020. Trong khi đó, Ai Cập - nhà nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới - tăng cường mua ngũ cốc và ngừng xuất khẩu các loại đậu.

Kịch bản về tình trạng thiếu lương thực đang lặp lại viễn cảnh của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, khi các nhà xuất khẩu lớn hạn chế xuất khẩu và các nước khác bắt đầu tăng nhập khẩu thực phẩm để dự trữ, đẩy giá cả lên cao.

Hiện nay, hạn chế thương mại và đầu cơ tích trữ góp phần gia tăng khủng hoảng và làm gián đoạn thêm chuỗi cung ứng. Các thành phố ở Argentina - nhà xuất khẩu sản phẩm đậu nành lớn nhất thế giới, đã đóng cửa nhiều tuyến đường chính trong các khu vực sản xuất nông nghiệp lớn, phớt lờ yêu cầu duy trì cung ứng của chính phủ liên bang.

Điều này dẫn đến việc nguồn cung cấp ngũ cốc của đất nước thu hẹp một nửa cho đến khi các thành phố nới lỏng hạn chế. Các hạn chế toàn cầu về di chuyển khiến hàng triệu công nhân nhập cư tham gia vào sản xuất nông nghiệp và thực phẩm hiện đang “án binh bất động” vì các cuộc kiểm tra biên giới gắt gao. Điển hình như lao động thời vụ từ Đông Âu vắng mặt tại các trang trại của Tây Ban Nha, Đức, Ý và Pháp.

Một nông trại ở California (Mỹ)  phải cắt bỏ những dây cà chua vì thiếu nhân công thu hoạch.
Một nông trại ở California (Mỹ) phải cắt bỏ những dây cà chua vì thiếu nhân công thu hoạch.

Việc sản xuất nhóm cây trồng chủ lực như lúa mì, ngô và đậu nành ít bị ảnh hưởng bởi lệnh giãn cách xã hội nhờ quy trình canh tác cơ giới hóa. Ngược lại, trái cây và rau quả tươi phụ thuộc vào con người để thu hoạch, chế biến và đóng gói. Trái cây và rau quả cũng dễ hư hỏng, vì vậy các vấn đề hậu cần và vận chuyển thậm chí còn quan trọng hơn.

Vận chuyển chiếm 90% tất cả hoạt động thương mại toàn cầu, bao gồm cả thương mại thực phẩm. Do biện pháp đóng cửa biên giới, các tàu thương mại không thể tự do tiếp cận các cảng hoặc cần thay đổi thủy thủ đoàn.

Không có quốc gia nào miễn dịch với khủng hoảng và người tiêu dùng dần cảm nhận tác động khi giá lúa mì thế giới tăng 8% và giá gạo tăng 25%. Tại Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi, giá gạo tăng hơn 30% chỉ trong bốn ngày cuối tháng 3.

Các nước nghèo sẽ bị ảnh hưởng nặng nề hơn, bởi người dân ở đó không thể chi trả cho thức ăn đắt hơn. Những quốc gia thường nhập khẩu nhiều thực phẩm hơn xuất khẩu chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì giá cả leo thang và tiền tệ yếu hơn.

Chung tay phòng chống khủng hoảng lương thực

May mắn, tình hình ngày nay rất khác so với năm 2008 và thế giới có thể phòng tránh tình trạng thiếu lương thực toàn cầu. Trung Quốc, Nga và Mỹ là những quốc gia sở hữu nguồn cung nội địa, kho dự trữ tốt. Vì vậy, tích trữ thực phẩm trong dân chúng chỉ mang tính tâm lý hoảng loạn tạm thời. Các quốc gia và nhà đầu tư cũng có nhiều kênh thông tin minh bạch giữa điều kiện thị trường cải thiện hơn.

Điều quan trọng cần thực hiện là duy trì các kênh thương mại. Cả nhà xuất khẩu và nhập khẩu thực phẩm đều cần xem xét gỡ bỏ rào cản thương mại để đối phó với đại dịch. Các cảng và hoạt động vận chuyển toàn cầu nên tiếp tục hoạt động, miễn là họ thực hành các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, đảm bảo rằng công nhân khỏe mạnh và các tàu vận chuyển an toàn.

Người nghèo chờ nhận thức ăn tại một trung tâm hỗ trợ của chính phủ ở New Delhi, Ấn Độ.
Người nghèo chờ nhận thức ăn tại một trung tâm hỗ trợ của chính phủ ở New Delhi, Ấn Độ.

Quốc gia nên tạm thời giảm thuế để tạo điều kiện cho xuất nhập khẩu, đồng thời gia tăng xúc tiến thương mại và giao thông khu vực. Những biện pháp này sẽ ổn định thị trường thực phẩm trên toàn thế giới và ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực. 

Chính phủ phải nhanh chóng hợp tác cùng nhau để chuyển thực phẩm từ nơi sản xuất đến nơi cần thiết nhất. Vào ngày 1/4, cơ quan quản lý hàng hải Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi các quốc gia tuyên bố những người đi biển, nhân viên cảng và các công nhân hàng hải khác là nhân viên thiết yếu để đảm bảo dòng chảy thương mại.

Khi các quốc gia nhận ra rằng lợi ích tốt nhất nằm ở hợp tác, họ sẽ liên kết với nhau. Đầu tháng 4, các bộ trưởng nông nghiệp của 25 quốc gia Mỹ Latinh và vùng Caribbean đã ký thỏa thuận hợp tác để đảm bảo cung cấp thực phẩm cho khu vực 620 triệu người tiêu dùng. Mỹ cũng xem lao động nông nghiệp là một lực lượng lao động thiết yếu và cho phép những người nông dân từ Mexico sang nước này làm việc.

Cung cấp thực phẩm là một phần của phản ứng quốc tế trước đại dịch COVID-19. Áp lực trên vai các ngân hàng thực phẩm và bếp ăn xã hội nhấn mạnh tầm quan trọng của chính phủ trong nhiệm vụ ổn định thị trường thực phẩm. Với tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt ở nhiều quốc gia, điều quan trọng là đảm bảo bộ phận dân cư dễ bị tổn thương có thể tiếp cận với nguồn thực phẩm bổ dưỡng.

Tấn Vĩ (Theo Foreign Policy)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI