Thẩu chuối chần chờ tết

03/02/2022 - 06:46

PNO - Những ngày cuối năm bận rộn, nội vẫn tranh thủ làm mấy thẩu chuối chần để dành ăn dần trong mấy bữa tết ngán thịt và bánh.

Thường, tết quê bắt đầu từ 23 tháng Chạp. Sau khi đưa ông Táo về trời, bà con tất bật dọn dẹp nhà cửa, mua sắm chuẩn bị đồ đạc cho năm mới. Nhà này xẻ con heo chia cho cả xóm, nhà kia đem củ kiệu, cà rốt xắt lát ra phơi. Thịt heo muối mắm và dưa củ kiệu là hai món không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết, phải làm sớm mới kịp.

Riêng nhà tôi, thay cho dưa món, nội vẫn thường làm chuối chần để ăn cùng thịt muối. Hồi xưa nhà nghèo, ngày mang bầu tôi, hay tháng ở cữ, má đều nhờ món chuối chần của nội mà ngon miệng đưa cơm.

Nội chọn những trái chuối chát (chuối hột) hoặc chuối sứ còn xanh non, hạt mềm, cắt cả nải để làm. Đầu tiên nội rửa sạch chuối và bào gọt hết vỏ ngoài, cắt bỏ đầu ngọn, giữ lại cuống trang trí cho đẹp. Nội luôn dặn tôi phải chuẩn bị sẵn thau nước có vắt chanh, gọt xong trái nào thì bỏ vào ngâm rửa ngay cho chuối hết nhựa mủ và không bị thâm đen. 

Công đoạn khó nhất là cắt trái chuối thành những lát mỏng, nhưng không làm đứt lìa từng lát ra khỏi thân chuối. Để làm được như vậy, nội thường kẹp chiếc đũa tre vào trái chuối. Lưỡi dao cắt xuống bị giữ lại một chút bởi cây đũa, giúp những lát chuối vẫn còn dính lại với nhau. Bàn tay khéo léo của nội thái từng đường nhẹ nhàng, đều đặn, nhờ thế khi chần chuối và uốn tròn, hạt sẽ không bị lồi ra ngoài quá nhiều. Cắt tới đâu, nội ngâm chuối vào thau nước tới đó để chuối giữ màu trắng đẹp.

Cắt xong chuối, nội luộc trong nước sôi chừng hai phút rồi vớt nhanh ra cho vào thau nước đá lạnh. Cách làm này giúp chuối bớt vị chát, dễ ngấm gia vị hơn. Sau đó, nội ép từng trái chuối trên mặt thớt cho dẹp xuống, chảy hết nước bên trong ruột ra, cuộn tròn trái chuối lại tạo hình và xếp đều vào thẩu thủy tinh. Mặc dù ngoài chợ nhiều hũ nhựa tiện lợi, nhưng nội vẫn giữ thói quen dùng thẩu thủy tinh cho các món muối, ngâm thơm ngon.

Chế biến nước ngâm chuối chần cũng là tài hoa của người làm. Nước mắm, nước lọc, giấm, đường hòa theo tỷ lệ thích hợp, rồi nấu sôi, thêm ớt, tỏi, gừng giã nhuyễn vào. Đợi nước nguội, nội đổ vào thẩu chuối chần, ép chặt chuối ở dưới mực nước, khoảng hai, ba ngày sau là có thể dùng được.

Từng trái chuối chần gắp ra đặt trên đĩa, nhìn cứ như những con cá tròn đẹp xinh xinh, nên nội gọi là “cá chuối”. Nội hay đùa rằng tôi thích ăn “cá chuối” từ khi còn trong bụng mẹ. Chuối chần màu trắng ngà, mềm, thơm nồng gừng ớt, ngấm đều ngũ vị chua - ngọt - mặn - chát - cay.

Những ngày cuối năm bận rộn, nội vẫn tranh thủ làm mấy thẩu chuối chần để dành ăn dần trong mấy bữa tết ngán thịt và bánh.

Ngày má về làm dâu, má vụng về theo nội học nấu món này, bày ra món khác. Nội bảo, cái đảm đang khéo léo của người phụ nữ và tình thương cho chồng con đều gói ghém trong gian bếp. Bếp ấm, bữa cơm ngon, gia đình sẽ hòa thuận vui vẻ hơn.

Bây giờ ở Sài Gòn, nghe má nói có thẩu chuối chần má đặt góc bếp, tôi biết tết đang về bên hiên nhà.

Ny An

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI