Hương ổi bối rối

08/01/2022 - 08:48

PNO - Sau hai đêm, ổi trở mình chín, hương ổi thoang thoảng trong nhà, phòng khách, tràn xuống bếp, vào phòng ngủ, quyện với không khí se lạnh của Sài Gòn, quyện với hương ổi trong ký ức.

Vài ngày trước, trong lần ra chợ gần nhà mua thức ăn, tôi thấy xe ổi với những trái căng mọng, ruột đỏ hồng (ổi Ruby ruột đỏ) nên mua một ít về chưng. 

Chiến lợi phẩm sau một buổi trốn ngủ trưa
Chiến lợi phẩm sau một buổi trốn ngủ trưa, ruông ngoài vườn 

Sau hai đêm, ổi trở mình chín, hương ổi thoang thoảng trong nhà, phòng khách, tràn xuống bếp, vào phòng ngủ, quyện với không khí se lạnh của Sài Gòn, quyện với hương ổi trong ký ức.

Xưa, ở xóm nhỏ nhà bà ngoại tôi, nhà nào cũng trồng một hai cây ổi, có nhà trồng trước sân, có nhà trồng gần sàn nước hay sân sau. Mùa thu, hương ổi chín thoang thoảng, lan đến từng nhà, quyện vào không gian se lạnh sự yên bình và dễ chịu.

Số cây ổi nhà ngoại tôi gấp nhiều lần nhà khác, trải dài từ sân trước, hiên nhà, sàn nước đến hiên sau. Thi thoảng, mẹ và các cậu khi thì khuyên, khi thì càu nhàu về việc muốn chặt bớt ổi, trồng dặm những cây ăn trái khác. Mỗi lần như vậy, bà cười móm mém: “Nhà mình đông con đông cháu, một cây thì ai ăn ai nhịn”. Bà kiên trì như thế nên mỗi mùa ổi, tôi không thích đi rong khắp xóm, chỉ muốn nằm dài trên chiếc giường tre ngoài sân, để cả cơ thể được đẫm trong hương ổi chín.

Nhà bà ngoại có năm cây ổi khác nhau. Một cây là ổi sẻ có kích thước bằng quả trứng gà, vỏ dày, hột ít, vị chua, thơm vừa miệng. Cây thứ hai giống ổi đỏ tròn xoe đặc ruột, không chỉ ngọt mà để một trái trên bàn, hương thơm khắp phòng. Cây thứ ba là ổi xá lị đỏ trái nhỏ tròn như quả cam, khi chín chuyển qua màu trắng, rất dễ tìm thấy giữa tán lá xanh. Hai cây còn lại trái thường kết chùm, đó là ổi xá lị trắng to, thô; nhưng chùm ổi “đoàn kết” cùng xanh, cùng chín, cùng bị hái và thưởng thức.

Cắn miếng ổi, hương thơm trong ký ức dội về, rối lòng thương quê ngoại
Cắn miếng ổi, hương thơm trong ký ức dội về, rối lòng thương quê ngoại

Sau này bà ngoại có tuổi, cậu mợ bận rộn với việc buôn bán nên các cây ổi tự phát triển, đến mùa thì cho quả. Dù vậy, có thể do đất trong vườn nhà ngoại màu mỡ, hoặc vùng đất Tây Nguyên lượng mưa tạm ổn, nên tới mùa, cây nào cũng lúc lỉu trái. Bọn trẻ muốn ăn chỉ cần vin cành mà hái hoặc lấy cây để đứa khèo, đứa lượm. 

Vào mùa ổi thì ăn đã nư, nhưng các tháng còn lại, hai chị em tôi vác tìm ngày này sang ngày khác, mặt ngước lên trời hay vạch từng cành thấp lòa xòa mới phát hiện những trái ổi “lạc mùa”. 

Ổi lạc mùa được săn đón kỹ lắm. Khách viếng và bấm móng tay thường xuyên. Ai may mắn bấm móng tay vào lúc ổi chuyển ương thì may mắn như trúng vé số, ai bấm trúng lúc trái còn xanh cứng thì ngược lại. Có lần tôi òa khóc nức nở vì trái ổi mình “me” đã lâu bị con cậu Tư ăn mất. Lúc đó, bà ngoại phải đền cho tôi một bịch bánh, mới… tạm yên. 

Vì dịch COVID-19, tôi ở nhà nhiều hơn nên mới có thời gian tận hưởng hương ổi chín, cảm nhận mùi hương tưởng như đã chìm trong ký ức. Tôi cắt đôi trái ổi, màu hồng hiện ra bắt mắt, nhưng vị ổi không giống xưa: vẫn ngọt, nhưng trái không chắc, không thơm đậm. Dù vậy, cứ mỗi miếng cắn, cảm xúc trong tôi lại ùa về, rối lòng thương quê ngoại.

Nhẩm tính thời gian, đã hai năm do dịch giã, tôi chưa đi thăm quê mẹ, không thể thắp nén nhang cho bà, không được lang thang trong vườn tìm những trái ổi “lạc mùa” hay bấm móng tay nếu may mắn phát hiện một trái ương chuyển màu vàng trên cao…

Huỳnh Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI