Thấu cảm người khác cũng là yêu thương chính mình

12/01/2021 - 07:02

PNO - "Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi" (Nhà xuất bản Trẻ) là kết tinh từ sự chiêm nghiệm và câu chuyện có thật mà Lê Nguyễn Nhật Linh chứng kiến.

Phóng viên: "Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi" có gì khác biệt so với "Đến Nhật Bản học về cuộc đời" từng rất nổi tiếng của chị?

- Lê Nguyễn Nhật Linh: Hai tác phẩm theo đuổi hai góc nhìn về những đề tài khác nhau. Nhưng có một điều thú vị của hai quyển sách về mặt đối xứng, đó là: khi viết Đến Nhật Bản học về cuộc đời thì tôi đang bị trầm cảm, còn đi qua trầm cảm vài năm rồi mình mới viết Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi.

Tác phẩm chia sẻ với người trầm cảm
Tác phẩm chia sẻ với người trầm cảm

Quyển sách này dành cho chính tôi và cũng dành cho tất cả mọi người. Những người đang chật vật trong khó khăn, bế tắc về tinh thần có thể tìm thấy ánh sáng, hướng đi về phía tích cực. Những người bình thường có thể một lần bước vào thế giới những người bị trầm cảm để thấu hiểu và chia sẻ với nhau hơn, để sống trân trọng và quan tâm nhau hơn.

Nếu nhìn theo hướng tích cực thì mọi sự đều có niềm vui và nỗi buồn, thông điệp của cuốn sách có thể đơn giản là bỏ lại năm cũ để có một cái mới hơn, hạnh phúc hơn. Chỉ cần giữ được hy vọng thì mọi chuyện sẽ tốt lành thôi.

* “Hiểu người khác, suy cho cùng cũng là để hiểu chính mình” - câu này của chị có ý nghĩa gì?

Nếu mình cứ sống bình thường từ ngày này qua ngày khác, cứ trôi đi, mà không hiểu người khác vui hay buồn thì mình cũng chưa chắc hiểu chính mình. Hiểu người khác, suy cho cùng cũng là để hiểu chính mình. Hiểu mình hơn, để cảm thông hơn với ai đó có cuộc không giống chúng ta.

Hiểu để không một ai phải nói âm thầm khi đã rất tuyệt vọng và cô độc: “Giá ngày tháng ấy có người hiểu tôi…” nhưng chúng ta bỏ qua họ như mây trôi gió thoảng.

Hiểu để chúng ta không phải tiếc nuối đau khổ, vì mất đi một ai khi họ trầm cảm mà mình vô tâm. Đừng đứng giữa một đám tang mới muộn màng cầu nguyện trong sự day dứt: “Giá mà người đó vẫn còn sống, như ngày hôm qua!”.

Tác giả 9X Lê Nguyễn Nhật Linh
Tác giả 9X Lê Nguyễn Nhật Linh

* Trong vai trò là người có ảnh hưởng nhất định tới giới trẻ, chị nghĩ mình sẽ có trách nhiệm như thế nào đối với ngòi bút của mình?

Tôi sẽ phản ánh sâu rộng hơn, không chỉ viết gì mà quan trọng hơn là viết như thế nào, không chỉ đậm tính lý thuyết mà còn có thực tế. Tôi không thể lựa chọn được cảm xúc, vì nó sẽ bám sát vào cuộc đời và mình phản ánh nó là như vậy, cũng không cố gắng để nó trở nên hoàn mỹ và vui tươi hơn. Thông qua cuốn sách này cũng vậy, độc giả sẽ bước vào "thế giới" những người trầm cảm để thấy được suy nghĩ của họ.

* Đến giờ, chị đã tìm thấy sự cân bằng và bình an trong cuộc sống?

Thật ra những người theo nghệ thuật dường như họ không chấp nhận cuộc sống bình yên. Cái sự sáng tạo liên tục buộc họ phải làm mới cảm xúc liên tục, khái niệm bình yên có lẽ hợp với nghề khác hơn. Vì để sáng tạo được thì thật ra không hề đơn giản. Tôi sẽ để cảm xúc đến tự nhiên. Lúc vui, mình sẽ vui với niềm vui đó, lúc buồn mình cũng để như vậy. Không quá can thiệp vào nó, tùy vào thời điểm.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Lê Nguyễn Nhật Linh, sinh năm 1992, là cây bút trẻ được bạn đọc yêu thích kể từ khi cô xuất bản cuốn sách Đến Nhật Bản học về cuộc đời. Các tác phẩm sau đó: Vị hôn, Nín đi con.

Uyên Thy (thực hiện).

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI