Tấm bia trút giận

22/01/2016 - 07:53

PNO - “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, sao vợ tôi không xây mà phá? Sao cô ấy thay đổi nhanh đến vậy?

Gửi chị Hạnh Dung,

Tôi chỉ là một cậu bé nhà quê lên thành phố học. Hơn mười năm sau khi tốt nghiệp đại học, từ hai bàn tay trắng tôi đã có công ty riêng, vài căn nhà, vài tỷ tiền tiết kiệm… Tôi cũng kịp có vợ, hai con, con lớn đã bốn tuổi.

Tôi là người nóng tính, khi nóng giận lại không kiềm chế được bản thân, hành xử thiếu suy nghĩ, bất chấp hậu quả; dù lúc nguội lại tôi luôn hối hận vì những gì đã gây ra, tìm mọi cách chuộc lỗi. Do khao khát làm giàu, do dồn hết tâm sức kiếm tiền, áp lực công việc nặng nề khiến tôi càng dễ nóng giận những lúc gặp chuyện không như ý. Không giải tỏa được ở công ty, tôi ôm những bực tức đó về nhà, trút hết lên vợ.

Ban đầu, khi còn ở nhà nội trợ, những lúc bị tôi trút giận bằng những lời lẽ và thái độ nặng nề, thô bạo, vợ tôi vẫn nín nhịn, không phản ứng lại. Sau cơn điên giận, tôi tìm cách an ủi, chuộc lỗi, cũng chẳng thấy vợ trách móc gì. Cứ thế ngày qua ngày, tôi ảo tưởng vợ hiểu tính mình, yêu thương mình nên cảm thông, tha thứ.

Hóa ra không phải vậy! Khi hai con đều đi nhà trẻ, vợ tôi khăng khăng đòi ra ngoài làm việc, không chịu ở nhà sống dựa vào chồng nữa. Đến lúc này, khi đã có thể độc lập điều hành một công ty, cô ấy gần như thay đổi hẳn thái độ ứng xử với tôi, phản kháng quyết liệt chứ không cam chịu làm bia cho tôi trút giận nữa. Tôi càng làm dữ, cô ấy càng công khai tỏ thái độ không còn muốn tiếp tục cuộc sống vợ chồng.

Một lần tôi tuyên bố: “Nếu em thấy không sống được với anh thì mình chia tay”; cô ấy đã nói ngay: “Anh viết đơn đi, em ký!” Nghĩ đến hai con, tôi xuống nước. “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, sao vợ tôi không xây mà phá? Sao cô ấy thay đổi nhanh đến vậy? Tôi một lòng vun đắp cho gia đình, chẳng lẽ cô ấy không hiểu?

Thịnh (TP.HCM)

Tam bia trut gian
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Bạn Thịnh mến,

Vợ bạn không hề thay đổi như bạn nghĩ; chỉ là hoàn cảnh thay đổi nên cô ấy có điều kiện thể hiện cảm xúc thật của mình. Lúc trước, cô ấy nín nhịn vì đang phải sống lệ thuộc, đang còn bận chăm hai con nhỏ, phải lùi một bước để được yên thân. Cũng có thể, đó là thời gian vợ chồng mới chung sống, cô ấy còn nuôi hy vọng bạn sẽ còn thay đổi, sẽ dần biết cư xử với vợ tốt hơn…

Tuy nhiên, nín nhịn không có nghĩa là không đau lòng, cay đắng, bức xúc. Người vợ làm sao có thể tìm thấy hạnh phúc và sự bình yên trong căn nhà luôn nặng nề không khí “khủng bố” như vậy?

Đúng là “đàn bà xây tổ ấm” nhưng bạn đã biến cái “tổ ấm” đó thành “địa ngục”, vợ bạn còn gì để “xây”? Những uất ức đó ngày qua ngày chồng chất, dồn nén sau cái mặt nạ nhịn nhục của vợ bạn, chỉ chờ có điều kiện là bùng nổ.

Khi độc lập quản lý một công ty, vị thế và giá trị bản thân của vợ bạn đã khác, đã chẳng còn gì bó buộc cô ấy phải nén lòng thêm nữa. Đừng trách vợ sao không biết nhường nhịn chồng, không chịu “xây tổ”, bạn nên tự trách bản thân đã không biết yêu thương, trân trọng vợ, tự hủy hoại hạnh phúc gia đình.

Giờ cuộc hôn nhân của bạn đã kề bên bờ vực. Tuy nhiên, còn nước còn tát, bạn hãy gắng hết sức trước khi buông tay bỏ cuộc. Chúng ta đã thấy nguyên nhân chính là do bạn không biết tự kiềm chế, đem vợ ra làm bia giải tỏa stress, nên phải chấm dứt ngay sai lầm này.

Hãy tìm cách nói chuyện với vợ một cách nhẹ nhàng, chân thành; không tranh cãi, dồn ép; giãi bày cho cô ấy hiểu bạn đã nhận ra sai lầm của mình, hứa hẹn sẽ sửa đổi. Hãy làm cho vợ bạn thấy rõ, bạn không cố tình làm khổ hay thiếu tôn trọng cô ấy, mà luôn thật tâm yêu thương vợ con, hết lòng vun đắp gia đình và tha thiết muốn níu giữ hôn nhân; đề nghị cô ấy vì tình nghĩa, vì các con mà bỏ qua cách ứng xử của bạn trước đây, cho bạn thời gian khắc phục…

Lời nói của bạn phải đi đôi với việc làm, phải cụ thể, rõ ràng sao cho cô ấy có thể nhìn thấy ngay được. Ngoài ra, bạn cũng cần dành thêm nhiều thời gian cho vợ con, sắp xếp những chuyến dã ngoại, du lịch chung để thay đổi không khí, giúp cả nhà gần gũi hơn…

Tiền bạc kiếm được bao nhiêu cũng vẫn là không đủ, nên khi đã tạm yên tâm với chuyện cơm áo, bạn hãy dành thời gian cho những thứ quý giá hơn, cần được giữ gìn hơn. Hy vọng bạn còn cứu vãn kị p.

Hạnh Dung

(hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày từ thứ Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI