Tác giả bức ảnh ‘người đàn ông rơi’ kể lại ký ức kinh hoàng của thảm kịch 11/9

12/09/2017 - 14:00

PNO - “Falling man” có lẽ đã trở thành “biểu tượng” của ngày 11/9/2001, khi hình ảnh có một không hai đó nhiều năm sau vẫn còn khiến cả thế giới phải nhớ đến.

Bức ảnh được nhiếp ảnh gia nổi tiếng Richard Drew ghi lại khi ông đang tác nghiệp gần Tòa Tháp đôi ngay tại thời điểm chúng bị hai chiếc máy bay đâm vào.

Đến nay, danh tính của người trong bức ảnh vẫn còn là một ẩn số, chính vì vậy, bức ảnh này vẫn chỉ có tên là “The Falling Man” (tạm dịch: “Người đàn ông rơi”). 

Tac gia buc anh ‘nguoi dan ong roi’ ke lai ky uc kinh hoang cua tham kich 11/9
Bức ảnh "Falling Man". Danh tính của người đàn ông này vẫn chưa rõ, chỉ biết rằng đây là một trong số 200 người, theo ước tính, chọn lựa cách kết thúc cuộc đời bằng việc nhảy ra khỏi tòa tháp bốc cháy.

Dù vậy, vẫn có nhiều ý kiến chỉ trích Richard Drew đã cố tính “khai thác đau thương” để gây dựng danh tiếng cho mình.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, phóng viên ảnh nổi tiếng này đã phản bác lại những chỉ trích đó một cách thẳng thắn. Ông khẳng định mãi đến bây giờ, bản thân mình vẫn chưa từng quên thảm kịch 11/9, nhưng công việc là công việc.

Dưới đây là toàn bộ chia sẻ của Richard Drew mới đây trên tờ The Daily Beast.

“Tôi đã tác nghiệp tại Giải tennis Mỹ mở rộng trong 2 tuần liên tục. Giải kết thúc vào hôm Chủ nhật, vì thế, tôi được nghỉ ngày thứ Hai và đến sáng thứ Ba thì bắt tay vào chụp ngày đầu tiên của Tuần lễ Thời trang New York.

Nhiệm vụ của tôi là chụp show trình diễn thời trang cho các bà bầu của thương hiệu Liz Lange tại Công viên Bryant. Tôi bắt chuyện với một anh quay phim của đài CNN ở hậu trường (người này cũng đang ghi hình show diễn) thì đột nhiên, anh ấy đưa tay lên tai và hét to: “Có vụ nổ ở WTC… một chiếc máy bay đã đâm vào nó”.

Liền lúc đó, tôi cũng nhận được cuộc gọi từ biên tập viên với giọng thất thanh “Vứt ngay cái show thời trang đó đi. Ông phải đến WTC ngay”.

Tôi hớt hải bắt 3 tuyến tàu điện đến WTC. Lúc đó chưa đến 9h sáng.

Khi leo thang bộ từ ga điện ngầm lên mặt phố, tôi ngước mắt và chứng kiến cả hai tòa tháp đều đang bốc cháy dữ dội. Ngay lâp tức, tôi bắt đầu bấm máy. Tôi chụp được một người đàn ông đi về phía tôi, đầu đang chảy máu ròng ròng. Tôi đoán là do bị mảnh vỡ văng vào.

Một số cảnh sát đang phong tỏa các khu vực có nhiều mảnh vỡ văng tung tóe. Ô tô và cửa sổ vỡ nát. Tôi bước chậm chạp đến cánh trái của tòa nhà trên đường West Side Highway vì gió đang thổi từ tây sang đông. Tôi không muốn khói chắn mất tầm nhìn của mình. Cuối cùng, tôi dừng lại ở góc tây bắc giao giữa đường West và phố Vesey – nơi các xe cứu thương đang tập kết.

Từ vị trí này, tôi có tầm nhìn lý tưởng đối với cả hai tòa tháp. Tôi đang cầm một chiếc Nikon DCS-620 với ống kính zoom 70 – 200mm. Và tôi bắt đầu tác nghiệp nhiệm vụ được tòa soạn giao.

Là một phóng viên ảnh, cũng như mọi phóng viên khác trong tình huống đó, chúng tôi phải chạy đến hiện trường thay vì bỏ chạy khỏi đó khi thảm họa xảy ra. Có mặt tại hiện trường, chúng tôi làm công việc của mình và ghi lại cảnh tượng khi ấy. Tôi không có thời gian để mà nghĩ xem mình có sợ hay không. Tất cả những gì tôi nghĩ là chỉ đảm bảo mình không bỏ lỡ bất cứ khoảnh khắc nào.

Đó là một tư duy đã găm vào đầu ngay từ những ngày đầu vào nghề. Bạn phải gắn bó với nghề báo, nhớ rõ công việc của mình là gì và không được để cảm xúc xen ngang. Máy ảnh cũng giống như bộ lọc của chính tôi vậy. Thay vì trực tiếp trải nghiệm cảnh tượng thì tôi nhìn sự việc thông qua camera. Mọi cảm xúc đều được gạt bỏ ở bên ngoài”.

Khi ấy, Drew đang đứng ngay cạnh một sỹ quan cảnh sát New York. Và họ nhận thấy bắt đầu có người nhảy ra khỏi hai tòa tháp.

“Chúng tôi không biết vì sao họ lại nhảy, có thể vì bị ngạt khói. Tôi đã chụp được cảnh nhiều người nhảy ra khỏi tòa nhà, trong đó có loạt ảnh “Falling man”. Tuy nhiên, tất cả là nhờ cơ chế chụp liên hoàn của máy. Nói cách khác, chính chiếc máy đã chụp được khoảnh khắc đó, chứ không phải nhờ mắt và ngón tay của tôi. Bạn có tưởng tượng được con người rơi nhanh thế nào hay không? Cực nhanh, nhất là ở độ cao như vậy.

Nếu như bạn chủ định ngắm và chụp, bạn sẽ mất thời gian lấy nét, nhấn nút… nhưng khi xong xuôi thì có lẽ họ đã rơi khỏi khuôn hình mất rồi”.

Sau khi tòa tháp đầu tiên đổ sập, Drew rời xuống Đại lộ North End nơi mọi người đang được sơ tán khẩn cấp. Một sỹ quan cảnh sát yêu cầu Drew rời đi vì lo sợ các tòa nhà khác sẽ bị chấn động và đổ theo. Tuy nhiên, Drew muốn tiếp tục bám trụ hiện trường. Ông giấu mình bên trong một bụi cỏ lớn và ngoài tầm quan sát của viên sỹ quan nói trên để không bị “đuổi”.

Drew bắt đầu lấy ống zoom 70 – 200mm ra, đổi ống kính nhỏ hơn và giơ máy ảnh lên để chụp tòa tháp còn lại. Ngay lúc ấy, phần nóc của tòa nhà phát nổ, khói bốc kín đen bầu trời. Bụi và mảnh vỡ tràn đến chỗ Drew và ông tự nhủ đã đến lúc phải rời đi.

Drew phải cuốc bộ về văn phòng của AP tại Rockefeller Center vì mọi phương tiện giao thông công cộng đều đã ngừng hoạt động. Người của ông phủ một lớp bụi dày, như một thông điệp ngầm “Tôi vừa từ WTC trở ra”.

“Tôi chưa từng đếm đã chụp được bao nhiêu người nhảy khỏi tòa tháp sáng hôm ấy. Tôi nghĩ có khoảng 7 – 8 bức trong loạt ảnh “Falling Man” đó. Người đàn ông trong ảnh mặc áo trắng và bạn có thể nhìn thấy anh ấy mặc áo phông màu cam bên trong. Tôi không muốn tìm hiểu kỹ hơn xem anh ấy là ai. Với tôi, đó chưa bao giờ là mối ưu tiên.

Với tôi, đó là một khoảnh khắc rất tĩnh lặng. Không hề có tính bạo lực theo bất cứ cách nào. Tôi nghĩ nhiều người sợ bức ảnh đó vì họ cảm thấy đó có thể là số phận của chính mình.

Đó cũng là một bức ảnh vô tình rất đối xứng giữa tòa tháp phía bắc và tòa tháp phía nam. Còn Falling Man thì gần như giống một mũi tên lao xuống.

Tôi không bị ám ảnh bởi bức ảnh đó. Tôi chỉ thấy thú vị vì đến tận bây giờ, mọi người vẫn còn muốn bàn luận về nó. Tôi cũng hơi khó hiểu vì nhiều người đánh giá đó là bức ảnh biểu tượng và là một tài sản quý trong di sản nhiếp ảnh của tôi. Nghe có vẻ lạnh lùng và vô cảm, nhưng đó chỉ là một trong nhiều bức ảnh mà tôi chụp ngày hôm đó. Bản thân tôi chưa bao giờ nghĩ đó là một bức ảnh biểu tượng cả”.

Phương Lâm (Theo Daily Beast)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI