Tác dụng phụ của "xăng mồi"

09/01/2022 - 22:29

PNO - Các bộ phim phòng the có tác dụng phụ gì không? Có gây nghiện không? Tôi lo lắng khi thấy chồng lạm dụng "xăng mồi".

Mỗi lần gần gũi, chồng tôi đều phải nhờ “xăng mồi” - tức các bộ phim “chuyên đề” chuyện ấy. Nhờ vậy, chuyện vợ chồng của chúng tôi “sống sót”, nhưng có vẻ phương pháp này bắt đầu tác động tiêu cực đến anh ấy.

K.Thi (TP.HCM)

“Xăng mồi” có lợi cũng có hại, cũng như mọi liều thuốc đều có tác dụng phụ. Bằng mặt không bằng lòng là tác dụng phụ đầu tiên. Cái giá to nhất và thảm nhất của liều “xăng mồi” là sự tự tin. Chính sự mạnh vì gạo bạo vì tiền của mấy bộ phim “chuyên đề” là kẻ cầm dao đâm thẳng sự tự tôn của các ông. Càng nguy khi những phát “kích tim” lại rất thường nhắm trúng chính khuyết điểm - thứ mà các ông cần chạy thuốc. Minh họa, khổ nạn phổ biến khiến các ông cần cầu cạnh là bệnh khó cương và sức bền kém.

Trong khi đó, trên phim, các ông thấy toàn “cao thủ”. Thoạt đầu, các ông thường du di cho qua nhưng rồi cái nỗi trông người ngẫm đến ta sẽ âm thầm gặm nhấm. Một lúc nào đó, từ mật ngọt, điều này sẽ quay sang xát muối chính nạn nhân. Lúc đó, nạn nhân chuyển sang giai đoạn “giải khát bằng thuốc độc”, càng cố càng thê thảm. Chữa trị cho tự tin hóa thành tử vong vì tự ti. Chưa kể, dù là phim ảnh, khó tránh việc các ông… mất mặt với các bà khi trước mắt bà toàn là “cao thủ”. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Còn phải kể nguy cơ “phản lưới nhà” khi sau thời gian cơm canh đạm bạc, các bà được “mở rộng tầm mắt” nhờ mấy bộ phim. Những khiếm khuyết của các ông sẽ có thể bị lôi ra trước vành móng ngựa. 

Mới là đòn tâm lý, “xăng mồi” đã có thể gây độc. Còn nạn bắt chước kỹ thuật/chiến thuật, sao y các động tác không giống… con giáp nào. Bạo liệt, bạo dâm, khổ dâm… cùng các kiểu dụng cụ hỗ trợ như trên phim hoàn toàn có thể gây chấn thương nặng cho người trong cuộc - nghĩa là cả người khởi xướng và… người hưởng ứng.

Sau cùng, cũng phải nhắc đến khả năng… gây nghiện, nói giảm nhẹ là lệ thuộc “thuốc”. Chỉ việc trước giờ lên giường, người này kẻ kia lại lụi cụi chuẩn bị “phương tiện nghe nhìn” như bệnh nhân đến giờ uống thuốc đã đủ oải.

Lần nữa, sự trợ giúp thị giác vừa lợi vừa hại. Chọn hay không là quyền của mỗi người, mỗi đôi. Việc này như uống rượu, chút chút thì vui cửa vui nhà; nếu quá chén, hữu dụng không bao nhiêu mà hại gan, suy thận. Cái khó của người nghiện là không thể chịu đựng cơn vật vã do thiếu “thuốc” để rồi không dứt được, cứ dây dưa mãi đến khi thân tàn ma dại.

Bác sĩ Đỗ Minh Tuấn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI