Ta sống chết theo cách của ta

25/03/2020 - 05:18

PNO - Vào một buổi sáng, nàng thắc mắc một câu hỏi siêu hình, rằng tương lai ta sẽ sống thế nào, rồi ta sẽ ra sao?

Một buổi sáng sau giấc ngủ ngon bởi đêm ân ái mặn nồng, nàng tỉnh dậy ngáp dài. Tôi hỏi nàng có chuyện gì, sao mặt mũi bần thần như hồn vía đi chơi xa thế. Nàng mới thắc mắc với tôi một câu hỏi siêu hình khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, rằng tương lai ta sẽ sống thế nào, rồi ta sẽ ra sao?

Tôi bảo nàng rằng: “Ta sẽ sống theo cách không ai có thể làm được”.

Nàng bảo tôi rằng: “Nếu thế ta phải là người đặc biệt lắm, tài giỏi lắm, chẳng hạn phải hát hay như Đàm Vĩnh Hưng hoặc phải tài hoa duyên dáng như anh Trần Lực bạn anh… Họ mới là những người có thể sống theo cách không ai có thể làm được”.

Tôi hỏi: “Sao em lại nghĩ thế?”.

“Thì anh hình dung đi, nếu mai em nghỉ việc chẳng hạn, có hàng trăm người có thể thay thế em ngay. Nhưng anh Hưng không hát, hay anh Lực thôi không duyên dáng nữa, thì ai có thể thay thế họ đây?”.

“Vẫn có thể thay thế” - tôi trấn an nàng - “Vĩnh Hưng thôi hát sẽ có Vĩnh Thịnh, anh Trần Lực thôi duyên dáng sẽ có anh Trần Lưỡng duyên dáng hơn. Thậm chí ông Trump mà thôi làm tổng thống, nước Mỹ sẽ tìm ra ông khác thay thế ngay. Mặc dù, với những người quan trọng thì sự thay thế sẽ khó khăn hơn, nhưng không ai là không thể thay thế!”.

“Không ai là không thể thay thế ư?”.

“Đúng vậy, bất cứ ai cũng có thể thay thế nhưng đồng thời lại không-thể-thay-thế”.

“Anh nói vậy nghĩa là sao? Em chả hiểu gì cả. Bất cứ ai cũng có thể thay thế, đồng thời lại không thể thay thế. Vô lý quá, em chả hiểu!”.

“Được rồi, hãy nghe anh giới thiệu ông Martin Heidegger, ông này trứ danh bởi ông ấy là triết gia về cái chết. Phát minh lớn nhất của ông được phát biểu ngắn gọn: “Tồn tại là để hướng tới cái chết”, hay theo cách dịch của bác Trần Công Tiến là “hữu quy tận”. Nghe thì khiếp, nhưng sự thật là như vậy, từ khi ta lọt lòng, tức là ta bắt đầu tồn tại, cũng đồng thời là sự bắt đầu của quá trình đếm ngược tới cái chết”.

“Èo, sinh ra để hướng tới cái chết, thế thì sống còn ý nghĩa gì nữa?”.

“Ngược lại đấy em yêu! Cuộc sống chỉ có ý nghĩa trọn vẹn khi ta chết. Cũng như ta chỉ biết tự do khi bị cầm tù, ta chỉ biết sức khỏe khi ta ốm đau, và ta chỉ thật sự biết cuộc sống khi ta chết. Biết có nghĩa là nhận ra ý nghĩa của nó”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Vậy rốt cuộc, phát minh triết học của cái nhà ông gì của anh ấy, có lợi gì chứ?”.

“Lợi gì à, để anh hỏi em nhé! Rồi lúc nào đó, nhất định em sẽ chết đúng không, và có ai có thể chết thay em được không?”.

“Không, tất nhiên là không!”.

“Chính xác, em phải chết cái chết của mình. Tự em phải trải nghiệm nó, vậy suy ra, có ai có thể sống thay em được không, vì nếu có ai đó sống thay em, sống hộ cuộc đời của em, thì ắt họ cũng chết thay em được”.

“Ồ, đúng vậy, không ai có thể sống thay và chết thay em được”.

“Vậy em đã thấy em là cá nhân không thể thay thế chưa? Không ai sống hộ hoặc chết hộ em, nghĩa là, không ai có thể thay thế em sống và chết. Vậy thì rõ ràng, cuộc sống và cái chết của em, không ai có thể làm được. Nhớ lại điều anh vừa nói ở trên đi, có đúng thế không? Ta sẽ sống theo cách không ai có thể làm được”.

“Vâng, nhưng em vẫn băn khoăn, rằng ý nghĩa quan trọng nhất khiến ông ấy phát minh ra khái niệm “Tồn tại là hướng tới cái chết” là gì?”.

“Để anh diễn đạt lại ông ấy một cách khác nhé! Em thường nghe người ta nói thế này, nếu tôi chỉ còn một tuần nữa để sống, tôi sẽ làm gì? Vậy anh hỏi em, nếu em chỉ còn một tuần nữa để sống, em sẽ làm gì?”.

“Ôi, nếu vậy em sẽ yêu anh nhiều hơn, em sẽ nói thật nhiều lời yêu thương với anh, với bố mẹ em, với chị em em, với tất cả bạn bè em nữa, em sẽ làm thật nhiều việc có ích và thật sự quan trọng, em không gây sự với ai nữa, không buôn chuyện tào lao nữa, không gato với con bé hàng xóm nữa…”.

“Được rồi! Và đó chính là mục đích của ông Heidegger đấy! Ông ấy bảo rằng, ai cũng sẽ chết, có thể là một tuần, một tháng, một năm, mười năm… Không ai biết thời hạn của mình, họ chỉ biết chắc chắn mình sẽ chết. Nhưng hầu hết người ta luôn tin rằng cái chết đến với mọi người, trừ mình, hoặc khôn hơn, họ nghĩ mình cũng chết, nhưng còn lâu.

Chính vì vậy người ta phung phí cuộc đời vào những trò vô bổ, mà cuộc đời thì đầy rẫy những thứ vô bổ do ý thức tăm tối tạo ra, ý thức không biết rằng mình-đang-hướng-tới-cái-chết. Chính triết học Heidegger đã giúp ta nhận thức ra điều đó và giúp ta sống có ý nghĩa hơn”.

“Thế nào là có ý nghĩa hơn? Có người nói cuộc sống chả có ý nghĩa gì sất!”.

“Đấy là có người nói thế, bởi vì họ sống cuộc đời của họ, chết cái chết của họ, em có sống hộ và chết hộ họ đâu mà phải nghe họ. Ý nghĩa cuộc đời chính do em tự tìm ra cho mình”.

“Nghĩa là trên đời có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu ý nghĩa cuộc đời?”.

“Đúng vậy! Và lời khuyên của anh là, nếu mai anh chết thì đó là việc của anh, em không phải băn khoăn mà hãy tiếp tục sống cuộc sống của mình, và sống cho thật ý nghĩa. Còn lúc này, ta vẫn bên nhau, hãy yêu nhau theo cách chỉ chúng ta có thể làm được”. 

Biên kịch Đỗ Trí Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI