Sử dụng thuốc lá trong giới trẻ: Trào lưu đáng lo ngại!

15/06/2022 - 06:17

PNO - Tình trạng đáng lo ngại đó được nêu ra trong một báo cáo công bố vào trung tuần tháng Năm về việc sử dụng thuốc lá trên thế giới. Theo đó, dù tỷ lệ hút thuốc nói chung giảm trên toàn cầu nhưng thói quen hút thuốc đang dần chuyển dịch sang giới trẻ và đặc biệt là nữ giới.

Tỷ lệ thiếu niên sử dụng thuốc lá tăng

Báo cáo chung Tobacco Atlas từ Tổ chức Vital Strategies (trụ sở chính ở New York, Mỹ) và nhóm nghiên cứu Tobacconomics tại Đại học bang Illinois (Mỹ) cho thấy, thế giới hiện có 1,1 tỷ người hút thuốc và khoảng 200 triệu người sử dụng các sản phẩm thuốc lá khác. Tỷ lệ hút thuốc giảm từ 22,6% năm 2007 xuống 19,6% vào năm 2019. 

Tỷ lệ chung thì giảm nhưng dữ liệu lại cho thấy số lượng người hút thuốc ngày càng tăng ở một số khu vực trên thế giới. Việc sử dụng thuốc lá trong thanh thiếu niên cũng gia tăng ở gần một nửa số quốc gia được khảo sát, rõ nhất là ở châu Phi, Đông Địa Trung Hải và Tây Thái Bình Dương. Jeffrey Drope - giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Illinois và là tác giả báo cáo - cho biết: “Ngành công nghiệp thuốc lá vẫn đang săn đuổi các nền kinh tế mới nổi, theo những cách có thể gây hại cho một thế hệ hoặc hơn”.

Trẻ em dường như được xem là khách hàng mục tiêu ở một số quốc gia, dẫn đến sự gia tăng hút thuốc ở thiếu niên từ 13 - 15 tuổi tại 63/135 quốc gia được khảo sát. Khoảng 50 triệu thiếu niên trong độ tuổi này, cả nam và nữ, hiện đang sử dụng thuốc lá và những sản phẩm mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá pha hương liệu như shisha. Tỷ lệ phổ biến của thuốc lá trên toàn cầu giảm là dấu hiệu cho thấy hiệu quả của các biện pháp kiểm soát thuốc lá mạnh của các chính phủ (chẳng hạn như tăng thuế), nhưng ở nhiều quốc gia có thu nhập thấp, các biện pháp hạn chế sử dụng thuốc lá không đủ cứng rắn. 

Dữ liệu cũng cho thấy việc sử dụng thuốc lá gây ra gần 8,7 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019, với thiệt hại kinh tế khoảng 2.000 tỷ USD. Hơn một nửa số ca tử vong là ở các nước có thu nhập cao. Tỷ lệ này dự kiến ​​sẽ thay đổi nếu tình trạng sử dụng thuốc lá tiếp tục gia tăng ở các nước có thu nhập thấp.

 

Tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá trong giới trẻ - đặc biệt là ở giới nữ - đang thực sự đáng lo ngại - ẢNH: NEW YORK TIMES
Tình trạng gia tăng sử dụng thuốc lá trong giới trẻ - đặc biệt là ở giới nữ - đang thực sự đáng lo ngại - Ảnh: New York  times 

Trào lưu trên mạng trực tuyến

Tại Đại học Columbia, một nữ sinh viên dự bị đại học 19 tuổi dán mắt vào điện thoại, ngắm nhìn hình ảnh một số phụ nữ trong bộ váy xinh xắn đang đi dạo quanh Paris, tay cầm điếu thuốc và nô đùa cùng bạn bè. Hành vi hút thuốc đang trở thành một trào lưu trên các mạng trực tuyến là xu hướng đáng lo ngại. Trên TikTok, Charly Jordan - một D.J. và người mẫu tại Mỹ - trình diễn màn rít thuốc kiểu Pháp đầy gợi cảm cho 7,7 triệu người theo dõi của cô ấy. Isabel Rower - nhà điêu khắc 24 tuổi ở Mỹ - chia sẻ: “Thật kỳ lạ, thói quen hút thuốc đã quay trở lại. Trong một hoặc hai năm qua, những người bạn của tôi bắt đầu hút thuốc. Dù không ai thực sự nghiện nó”. 

Kat Frey - nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi sống ở Brooklyn (Mỹ) - bắt đầu hút thuốc vào năm 2021. Cô nói: “Chúng ta đang quay về hình ảnh của những năm 1980, khi việc hút thuốc được xem là gợi cảm và thanh tao. Rất nhiều người tôi biết đăng ảnh đang hút thuốc. Bản thân tôi cũng vậy”. Kết quả từ các nghiên cứu hình ảnh thần kinh cho thấy, hút thuốc kích hoạt sự hưng phấn ở nam giới nhiều hơn phụ nữ, và đa phần phái nữ dùng thuốc lá để điều chỉnh tâm trạng. Tuy nam giới có xu hướng sử dụng các sản phẩm thuốc lá với tỷ lệ cao hơn phụ nữ, cán cân này xem chừng đang thay đổi sau những tác động tâm lý từ hai năm đại dịch.

Đơn cử tại Malaysia, trong khi nam giới từ 13 - 15 tuổi giảm dần thói quen hút thuốc trong hai thập niên qua thì nữ giới hút thuốc trong cùng độ tuổi lại tăng nhẹ về số lượng. Theo Tobacco Atlas, hơn một phần ba (36,3%) nam thiếu niên ở độ tuổi 13 - 15 ở quốc gia này hút thuốc vào năm 2003. Con số này ở nữ thiếu niên (cùng độ tuổi) là 4,2%. Nhưng ở lần khảo sát tiếp theo vào năm 2009, trong khi tỷ lệ nam thiếu niên Malaysia hút thuốc giảm xuống còn 30,9% thì tỷ lệ nữ thiếu niên lại tăng lên 5,3% và duy trì suốt tám năm tiếp theo.  

Đáng lo ngại là ảnh hưởng của thói quen hút thuốc lá đến phụ nữ và con cái của họ. Đối với phụ nữ có thai, cai thuốc lá sẽ góp phần nâng cao sức khỏe, cải thiện kết quả sinh nở, sức khỏe trước mắt và sau này của thai nhi. Sau khi sinh, việc mẹ cai thuốc lá góp phần bảo vệ trẻ khỏi các bệnh liên quan đến tiếp xúc với khói thuốc thụ động, chẳng hạn như hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh và các bệnh về đường hô hấp. Tuy tỷ lệ phụ nữ hút thuốc thấp hơn nhiều so với nam giới nhưng phụ nữ lại có khả năng bỏ thuốc lá thành công thấp hơn 31% so với nam giới. Vì vậy, không làm quen với thuốc lá và có một quan hệ xã hội lành mạnh để chia sẻ cảm xúc là lựa chọn tốt nhất cho phụ nữ, trẻ em gái. 

Linh La (theo New York Times, NIDA, Science Direct, Reuters, The Star)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI