Hưởng ứng ngày Thế giới không thuốc lá và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá 25 - 31/5/2022:

Nỗi kinh hoàng đến từ thuốc lá

30/05/2022 - 06:49

PNO - Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Và không chỉ người hút bị bệnh, rất nhiều người khác không hút nhưng cũng bị bệnh do hít phải khói thuốc.

Nhiều trẻ em bệnh vì khói thuốc lá

Mắt trợn ngược, miệng há hốc cố để thở - là tình trạng của không ít bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện (BV) Phổi Đồng Nai. Cảnh tượng này đã khiến cho ông Đỗ Văn Hiển (một người nghiện thuốc lá, ngụ tại P.Tam Phước, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thấy hãi hùng và bỏ thuốc lá lập tức...

Theo lời ông Hiển, ông đã hút thuốc từ 34 năm nay và cũng đã 3 - 4 lần quyết tâm bỏ thuốc nhưng đều thất bại. Chỉ đến khi phát hiện mình bị tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) giai đoạn đầu và chứng kiến cảnh người bệnh bị khó thở, thở khò khè và phải nằm thở ô-xy tại BV Phổi, ông Hiển mới kinh hoàng, thực sự từ bỏ thói quen hút thuốc (8 - 10 điếu/ngày). 

Bệnh nhân điều trị lao phổi liên quan đến thuốc lá tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai
Bệnh nhân điều trị lao phổi liên quan đến thuốc lá tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai

Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến người hút, thuốc lá còn khiến những người xung quanh “vạ lây”. Mới 22 tháng tuổi, bé Hữu S. (ngụ tại xã Phước Tân, TP.Biên Hòa) đã phải điều trị bệnh viêm phổi tái diễn ở BV Nhi Đồng Đồng Nai. Mẹ bé S. cho hay, lúc hơn một tháng tuổi, bé cũng đã phải nhập viện điều trị viêm phổi trong thời gian dài. “Không chỉ đến các nơi công cộng, ngay ở nhà, tôi cũng đã phải ngửi khói thuốc. Lý do, chồng tôi thường xuyên hút thuốc, ngay cả khi tôi mang bầu, sinh con. Tôi cũng để ý, mỗi khi con tôi hít phải khói thuốc, bé sẽ ho nhiều hơn bình thường” - mẹ bé S. chia sẻ.

Bác sĩ Đặng Công Chánh - Trưởng khoa Hô hấp BV Nhi Đồng Đồng Nai - kể trước đây, BV đã tiếp nhận một bệnh nhi bị lên cơn hen thường xuyên. Suốt một năm ròng, bệnh nhi này thường xuyên nhập viện vì những cơn hen không dứt. Các bác sĩ dù điều trị phòng ngừa nhưng bệnh không bớt. Các bác sĩ tư vấn, thuyết phục ba của bé bỏ thuốc lá. Sau một thời gian người cha bỏ hút thuốc, bé cũng không còn xuất hiện cơn hen nữa.

“Mỗi ca bệnh hen, chúng tôi luôn hỏi thân nhân bệnh nhi có ai hút thuốc hay không và khuyến cáo họ phải bỏ thuốc”, bác sĩ Chánh nói. Ngoài ra, với các ca bệnh nhi bị bệnh phổi, các bác sĩ cũng khuyên thân nhân bệnh nhi tránh không để bé tiếp xúc với khói thuốc để tránh bệnh kéo dài, tái đi, tái lại.

90% trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc 

Bác sĩ Bùi Văn Thịnh - Trưởng khoa Lao B, BV Phổi Đồng Nai - kể: Khi bàn về tác hại của khói thuốc lá, có nhiều người nói “tôi đã hút thuốc mấy chục năm nay, có thấy tác hại gì đâu. Nhiều người có hút thuốc đâu mà vẫn bệnh đấy thôi. Với quan điểm cố chấp như vậy, chuyện cai thuốc gần như là không thể”. Những nghiên cứu về tác hại của thuốc lá đã được giới khoa học xác nhận: Khói thuốc lá chứa hơn 7.000 loại hóa chất đã được định dạng, trong đó có hàng trăm loại có hại cho sức khỏe, 70 chất gây ung thư. 

Khói thuốc khi vào máu sẽ từ từ tác động đến mọi bộ phận trong cơ thể và gây nhiều loại bệnh nguy hiểm. Hiện nay, 90% trường hợp ung thư phổi là do hút thuốc. Ngoài ra, hút thuốc còn liên quan đến nhiều loại ung thư khác như: vòm họng, thanh quản; ung thư đường tiêu hóa; ung thư đường tiết niệu, sinh dục…

Đặc biệt là bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính với sự suy giảm chức năng hô hấp (khó thở) tiến triển ngày càng nặng cùng nhiều biến chứng nguy hiểm. Thuốc lá còn gây các bệnh về tim mạch: tăng huyết áp, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, đột quỵ; làm tăng nhanh quá trình lão hóa (suy giảm trí nhớ, teo cơ, da nhăn nheo), yếu sinh lý, vô sinh… 

Thực tế, không chỉ người hút thuốc bị bệnh mà khói thuốc còn làm ảnh hưởng tới những người xung quanh do hít phải khói thuốc. Nó gây nên nhiều bệnh nguy hiểm. Ở người lớn, đó là: ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, các bệnh ở đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ nhẹ cân. Ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi…

Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam đang nằm trong số 15 quốc gia có số người hút thuốc lá cao nhất thế giới với khoảng 15,3 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do hít khói thuốc thụ động. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu người chết do hút thuốc lá, 900.000 người chết do hít khói thuốc thụ động. Riêng tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm.

 Gia Huy

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI