Sri Lanka: Nhiều thai phụ "bóp bụng" vì giá thực phẩm quá cao

16/06/2022 - 22:30

PNO - Liên Hiệp Quốc cho biết cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka ngày càng trầm trọng và hiện tại 4/5 người bắt đầu ăn không đủ bữa do giá thực phẩm quá cao.

 

Nhiều người ở Sri Lanka đang phải vật lộn để đủ tiền mua thực phẩm khi giá cả tăng (Ảnh: AFP / ISHARA S. KODIKARA)
Nhiều người ở Sri Lanka đang phải vật lộn để đủ tiền mua thực phẩm khi giá cả tăng phi mã - Ảnh: AFP

Đồng thời, Liên Hiệp Quốc (LHQ) cũng cảnh báo về một "cuộc khủng hoảng nhân đạo thảm khốc" với hàng triệu người đang cần viện trợ ở quốc gia này.

Ngày 16/6, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ đã bắt đầu phân phát phiếu thực phẩm cho khoảng 2.000 phụ nữ mang thai ở các khu vực cần trợ giúp như một phần của "hỗ trợ cứu sống".

Theo Anthea Webb, Phó giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WFP, những người nghèo ở quốc gia 22 triệu dân đang gặp khó khăn hơn trong việc mua sắm những thứ cơ bản nhất như thực phẩm hoặc khí đốt. "Khi họ không có thức ăn, sức khỏe của họ ngày càng suy kiệt và con cái họ gặp nguy hiểm", bà nói.

WFP cho biết việc phân phát các phiếu tiền mặt trị giá 15.000 rupee (tương đương 40 USD) là một phần trong nỗ lực của LHQ nhằm giúp đỡ 3 triệu người Sri Lanka bị ảnh hưởng nặng do giá cả tăng vọt.

Tổ chức này cũng đang cố gắng quyên góp 60 triệu USD cho nỗ lực cứu trợ lương thực từ nay đến tháng 12 tới.

WFP mong muốn giúp một triệu trẻ em được tiếp cận ít nhất một bữa ăn ở trường và cung cấp thực phẩm tăng cường dinh dưỡng cho một triệu bà mẹ và trẻ em khác. "Ngoài ra, các suất ăn theo phương thức thực phẩm, tiền mặt hoặc phiếu mua hàng sẽ được trao cho một triệu người dễ tổn thương khác nữa", theo WFP.

Đảo quốc Nam Á này đã và đang trải qua tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu, thuốc men và các mặt hàng thiết yếu khác, trong cuộc khủng hoảng do dự trữ ngoại tệ ngày càng cạn kiệt và sự quản lý yếu kém của chính phủ.

Trước tình trạng thiếu nhiên liệu ngày càng trầm trọng, ngày 14/6 chính phủ nước này đã tuyên bố cho nhân viên trong lĩnh vực công nghỉ thêm ngày thứ Sáu hàng tuần để họ có thêm thời gian làm thêm hoặc tự trồng trọt cải thiện đời sống. Ngoài ra, chính phủ cũng ra lệnh cho tất cả các trường học đóng cửa vào thứ Sáu để tiết kiệm xăng và dầu diesel.

Sri Lanka đã vỡ nợ 51 tỷ USD vào tháng 4 và từ đó kéo theo cuộc khủng hoảng trầm trọng khiến người dân rơi vào cảnh khó khăn. Hiện chính phủ nước này đang đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế để xin một gói cứu trợ nhằm cải thiện tình hình.

Thảo Nguyễn (theo CNA)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI