Để bờ sông Sài Gòn diễm lệ và phồn vinh - Bài 2:

Sông là xương sống để phát triển đô thị bền vững

19/02/2023 - 06:51

PNO - Sở Quy hoạch và Kiến trúc được phân công theo dõi, giám sát và tham mưu cho UBND TPHCM về quá trình tổ chức thực hiện đề án “Phát triển kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông TPHCM giai đoạn 2020-2045”. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý quy hoạch chung của sở - liên quan đến đề án này.

LTS: Việc cải tạo, chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) là bước khởi đầu quan trọng tạo ra không gian đô thị cho công cộng. Sau khi công trình này được đưa vào khai thác, nhiều chuyên gia đề xuất TPHCM tiếp tục bổ sung, hoàn thiện công trình khu vực công viên Bến Bạch Đằng cũng như đặt vấn đề cần sớm có quy hoạch tổng thể toàn tuyến sông này để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sông nước của TPHCM.

Bài 1: Bến Bạch Đằng khang trang nhưng vẫn còn thiếu...

Quan tâm phát triển hạ tầng xanh ven sông

*Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về đề án sau khi đã triển khai công trình cải tạo, chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng?

-Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn: Từ năm 2017, sở đã tổ chức hội thảo quốc tế về cảnh quan kênh rạch, phát triển đô thị gắn với đặc trưng sông nước. Các chuyên gia trong các lĩnh vực giao thông, sinh thái, bảo tồn, di sản đã có những ý kiến khá sâu về các giải pháp kỹ thuật cũng như chính sách để TPHCM phát triển đô thị dựa trên đặc trưng sông, kênh, rạch. Đến năm 2021, UBND TPHCM đã phê duyệt đề án kè sông và kinh tế dịch vụ ven sông, trong đó tập trung vào sông Sài Gòn trước.

Tôi cho rằng, đây là một đề án thể hiện tầm nhìn và mong muốn phát triển đô thị có bản sắc, trong đó dòng sông được xem là xương sống quyết định tính bền vững, tôn trọng môi trường, sinh thái, không gian cho mặt nước và dòng chảy, thủy triều, hạn chế tạo áp lực lên sông, kênh, rạch. Đó là các quy tắc giúp định hướng quy hoạch và sử dụng sông trong tương lai như là yếu tố then chốt cho phát triển đô thị bền vững về mặt hạ tầng. Đề án ra đời khẳng định quyết tâm của chính quyền TPHCM về xây dựng hạ tầng xanh dọc theo bờ sông Sài Gòn.

* Như vậy, việc triển khai giai đoạn 2 của đề án sẽ dựa trên các nguyên tắc mà ông vừa đề cập, áp dụng cho toàn tuyến sông Sài Gòn chứ không chỉ cho riêng khu vực trung tâm thành phố?

-  Sông Sài Gòn sẽ được quản lý, quy hoạch theo vùng không gian kiến trúc cảnh quan, chia làm 3 đoạn thượng, trung và hạ lưu. 

Ở thượng lưu, phía bờ tây là huyện Củ Chi với những khu vực nhà vườn, chưa đô thị hóa cao, rất thuận lợi để tổ chức các hoạt động dịch vụ tận dụng dòng sông như làng nghề, khu đô thị sinh thái, nông nghiệp, lễ hội gắn với văn hóa, lịch sử địa đạo. Những chức năng mới đan xen giữa kinh tế, văn hóa và môi trường giúp tăng tính khả thi cho kinh tế dịch vụ như du lịch, giáo dục, đào tạo, hạ tầng công cộng ven sông. Phía bờ đông cũng là một dải văn hóa, lịch sử với Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) - nơi có sự định cư đầu tiên của người Việt ở phương Nam và những làng gốm. 

Vùng trung lưu chính là trung tâm văn hóa, lịch sử của TPHCM, đặc biệt là ở phía bờ tây. Bến Bạch Đằng có ý nghĩa lịch sử lớn, ghi dấu sự hình thành và phát triển của TPHCM ngay từ buổi ban đầu. Từ thời Nhà Nguyễn, khu Ba Son đã là chỗ đóng tàu, đánh dấu bước phát triển kỹ thuật và giao thông đường thủy. Cột cờ Thủ Ngữ được người Pháp xây trên nền cũ dinh quan thủ ngự lo thương chính của Nhà Nguyễn. Đây là khu có thể được khai thác tốt nếu hạ tầng dịch vụ đi trước.

Tóm lại, phát triển hạ tầng xanh theo hướng bền vững sẽ rõ nét ở thượng và hạ lưu, đóng vai trò điều hòa môi trường và nguồn nước. Trong khi đó, hạ tầng dịch vụ tập trung ở khu vực trung lưu nhưng tiêu chí xanh vẫn phải bảo đảm và đây là khu vực gắn kết, tạo điều kiện cho hoạt động dịch vụ, như kết nối bờ sông, giao thông thủy, du lịch, thương mại, kết nối con người với dòng sông và những hoạt động công cộng.

Sông Sài Gòn đoạn tiến về hạ lưu TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc
Sông Sài Gòn đoạn tiến về hạ lưu TPHCM - Ảnh: Quốc Ngọc

Không gian đô thị gắn với văn hóa, lịch sử

* Trong tương lai, bến Bạch Đằng sẽ đóng vai trò như thế nào, thưa ông? 

- Sắp tới, khi đã có tuyến tàu điện (metro) và các phương tiện công cộng trên bộ, dưới nước, việc phát triển du lịch tạo ra những tour, tuyến thì hạ tầng ở đây đóng vai trò kết nối, tạo ra những hành lang và không gian dịch vụ để phát huy tối đa chức năng dịch vụ ở trung tâm. Mục tiêu của đề án liên quan đến sông Sài Gòn là như vậy. 

Trong giai đoạn 2, bến Bạch Đằng phải trở thành hạ tầng dịch vụ kết nối giao thông thủy, bộ hai bên bờ sông. Rồi phải đưa yếu tố văn hóa, truyền thống, lịch sử vào những hoạt động khai thác. Đấy là những định hướng sâu mà giai đoạn 2 sẽ làm, còn giai đoạn 1 chủ yếu mở ra cho thông thoáng đi kèm các tiện ích công cộng.

Cùng với công trình này, ở trung tâm TPHCM, sẽ hình thành những “tam giác đi bộ”, tạo nên những luồng người di chuyển, tận hưởng không gian đô thị. Từ metro, người ta xuống ga Bến Thành, ga Nhà hát TPHCM rồi đi bộ qua đường Lê Lợi, Hàm Nghi và Nguyễn Huệ, từ đó có thể qua bên kia bờ theo đường hầm hoặc đi trên cầu. Trên sông, sẽ có các tuyến giao thông thủy kết nối với giao thông công cộng trên bộ.

Khu vực kho xưởng, cầu cảng cũ dọc theo bờ Tây sông Sài Gòn được các chuyên gia khuyến cáo cần bảo tồn vì mang giá trị di sản công nghiệp - Ảnh: Quốc Ngọc
Khu vực kho xưởng, cầu cảng cũ dọc theo bờ Tây sông Sài Gòn được các chuyên gia khuyến cáo cần bảo tồn vì mang giá trị di sản công nghiệp - Ảnh: Quốc Ngọc

* Xin ông cho biết thêm những ý tưởng đối với vùng kế tiếp, từ bến Nhà Rồng xuống tới huyện Nhà Bè?

- Ở hạ lưu, khi chảy đến Mũi Đèn Đỏ, sông Sài Gòn có một hướng rẽ đi Đồng Nai, một hướng tiếp tục ra biển. Từ ngã ba sông đó trở vô trung tâm TPHCM, có các cầu, cảng được lập từ đầu thế kỷ XX, có khu chế xuất Tân Thuận được thành lập vào cuối thế kỷ XX, đều gắn với 
dòng sông.

Đầu thế kỷ XX, khi quy hoạch tuyến đường sắt đầu tiên của Đông Dương nối từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, người Pháp đã làm một nhánh rẽ từ đường Hàm Nghi qua khu cảng quận 4. Hàng hóa từ nước ngoài về cảng có thể lên tàu để về thẳng miền Tây. Đây là cung đường nối kết đường thủy và đường sắt, giúp hàng hóa lưu thông nhộn nhịp. Cho nên, đoạn từ cảng quận 4 ra khu chế xuất Tân Thuận có những kho bãi mang đậm nét của giai đoạn phát triển kinh tế cảng thời Pháp thuộc, có giá trị văn hóa thực sự.

Khi quy hoạch bờ ở vịnh Fullerton, người Singapore đã giữ lại toàn bộ nhà xưởng, kho tàng cạnh cầu tàu Clifford, cải tạo thành những công trình sang trọng bậc nhất đảo quốc. Họ cho rằng, nếu TPHCM bảo tồn những công trình tương tự ở các bến cảng cũ thì sẽ giữ được những dấu ấn rất đặc sắc. 

Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận tối đa không gian ven sông 
* Khu chế xuất Tân Thuận sẽ như thế nào trong quy hoạch kinh tế ven sông của TPHCM, thưa ông?
- Trong tương lai, khu chế xuất sẽ được chuyển đổi dần thành khu kinh tế số, công nghiệp sáng tạo. Tiếp tục về hạ lưu thì đến Nhà Bè là vùng trũng thấp và hệ thống sông, kênh, rạch dày đặc. Hiện Cần Giờ đã được định hướng phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn thiên nhiên, là mô hình kinh tế xanh cho cả phía Nam. Vì vậy, Nhà Bè sẽ là khu vực gắn với kinh tế biển, đặc biệt là hậu cần vận tải đường biển. Sắp tới, khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ được điều chỉnh theo hướng gắn kết với kinh tế biển mạnh mẽ hơn.

* Đề án phát triển kinh tế ven sông Sài Gòn có bảo đảm cho người dân dễ dàng thụ hưởng bờ sông mà không bị bất cứ trở ngại nào, thưa ông?
- Dòng sông và những hạ tầng dịch vụ hay không gian mở dọc theo bờ sông đều là tài sản chung của người dân, nên cần tạo điều kiện để người dân, du khách được tiếp cận tối đa. Ở đây, ngoài các đòi hỏi về mặt kỹ thuật - như bãi đậu xe, cầu đi bộ nối hai bên - còn phải thận trọng đối với quyền khai thác các tiện ích chung. 

Nhà nước cần phân định rõ từng giai đoạn đầu tư, vận hành và quản lý, quy định rõ nhà đầu tư được quyền khai thác những gì. Như với khu nhà kho bên Singapore mà tôi đã nêu, chính phủ cho thuê làm dịch vụ cao cấp nhưng luôn bảo đảm mở cửa cho cộng đồng. Quyền khai thác phải rất rõ ràng, tránh tình trạng ký hợp đồng khai thác xong là đóng sập cửa lại thành khu riêng của nhà đầu tư.
* Xin cảm ơn ông. 

Nên tổ chức cuộc thi thiết kế cho khu vực bến Bạch Đằng

Đã có ý kiến đề xuất ngầm hóa đường Tôn Đức Thắng đoạn đi qua công viên Bến Bạch Đằng. Theo tôi, không nên ngầm hóa bởi nó gây lãng phí và hiệu quả không cao. Thực tế, mật độ giao thông trên đoạn đường này không cao do không phải là trục giao thông chính. Giải pháp là cho phương tiện giao thông từ phía Thủ Thiêm băng qua cầu Ba Son để đi tiếp và nên quy hoạch theo hướng hạn chế mật độ xe cộ qua lại khu bến Bạch Đằng, khuyến khích giao thông công cộng.

Thật ra, nếu chính quyền thành phố còn băn khoăn, cứ tổ chức một cuộc thi thiết kế lại khu vực này, xem hệ thống giao thông tại đây nên thế nào, đường ngầm ra sao. Khu Thủ Thiêm hiện nay phát triển chậm một phần là do quy hoạch kết nối với trung tâm còn kém.

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn

Nam Anh (ghi)

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI