Để bờ sông Sài Gòn diễm lệ và phồn vinh - Bài 1:

Bến Bạch Đằng khang trang nhưng vẫn còn thiếu...

15/02/2023 - 06:19

PNO - LTS: Việc cải tạo, chỉnh trang công viên bến Bạch Đằng (quận 1, TPHCM) là bước khởi đầu quan trọng tạo ra không gian đô thị cho công cộng. Sau khi công trình này được đưa vào khai thác, nhiều chuyên gia đề xuất TPHCM tiếp tục bổ sung, hoàn thiện công trình khu vực công viên Bến Bạch Đằng cũng như đặt vấn đề cần sớm có quy hoạch tổng thể toàn tuyến sông này để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh sông nước của TPHCM.

Một sáng đầu năm, chúng tôi chọn đi từ phía Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) qua cầu Ba Son để vào khu trung tâm TPHCM. Đây là cung đường mà không phải ai cũng từng trải nghiệm từ khi có cây cầu Ba Son bắc qua sông.

Mới chỉ là chỗ để check-in 

Thả xe từ từ xuống dốc cầu cao, theo dòng xe hãy còn lưa thưa, chúng tôi ôm cua vào đường nhánh để ra Công trường Mê Linh (quận 1). Bến Bạch Đằng hiện ra đối diện bên kia đường như một quảng trường dài nằm phơi nắng bên bờ sông vốn trước đây đầy bóng mát.

Sông Sài Gòn cần được khai thác đúng tiềm năng để thúc đẩy phát triển, tạo không gian đô thị, phục vụ cộng đồng ẢNH: QUỐC NGỌC
Sông Sài Gòn cần được khai thác đúng tiềm năng để thúc đẩy phát triển, tạo không gian đô thị, phục vụ cộng đồng - Ảnh: Quốc Ngọc

Buổi sáng, trời còn mát nhưng chúng tôi chỉ thấy vài nhóm bạn trẻ rủ nhau ra đây chụp ảnh đánh dấu sự có mặt của họ (check-in). Nếu đến đây bằng xe máy, không biết các bạn đã gửi xe ở đâu, riêng chúng tôi phải gửi vào một bãi xe cách đó nửa cây số trên đường Nguyễn Huệ sau gần 15 phút loay hoay tìm kiếm.

Bến Bạch Đằng lúc này mang dáng vẻ của một cụm công viên hiện đại, thoáng đãng, những bãi cỏ xanh rì bên những lối đi bằng đá có hoa văn đẹp mắt. Công viên không thiếu những trụ đèn trang trí, nhưng lại thiếu hẳn bóng cây. Hàng cây mới trồng lại vẫn chưa đủ tán che nắng, chủ yếu chạy dọc ven đường Tôn Đức Thắng. Vài cây đa còn sót lại sát mé sông sau đợt chỉnh trang là những chỗ trú nắng quý giá cho du khách.
Tiện ích công cộng tại đây chỉ là 3 cụm cầu cảng bến tàu khách, tàu cao tốc và ga buýt sông. 

Bến Bạch Đằng (số 2 Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM) là khu công viên và bến cảng nằm bên bờ tây sông Sài Gòn, là nơi để người dân TPHCM và du khách tới vui chơi, chụp ảnh và là địa điểm ngắm pháo hoa mỗi dịp lễ, tết. 

Nếu không có nhu cầu sử dụng các dịch vụ này, mọi người cũng chỉ chụp ảnh dưới trời nắng một lúc rồi về. Đứng ở đây, mới thấy giá trị của việc trồng cây xanh hài hòa trong một công trình dành cho cộng đồng. Cũng cần nói thêm, dù cách nhau đúng chiều ngang đường Tôn Đức Thắng nhưng việc đi bộ từ đường Nguyễn Huệ ra bến Bạch Đằng còn khá bất tiện, phải đi vòng xuống tượng Trần Hưng Đạo mới băng qua được.

Trao đổi với chúng tôi, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, sau giai đoạn 1, việc cải tạo, chỉnh trang công viên trên bến Bạch Đằng đã có một số điểm tích cực, trong đó có việc thu hút sự quan tâm trở lại của người dân với một công trình mà gần như trước đó đã bị lãng quên. Nhưng ông vẫn cho rằng, còn nhiều thứ cần được điều chỉnh, rút kinh nghiệm trong giai đoạn 2.

Cần quy hoạch tổng thể toàn tuyến

Hàng cây mới trồng lại vẫn chưa đủ tán che nắng tại công viên Bến Bạch Đằng, hơn nữa chủ yếu chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng - Ảnh: Quốc Ngọc
Hàng cây mới trồng lại vẫn chưa đủ tán che nắng tại công viên Bến Bạch Đằng, hơn nữa chủ yếu chạy dọc theo đường Tôn Đức Thắng - Ảnh: Quốc Ngọc

Bên cạnh việc thiếu cây xanh và bãi giữ xe, theo ông Ngô Viết Nam Sơn, bến Bạch Đằng còn thiếu các điểm kết nối cầu đi bộ nổi hoặc ngầm để đi từ khu vực trung tâm qua bến: “Muốn sang công viên, người dân phải băng qua đường đầy xe cộ, rất nguy hiểm. Hiện không lối qua đường nào bảo đảm an toàn cho họ. Chỗ ngồi nghỉ ngơi, uống nước, quầy hướng dẫn cũng đang thiếu”.

Ông cũng cho rằng, bến Bạch Đằng còn thiếu điểm nhấn cảnh quan: “Ví dụ, ở giao lộ từ đường Nguyễn Huệ ra bến Bạch Đằng, có thể đặt một công trình mang tính biểu tượng, có thể là một công trình điêu khắc hoặc một tháp quan sát để ngắm cảnh. Vị trí ở đó rất đặc biệt do nằm ngay ngã ba sông; nếu ở trên cao, có thể nhìn về phía quận 7, nhìn ngược lên hướng Thanh Đa”. 

Tháng 4/2021, UBND TPHCM quyết định chỉnh trang toàn bộ công viên ở bến Bạch Đằng từ cột cờ Thủ Ngữ đến khu phức hợp Sài Gòn - Ba Son, chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 từ cột cờ Thủ Ngữ đến cầu tàu số 2, giai đoạn 2 từ cầu tàu số 2 đến khu vực súng thần công. Ngày 17/3/2022, công viên Bến Bạch Đằng và công viên Mê Linh được khánh thành, đưa vào sử dụng.

 

Ông góp ý, công viên ven sông phải là không gian cảnh quan, thư giãn và phải có bóng mát; không gian đó phải kết nối thuận tiện với giao thông công cộng; có các dịch vụ tối thiểu như bãi xe; có một số tiện ích dọc theo tuyến sông như vài điểm để ngắm cảnh, nghỉ ngơi, phủ sóng wifi, có trạm điện thoại, trạm thông tin để hướng dẫn, giúp đỡ du khách, thông báo khi có trẻ đi lạc; có kết nối bến thuyền.

Công viên Bến Bạch Đằng sau hơn một năm cải tạo, chỉnh trang giai đoạn 1 - Ảnh: Quốc Ngọc
Công viên Bến Bạch Đằng sau hơn một năm cải tạo, chỉnh trang giai đoạn 1 - Ảnh: Quốc Ngọc

“Bến Bạch Đằng có bến nhưng mới chỉ phục vụ tuyến xa như đi Vũng Tàu, Cần Giờ, còn từ bờ bên này qua bên kia sông chỉ vài trăm mét thì không thể qua được. Bên thuyền nối 2 bờ là dịch vụ đang thiếu, cần được bổ sung” - ông nói.

Cuối cùng, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trong tương lai gần cần thực hiện quy hoạch tổng thể toàn bộ tuyến sông Sài Gòn từ bến Bạch Đằng ra hướng huyện Nhà Bè, ra cửa biển hay chạy lên huyện Củ Chi, tỉnh Bình Dương. Trong quy hoạch tổng thể này, phía TPHCM cần xác định bản sắc riêng của từng khu vực, như khu trung tâm, khu Thanh Đa, Tân Thuận…  

Du khách dạo quanh công viên Bến Bạch Đằng - Ảnh: Quốc Ngọc
Du khách dạo quanh công viên Bến Bạch Đằng - Ảnh: Quốc Ngọc

Ngoài ra, ông cho rằng, cần hết sức tuân thủ quy hoạch xây dựng về tầng cao, theo hướng thấp dần về phía sông: “Tình trạng công trình cao dần về phía sông ở nhiều nơi như hiện nay là rất dở. Nó tạo ra bức tường cao ốc ngăn cách cộng đồng với cảnh quan sông nước. Đúng ra, nếu công trình thấp dần về phía sông thì không gian hai bên bờ sẽ tự nhiên, thân thiện hơn. Nhà cao tầng mà muốn hưởng dòng sông thì dù có thụt vào trong vẫn trông thấy. Do đó, vấn đề giật cấp hay thấp dần về phía sông cần được nhanh chóng đưa vào quy hoạch không gian ven sông”.

Theo ông, những công trình lỡ xây sát bờ sông trước đây là do chưa có quy hoạch hoặc quy hoạch chưa rõ. Một trong những giải pháp cho những công trình này là khuyến khích chủ công trình mở 2 tầng dưới cùng ra để trống cho gió thông thoáng hoặc có thể làm bằng kính trong suốt để từ bên trong, người ta vẫn nhìn được ra dòng sông.

Duy trì bờ mềm càng nhiều càng tốt

Việc xây bờ cứng (đổ bê tông) như ở các dự án cải tạo kênh rạch vừa qua sẽ không kiểm soát được nước, không lọc được nên tạo ra mùi hôi, ô nhiễm khó xử lý. Ở các nước, người ta không bê tông hóa hết bờ sông, kênh, rạch mà vẫn giữ bờ mềm ở phía bên ngoài mép nước và làm các con đường nằm lùi vào trong, chạy dọc theo bờ.

Bờ mềm nghĩa là duy trì bờ tự nhiên, đồng thời trồng thêm các loại cây xanh hay còn gọi là giải pháp “phi công trình” để giữ đất, lọc nước. Khoảng bờ mềm này chỉ cần 5 - 10m là tốt. Có thể chọn trồng các loài cây như bần, đa, si, tràm gió (melaleuca) cho bờ mềm. Chúng có thể chịu được nước nhiễm mặn, bộ rễ lọc được nước thải và có những vi sinh vật trong rễ cây có khả năng tự làm sạch nước. Đấy chính là những hệ thống xử lý nước tự nhiên rất tuyệt vời. Múc hết bùn lên rồi xây bê tông cứng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường tự nhiên.

Do đó, theo tôi, sắp tới, muốn phát triển hành lang hai bên sông Sài Gòn và các tuyến kênh còn lại của TPHCM, hãy cố gắng giữ được bờ mềm càng nhiều càng tốt. Tùy khu vực, có thể chọn giải pháp phi công trình, tức là trồng cây xanh chống sạt lở, tạo cảnh quan hoặc có thể kết hợp giải pháp phi công trình và công trình, tức là vừa làm bờ kè, vừa trồng cây xanh và cuối cùng mới là giải pháp công trình, tức làm bờ cứng.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Long - Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại TPHCM

Phát triển hạ tầng xanh hai bờ sông Sài Gòn 

Công trình chỉnh trang công viên Bến Bạch Đằng nhận được sự quan tâm, ủng hộ của người dân và các chuyên gia quy hoạch đô thị, trở thành điểm thu hút người dân và du khách tham quan, ngắm cảnh. Đây cũng là tiền đề cho công tác quy hoạch ven sông Sài Gòn. Trong quy hoạch tổng thể của mình, chính quyền TPHCM cần xem nội dung quy hoạch, chỉnh trang hai bờ sông Sài Gòn là nội dung quan trọng.

Muốn TPHCM trở thành đô thị văn minh, hiện đại thì sông Sài Gòn phải là dòng sông xanh, phát huy hết các giá trị về môi trường, kinh tế, văn hóa của nó. Xu hướng phát triển xanh là tất yếu, nên sắp tới, cần áp dụng cách tiếp cận quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng xanh. Có nghĩa là quy hoạch tích hợp để đảm bảo sự hài hòa tổng thể, trong khi phát triển hạ tầng xanh là quan điểm chủ đạo để quy hoạch TPHCM nói chung và chỉnh trang hai bờ sông Sài Gòn nói riêng.

Hiện nay, hạ tầng xanh đang được quan tâm và là một trong những giải pháp hiệu quả mà các nước trên thế giới áp dụng nhờ tính đa chức năng, nâng cao khả năng hồi phục của các khu đô thị. Phát triển hạ tầng xanh hai bờ sông Sài Gòn sẽ đem lại các giá trị lớn về sinh thái như tạo không gian xanh, cải thiện chất lượng môi trường và vi khí hậu (microclimate), giảm đảo nhiệt đô thị, bảo vệ bờ, chống sạt lở. Hạ tầng xanh cũng mang lại các giá trị về sức khỏe cộng đồng, giá trị văn hóa, thẩm mỹ, giá trị kinh tế, thương mại, du lịch, bất động sản, dịch vụ sinh thái, rừng đô thị, kiến trúc mái xanh… cho TPHCM.

Ngoài các khu đô thị, du lịch ven sông hiện hữu, gần đây, có khu lâm viên sinh thái ở Thủ Thiêm được mong đợi sẽ là mô hình công viên đất ngập nước độc đáo ngay giữa lòng thành phố. Những công trình như vậy cần được khuyến khích. Ở góc độ nghiên cứu, tôi kêu gọi ưu tiên sử dụng các giải pháp sinh thái trong bảo vệ và phát triển bờ sông.

Tiến sĩ Lê Bửu Thạch - Phó viện trưởng Viện Sinh thái học miền Nam

Vệ Quốc (ghi)

Nam Anh 

Bài 2: Sông là xương sống để phát triển đô thị bền vững

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI