Sở Công Thương TPHCM “điểm danh” những mặt hàng vi phạm an toàn thực phẩm

15/05/2025 - 16:48

PNO - Thông tin từ Sở Công Thương chiều ngày 15/5 cho biết, thời gian qua, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Một số gian hàng bày bán quả đào ngâm đóng hộp hiệu HOSEN QUALITY giả tại chợ Bình Tây bị phát hiện
Một số gian hàng bày bán quả đào ngâm đóng hộp hiệu HOSEN QUALITY giả tại chợ Bình Tây bị phát hiện vào cuối tháng 2/2025 - Ảnh: Chi Cục Quản lý thị trường TPHCM

Cụ thể, cơ quan này đã xử phạt 25 triệu đồng đối với vụ kinh doanh 200 gói kẹo không rõ nguồn gốc, xuất xứ; tạm giữ 50 tấn nội tạng động vật đông lạnh không rõ nguồn gốc tại TP Thủ Đức, trị giá gần 4,5 tỉ đồng; phát hiện gần 7 tấn đường tinh luyện nhập lậu tại huyện Củ Chi… Ngoài ra, qua theo dõi mạng xã hội, Chi cục QLTT TPHCM phát hiện hơn 1 tấn khô bò không rõ nguồn gốc đang được kinh doanh trái phép…

Đối với các mặt hàng sữa, thực phẩm chức năng ngày 14/5/2025, Chi cục đã phát hiện 1 điểm kinh doanh tại chợ Bình Tây và 1 điểm kinh doanh tại quận 8 đang kinh doanh các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ được giới thiệu, bày bán trên website thương mại điện tử.

Theo đánh giá của Sở Công Thương, tình hình thực phẩm không đảm bảo an toàn, kém chất lượng và không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn những diễn biến phức tạp. Các mặt hàng vi phạm đa dạng, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe cộng đồng mà còn ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh.

Để kiểm soát, Sở Công Thương cho biết đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra đột xuất tại các khu vực nổi cộm như chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, các cơ sở sản xuất và các kho chứa hàng hóa. Việc này nhằm kịp thời phát hiện và ngăn chặn thực phẩm không đảm bảo an toàn lưu thông trên thị trường.

Bên cạnh đó, chủ động xây dựng và triển khai các chương trình hợp tác với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Môi trường của các tỉnh, thành phố có lượng lớn nông sản, thực phẩm cung cấp cho TPHCM. Cùng đó, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát thực phẩm tại các cửa ngõ ra vào thành phố. Công tác này gồm việc kiểm tra các giấy tờ liên quan đến nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, và các điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình vận chuyển, bảo quản.

Đặc biệt, chương trình "Tick xanh trách nhiệm" cũng được đẩy mạnh triển khai với mục tiêu dài hạn là tất cả các sản phẩm lưu thông trên thị trường TPHCM đều được dán logo "Tick xanh trách nhiệm", qua đó người tiêu dùng có thể dễ dàng nhận diện và truy xuất thông tin về chất lượng, quy trình sản xuất, chỉ dẫn địa lý của sản phẩm thông qua mã QR.

Đề xuất phạt nặng đối với doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm

Theo Sở Công Thương TPHCM, căn cứ vào hành vi vi phạm, tính chất mức độ vi phạm, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vi phạm về an toàn thực phẩm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nếu có dấu hiệu tội phạm sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý theo quy định.

Ngoài ra, để nâng cao tính răn đe, bên cạnh các biện pháp đang áp dụng, Sở Công Thương đề xuất các cấp có thẩm quyền cần công khai danh tính các cơ sở, cá nhân vi phạm, thông tin chi tiết về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng và cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý.

Điều chỉnh tăng mức phạt tiền, đặc biệt đối với các hành vi vi phạm có tính hệ thống, tái phạm nhiều lần, hoặc có chủ đích thu lợi bất chính từ việc gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đối với các trường hợp vi phạm đặc biệt nghiêm trọng, gây ngộ độc thực phẩm hàng loạt hoặc gây hậu quả lâu dài đến sức khỏe cộng đồng, cần chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Đối với các cơ sở cố tình vi phạm, không có biện pháp khắc phục hiệu quả hoặc tái phạm nhiều lần, cần áp dụng các biện pháp mạnh hơn như đình chỉ hoạt động có thời hạn dài hơn, hoặc xem xét rút giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, giấy phép hoạt động.

Đặc biệt, cần thiết lập một hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung về các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, có sự liên thông giữa các ngành (Công Thương, Y tế/An toàn thực phẩm, Nông nghiệp, Công an, Thuế) để quản lý, giám sát chặt chẽ hơn, ngăn chặn việc các đối tượng này tiếp tục vi phạm dưới các hình thức khác.

Mai Ca

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI