Quản lý chồng chéo, chưa ngăn được thực phẩm không an toàn

19/10/2022 - 06:26

PNO - Hiện có ba ngành công thương, y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn cùng quản lý nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên, điều đó mới chỉ hạn chế một phần, chứ chưa ngăn chặn hoàn toàn thực phẩm bẩn.

Thiếu nhất quán về các tiêu chuẩn 

Bên lề hội nghị “Đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức ngày 18/10, ông Trần Văn Thích - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp, Sản xuất, Thương mại và Dịch vụ Phước An (H.Bình Chánh, TPHCM) - cho biết, hiện có tới ba cơ quan cùng quản lý nhà sơ chế rau, củ, quả của HTX. Mỗi năm, cơ quan phụ trách nông nghiệp, công thương, an toàn thực phẩm (ATTP) đều kiểm tra và mỗi đơn vị kiểm tra hai lần. Trong khi việc cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sơ chế, chứng nhận VietGAP, chứng nhận chuỗi thực phẩm an toàn có thể quy về một đầu mối quản lý.

“Cách đây hai năm, nhà sơ chế của HTX bị phạt 12 triệu đồng với lý do để lọt một con ruồi và một con nhện nhỏ trên tường, khiến người làm nông nghiệp sạch như chúng tôi rất nản. Rau, củ, quả sơ chế không phải là thức ăn nhanh, nhưng các cơ quan lại kiểm tra, xử phạt quá khắt khe” - ông Trần Văn Thích nói.

Đại diện các cơ quan quản lý thừa nhận, hiện nông sản, thực phẩm  chỉ mới được quản lý ở phần ngọn, tức là khi chúng đã được đưa ra thị trường  (trong ảnh: Người tiêu dùng mua rau củ ở các chợ lẻ tại TP.HCM) - ẢNH: N.CẨM
Đại diện các cơ quan quản lý thừa nhận, hiện nông sản, thực phẩm chỉ mới được quản lý ở phần ngọn, tức là khi chúng đã được đưa ra thị trường (trong ảnh: Người tiêu dùng mua rau củ ở các chợ lẻ tại TPHCM) - Ảnh: N.Cẩm

Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TPHCM - cho hay, hiện cả ba bộ (NNPTNT, Công Thương, Y tế) cùng thực hiện chính sách quản lý về ATTP, dẫn tới tình trạng thiếu tiêu chuẩn để quản lý hoặc chưa có sự nhất quán về các tiêu chuẩn. Các cơ sở kinh doanh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ nên khó kiểm soát. Nếu cả ba cơ quan cùng kiểm tra, kiểm soát thì lực lượng mỗi cơ quan một ít, làm riêng lẻ dẫn tới phân tán, không tập trung, còn nếu chỉ làm trong phạm vi trách nhiệm của mình thì sẽ thiếu tính đồng bộ, kịp thời. 

Theo bà, nếu gom các lực lượng quản lý ATTP về một mối, tăng quyền lực cho đầu mối này, việc quản lý ATTP sẽ hiệu quả hơn. Đây cũng là mô hình quản lý ATTP của nhiều nước trên thế giới. Việc tập hợp lực lượng sẽ đủ nguồn lực xây dựng hệ thống thanh tra bám sát thực tế và có kế hoạch chuyên đề dài hơi để quản lý ATTP. 

Bà Phong Lan cũng cho rằng, hiện nay, có tình trạng đối phó khi thực hiện các quy định, yêu cầu. Ví dụ, Ban Quản lý ATTP TPHCM yêu cầu các siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trường học nhập thực phẩm đạt tiêu chuẩn, rõ nguồn gốc. Một số đơn vị ký hợp đồng thu mua thực phẩm đạt chuẩn ghi số lượng lớn nhưng thực tế sau đó chỉ mua với số lượng ít rồi trà trộn thực phẩm không đạt chất lượng vào. 

Để điều chỉnh kịp thời những bất cập trong quản lý  

Bà Phong Lan cũng cho hay, rất khó kiểm soát tình trạng sử dụng hóa chất, phụ gia trong nông sản, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến. Cả cơ quan chức năng và người tiêu dùng đều lo lắng về việc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất cấm trên rau củ quả, thủy hải sản. Để đảm bảo ATTP nông sản, không nên chỉ kiểm soát phần ngọn, lấy mẫu sản phẩm ở các chợ kiểm nghiệm xem có an toàn không mà nên kiểm soát từ khâu trồng trọt, thu hoạch, chăn nuôi, giết mổ, tức là phải đảm bảo ATTP trong từng khâu. 

Ông Võ Văn Hoan - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - nhận định, ATTP là yêu cầu từ thực tiễn cuộc sống và là trách nhiệm của mỗi người. Điều đáng buồn theo ông là tuy người dân Việt Nam có tuổi thọ cao nhưng sức khỏe của người cao tuổi lại không bằng các nước phát triển. Muốn phát triển, muốn vươn ra thế giới hay đơn giản là muốn đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước thì sản phẩm phải gắn với các tiêu chuẩn quốc tế, phải đảm bảo an toàn. 

Theo ông Võ Văn Hoan, để quản lý tốt vấn đề ATTP, nên bắt đầu từ những doanh nghiệp (DN) tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng. Họ phải làm “anh cả” dẫn đường và hỗ trợ, chia sẻ giá trị lợi ích với nông dân, khuyến khích nông dân làm sản phẩm ngày càng tốt hơn, bảo đảm an toàn. Không nên để nông dân tự sản xuất manh mún mà cần xây dựng vùng sản xuất sản phẩm an toàn. Đồng thời, cần tăng cường giám sát nội bộ và phát huy vai trò của các hiệp hội, tổ chức quần chúng, đoàn thể, tổ chức đo lường để tăng cường giám sát, phản ánh với Nhà nước để kịp thời điều chỉnh những bất cập trong quản lý. Đặc biệt, tổ chức bộ máy quản lý ATTP phải thống nhất và phải ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm soát an toàn, chất lượng thực phẩm. 

Đơn vị mua hàng yêu cầu nông dân sản xuất an toàn

Tại hội nghị, ông Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ NNPTNT - nhận trách nhiệm về việc để thực phẩm bẩn, rau kém chất lượng gắn mác VietGAP vào siêu thị, ảnh hưởng xấu tới tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, với việc làm nông nghiệp manh mún như hiện nay, theo ông, sẽ rất khó để kiểm soát chặt về chất lượng sản phẩm. 

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, có thể thay đổi thực trạng trên bằng cách nâng cao vai trò của DN trong việc hướng dẫn, đặt hàng nông dân làm theo tiêu chuẩn mà thị trường yêu cầu. Ông cho rằng, khi cơ quan quản lý yêu cầu, nông dân có thể không nghe nhưng khi các DN, đầu mối mua hàng đưa ra các yêu cầu, hướng dẫn để làm ra sản phẩm an toàn thì nông dân lại sẵn sàng hưởng ứng, bởi đó là đầu ra sản phẩm, là nguồn sống của họ. Việc DN và nông dân hợp tác như vậy sẽ tạo ra chuỗi giá trị chung chứ không chỉ mua đứt bán đoạn như hiện nay. 
Ông cho hay, Bộ NNPTNT đang rà soát lại tất cả tiêu chuẩn, quy định, chế tài của ngành để kiến nghị Chính phủ sửa đổi cho phù hợp, tiến tới hoàn thiện dần các quy định về ATTP, về nông sản sạch.

Nguyễn Cẩm

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI