Số ca nhiễm COVID-19 thực tế có thể cao gấp mười lần ước tính

22/07/2020 - 15:22

PNO - Theo dữ liệu mới công bố trên JAMA, tạp chí chuyên ngành của Hiệp hội Y khoa Mỹ, người mang mầm bệnh COVID-19 không triệu chứng có thể vô tình truyền bệnh cho người khác và tỷ lệ lây nhiễm virus ở các khu vực khác nhau của nước Mỹ có thể cao hơn nhiều so với đánh giá của mọi người.

Con số ca nhiễm COVID-19 thực tế có khả năng cao gấp 10 lần so với ước tính chính thức - Ảnh: ABC News
Con số ca nhiễm COVID-19 thực tế có khả năng cao gấp 10 lần so với ước tính chính thức - Ảnh: ABC News

Theo ABC News, kể từ tháng Giêng, các tiểu bang được yêu cầu báo cáo tất cả các trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 cho Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tuy nhiên, số ca nhiễm thực tế có thể cao gấp 10 lần so với con số ghi trong hồ sơ. Nhiều người nhiễm virus dù không có triệu chứng bệnh, do đó, họ có thể vô tình lây lan virus.

John Brownstein, chuyên gia dịch tễ học và giáo sư tin học y sinh tại Đại học Y Harvard (Mỹ) cho biết, nghiên cứu này "xác thực các nghiên cứu nhỏ khác thực hiện trước đây" và cho thấy "virus lây nhiễm rộng hơn nhiều so với hiểu biết trước kia của mọi người".

Ước tính gần đây nhất của CDC là khoảng 40% ca nhiễm bệnh lây từ những người không có biểu hiện triệu chứng. Điều đó có nghĩa, những người mang virus không triệu chứng có thể đóng một vai trò lớn trong việc lây truyền trong cộng đồng (sự lây lan của virus thông qua một nguồn không xác định ở một khu vực cụ thể).

Phân tích gần đây nhất của CDC bao gồm 10 thành phố và tiểu bang ở Mỹ, trong đó nhiều nơi có tỷ lệ lây nhiễm cao. Một số khu vực, chẳng hạn như Missouri, có số ca nhiễm ước tính cao gấp 13 lần so với báo cáo, nhưng ở các khu vực khác, như thành phố New York, sự khác biệt giữa tình trạng lây nhiễm và các ca được báo cáo thực tế ngày càng giảm, có thể là nhờ việc cải thiện năng lực xét nghiệm.

Khái niệm xét nghiệm trên diện rộng, ngay cả đối với những người không có triệu chứng, đã được đề xuất như một công cụ để lập hồ sơ chính xác tỷ lệ lây nhiễm. Các quốc gia như Iceland, đã thực hiện chiến lược xét nghiệm tích cực và có tỷ lệ xét nghiệm cao nhất thế giới tính theo bình quân đầu người, đã ngăn chặn thành công sự lây lan của virus. Tuy nhiên, những người hoài nghi cho rằng việc tăng cả tỷ lệ âm tính giả (không phát hiện virus khi có) và tỷ lệ dương tính giả (không phát hiện virus khi không có) sẽ “lợi bất cập hại”.

Giáo sư Brownstein nói, mặc dù tỷ lệ nhiễm virus cao hơn trong dân số, "chúng ta cũng không thể đưa ra bất kỳ kết luận nào về khả năng miễn dịch bầy đàn từ dữ liệu này". Miễn dịch bầy đàn là một khái niệm cho rằng khi một tỷ lệ đủ lớn trong cộng đồng miễn dịch với bệnh thì nó sẽ ngăn dịch bệnh lây lan, đây là mục tiêu của nhiều chuyên gia y tế trong đại dịch.

Ông Brownstein cho biết "tổng số người bị nhiễm virus vẫn còn thấp", vì vậy "chúng ta sẽ còn chứng kiến nhiều hơn số ca lây nhiễm” trước khi  virus được khống chế hoặc có vắc-xin. Thêm vào đó, kết quả thử nghiệm lâm sàng gần đây của một số vắc-xin cho thấy còn nhiều tháng nữa nhân loại mới có công cụ chống virus hữu hiệu.

Kết quả nghiên cứu được thực hiện trên sự phân tích các mẫu máu xét nghiệm định kỳ hoặc các bệnh nhân nhập viện từ tháng Ba đến tháng Năm tại 10 thành phố và tiểu bang trên khắp nước Mỹ. Tuy nhiên số mẫu lấy theo cách này không đại diện cho dân số nói chung, vì không ít người tự điều trị ở nhà.

Theo các chuyên gia, mặc dù có hạn chế, nhưng “nghiên cứu được thực hiện tốt”, nó giúp các chuyên gia y tế hiểu rõ hơn về gánh nặng của COVID-19 trên toàn cộng đồng.

Thanh Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI