Sau chuyến thăm của ông Trump, Mỹ - Ấn Độ có đạt được thỏa thuận thương mại?

24/02/2020 - 10:02

PNO - Ấn Độ cần sức mạnh của Mỹ để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn từ Trung Quốc. Ở phía còn lại, Tổng thống Donald Trump cần một thỏa thuận thương mại với quốc gia đông dân thứ hai thế giới.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức đến Ấn Độ vào thứ Hai, 24/2. Nếu như vấn đề chung về Bắc Kinh giúp đưa Mỹ và Ấn Độ đến gần nhau hơn thì sự khác biệt về thương mại, vũ khí và chương trình nghị sự dân tộc là rào cản lớn để hai quốc gia này đi đến thỏa thuận chung.

Chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như rất xem trọng chuyến thăm hai ngày của Tổng thống Mỹ và Đệ nhất phu nhân Melania Trump, khi chi ra khoảng 14 triệu USD để đảm bảo cơ sở hạ tầng và công tác hậu cần. 

Thủ tướng Narendra Modi (trái) và Tổng thống Donald Trump có rất nhiều điểm tương đồng về hoạch định chính sách, nhưng họ lại đứng ở hai phía khác nhau trên cán cân thương mại
Thủ tướng Narendra Modi (trái) và Tổng thống Donald Trump có rất nhiều điểm tương đồng về hoạch định chính sách, nhưng họ lại đứng ở hai phía khác nhau trên cán cân thương mại

Các cuộc thảo luận giữa chính quyền Mỹ và New Delhi dự kiến sẽ tạo ra ít nhất một thỏa thuận có lợi cho Tổng thống Donald Trump. Nếu trở thành hiện thực, thỏa thuận sẽ là một lợi thế lớn cho vị tỷ phú 74 tuổi trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 3/11.

Năm 2019, chính quyền Tổng thống Trump tăng áp lực lên Ấn Độ bằng cách từ chối một số sản phẩm được miễn thuế vào thị trường Mỹ, nhằm giảm thâm hụt thương mại hàng hóa với Ấn Độ lên đến 23,3 tỷ USD. Đồng thời, Mỹ cũng đã phàn nàn về những hạn chế của Ấn Độ đối với thiết bị y tế nhập khẩu từ nước này. Năm 2017, Ấn Độ áp đặt kiểm soát giá đối với sản phẩm stent mạch vành và khớp cấy ghép đầu gối, buộc các công ty Mỹ phải bán những sản phẩm đó với giá thấp.

Các cuộc đàm phán giữa Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng thương mại Ấn Độ Piyush Gidel dường như tiến triển rất tốt cho đến khoảng giữa tháng Hai, khi đôi bên thất bại trong việc thu hẹp sự khác biệt về lợi ích. Tranh cãi lớn nhất là về việc tiếp cận thị trường sữa Ấn Độ. Là một quốc gia chủ yếu theo đạo Hindu, trên cơ sở tôn giáo, Ấn Độ cấm nhập khẩu sữa từ những con bò không được nuôi dưỡng bằng chế độ ăn chay. Ngành công nghiệp sữa Mỹ lập luận rằng, những hạn chế như vậy là không cần thiết về mặt khoa học và đem lại gánh nặng.

Ấn Độ cần sức mạnh của Mỹ để đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn từ Trung Quốc. Ở phía còn lại, Tổng thống Donald Trump cần một thỏa thuận thương mại với quốc gia đông dân thứ hai thế giới, và sự ủng hộ của những cử tri gốc Ấn trước thềm cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Thế giới có thể mong đợi một thỏa thuận giữa hai nước trong tương lai gần, dù nó không thực sự bao quát nhiều phương diện được quan tâm. 

Tấn Vĩ (Theo Eurasia Review)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI